Bắc Ninh: Khởi sắc từ Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP
Với 611 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên, Bắc Ninh không chỉ tạo ra sức bật mạnh mẽ cho kinh tế nông thôn mà đang vững bước trên con đường trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về chương trình "Mỗi xã một sản phẩm".
.png)
Những con số "biết nói"
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đã và đang chứng tỏ được vai trò là một trong những động lực quan trọng, khơi dậy tiềm năng và thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực nông thôn tỉnh Bắc Ninh. Sau nhiều năm triển khai, chương trình không chỉ là một chủ trương đúng đắn mà đã trở thành một phong trào sản xuất có sức lan tỏa sâu rộng, mang lại những kết quả tích cực và toàn diện.
Sự phát triển của sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã có những bước tiến vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 611 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên.
Cơ cấu sản phẩm thể hiện rõ sự đầu tư bài bản và định hướng phát triển bền vững với 01 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia; 21 sản phẩm 4 sao là những sản phẩm tiềm năng, có chất lượng vượt trội, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe và 589 sản phẩm 3 sao là nền tảng vững chắc, khẳng định sự đa dạng và phong phú của nông sản, đặc sản địa phương. Đây là minh chứng cho chất lượng đỉnh cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn quốc và hướng tới xuất khẩu.
Đặc biệt, Bắc Ninh còn tiên phong phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch, với 04 sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch, mở ra hướng đi mới trong việc kết hợp nông nghiệp với du lịch để gia tăng giá trị.
Thành công của chương trình OCOP Bắc Ninh không chỉ nằm ở số lượng. Điểm nhấn tạo nên giá trị và sức cạnh tranh cho các sản phẩm chính là yếu tố chất lượng và sự minh bạch. Tất cả các sản phẩm OCOP đều có hồ sơ, minh chứng rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất.
Nhiều chủ thể đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, đạt các chứng nhận quốc tế như ISO 22000, HACCP, VietGAP, GlobalGAP… Đây không chỉ là "tấm vé thông hành" giúp sản phẩm dễ dàng tiếp cận các kênh phân phối hiện đại mà còn là lời cam kết về chất lượng và sự an toàn đối với người tiêu dùng. Chính sự đầu tư vào chất lượng đã giúp kinh tế nông thôn phát triển theo hướng nội sinh, gia tăng giá trị trên từng sản phẩm.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc kết nối cung - cầu, các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh đã không ngừng nỗ lực đưa sản phẩm OCOP vươn xa. Trong 5 năm qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã hỗ trợ hơn 100 lượt hợp tác xã, doanh nghiệp với khoảng 350 lượt sản phẩm tham gia 19 hội chợ, triển lãm, festival lớn tại các tỉnh, thành phố trọng điểm như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Cần Thơ...
Thông qua các sự kiện quan trọng như Gặp gỡ Việt Nam - Hàn Quốc, Hội nghị quốc tế Harla hay SEA Games 31, hàng trăm cuốn cẩm nang và hàng nghìn tờ rơi giới thiệu sản phẩm OCOP Bắc Ninh đã được trao đến tay các đối tác, du khách trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, sự vào cuộc đồng bộ của Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Môi trường và chính quyền các địa phương trong việc tổ chức hội chợ, quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử đã tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện, giúp sản phẩm OCOP Bắc Ninh ngày càng được biết đến rộng rãi.
.png)
Mục tiêu 700 sản phẩm OCOP đạt 3 sao
Không dừng lại ở những kết quả đã đạt được, Bắc Ninh đặt ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 700 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, tỉnh đặt mục tiêu duy trì và phát triển 01 sản phẩm 5 sao, nâng số sản phẩm 4 sao lên 23 và có 676 sản phẩm 3 sao.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Sở Nông nghiệp và Môi trường đang tích cực phối hợp với Sở Công thương chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để tham gia "Hội chợ xúc tiến thương mại hàng Việt Đà Nẵng 2025 - Tôn vinh sản phẩm OCOP". Đồng thời, công tác chỉ đạo, đôn đốc các địa phương khẩn trương đánh giá, phân hạng sản phẩm mới đang được gấp rút thực hiện.
Với chiến lược bài bản, sự đầu tư nghiêm túc cho chất lượng và các hoạt động quảng bá, Bắc Ninh đang khẳng định quyết tâm giữ vững vị thế là một trong những địa phương dẫn đầu khu vực Miền núi phía Bắc và cả nước về số lượng và chất lượng sản phẩm OCOP, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.