Kiểm kê, bồi thường tuyến đường sắt tốc độ cao qua Thanh Hóa
Tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo các đơn vị, địa phương có liên quan đẩy nhanh triển khai Dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Qua khảo sát tuyến và triển khai trên thực địa, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc- Nam đoạn qua tỉnh Thanh Hóa có chiều dài khoảng 95,33km (khoảng từ Km113+800 - Km209+130). Tổng diện tích đất qua địa bàn tỉnh Thanh Hoá bị ảnh hưởng, phải thu hồi khoảng 572,99ha (đất ở 91,56ha; đất nông nghiệp và đất khác 481,43ha).

Dự án sẽ đi qua 7 phường (Quang Trung, Bỉm Sơn, Hàm Rồng, Đông Tiến, Đông Sơn, Đông Quang, Trúc Lâm) và 11 xã (Hoạt Giang, Hà Trung, Triệu Lộc, Hoằng Phú, Hoằng Giang, Trung Chính, Thắng Lợi, Nông Cống, Thăng Bình, Công Chính, Trường Lâm).
Quá trình kiểm kê cho thấy, số lượng công trình và hộ dân bị ảnh hưởng rất lớn. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng bị ảnh hưởng phải di dời khoảng 41 công trình. Số hộ phải di chuyển chỗ ở, bố trí tái định cư dự kiến là 2.107 hộ.

Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam là dự án trọng điểm quốc gia nên người dân trong vùng ảnh hưởng dự án đồng thuận rất cao. Các đơn vị chức năng của tỉnh Thanh Hóa cũng vào cuộc tích cực. Đồng loạt đầu tư hạ tầng 39 khu tái định cư tại 16 phường, xã với diện tích là 300ha, tổng kinh phí thực hiện khoảng 3.873 tỷ đồng. 1 khu tái định cư tại thôn Mỹ Phong, xã Công Chính đã hoàn thành.
Trong quá trình triển khai dự án trọng điểm này, các đơn vị, địa phương bị xáo trộn bởi sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp. Tuy nhiên sau khi kiện toàn bộ máy (từ 1/7/2025), tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương phải triển khai ngay các nhiệm vụ, những khó khăn, vướng mắc của người dân, báo cáo sở Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường trước ngày 11/7.

Quá trình triển khai khu tái định cư phải tổ chức lấy ý kiến nhân dân bị ảnh hưởng. Trong quá trình thực hiện, nếu các địa phương gặp khó khăn, vướng mắc, báo cáo ngay UBND tỉnh để kịp thời tháo gỡ. Tránh ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt và tạo được sự đồng thuận trong nhân dân khi triển khai dự án.
Trong tháng 7/2025, các sở Công Thương, Xây dựng chủ trì phối hợp với Công ty Điện lực Thanh Hóa, công ty truyền tải điện, các đơn vị có liên quan rà soát các công trình điện trong phạm vi giải phóng mặt bằng cần phải di dời để có phương án thực hiện.

Trong quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/200 khu vực số 04 Quy hoạch chung đô thị thành phố Thanh Hóa (nay là phường Đông Sơn) đang lập, đã quy hoạch dành quỹ đất xây dựng ga hành khách tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có diện tích 8,1ha. 1 nhà ga khác sẽ đặt tại khu Kinh tế Nghi Sơn.
Được biết, Chính phủ đã hoàn thiện dự án trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án với quy mô đầu tư, xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h, tổng chiều dài khoảng 1.541km; bao gồm 23 ga khách và 5 ga hàng hóa, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỷ USD, đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố, nhu cầu sử dụng đất khoảng 10.827ha, số dân cần tái định cư khoảng 120.836 người...
Nhà ga hành khách dự kiến đặt tại khu vực giao nhau giữa đường Lại Thế Long và đường Vành đai phía Tây (còn gọi đường Vạn Lại - Yên Trường) thuộc địa phận phường Đông Tân, thành phố Thanh Hóa (nay là phường Đông Sơn). Vị trí khu vực xây dựng nhà ga cạnh bến xe trung tâm (Dự án bến xe trung tâm Thanh Hóa rộng 9,9ha, có tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng, chưa khởi công xây dựng).
Tỉnh Thanh Hóa cũng đang giao cho các ngành chức năng, nghiên cứu ưu tiên bố trí quỹ đất xung quanh khu vực ga hành khách để phát triển các khu đô thị, khu chức năng theo định hướng phát triển triển đô thị lấy đầu mối giao thông công cộng nhanh, khối lượng lớn làm hạt nhân trung tâm kết nối đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia và đường sắt tốc độ cao.
Đồng thời, tạo thuận lợi, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng và tạo ra các khu đô thị bền vững, thân thiện với môi trường theo mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm).