Phong trào thi đua

Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm về dân sự tại TANDTC trong bối cảnh đổi mới tổ chức và hoạt động

Chi bộ Vụ Giám đốc, kiểm tra về dân sự 03/07/2025 - 14:39

Trong bối cảnh ngành Tòa án nhân dân đang thực hiện đổi mới tổ chức và hoạt động, công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm về dân sự tại Tòa án nhân dân tối cao vẫn đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần bảo đảm quyền lợi hợp pháp của công dân, giữ vững niềm tin của nhân dân vào công lý.

Phát huy truyền thống đoàn kết, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao

Chi bộ Vụ Giám đốc, kiểm tra về dân sự (Vụ Giám đốc, kiểm tra II) được thành lập trên cơ sở Chi bộ Vụ Giám đốc, kiểm tra về dân sự, kinh doanh, thương mại trực thuộc Đảng bộ Tòa án nhân dân tối cao (từ ngày 01/01/2025, thực hiện việc sắp xếp tổ chức, bộ máy theo mô hình mới, Tòa án nhân dân tối cao đã chuyển phần án kinh doanh, thương mại sang Vụ Giám đốc, kiểm tra về kinh doanh, thương mại, phá sản, lao động, gia đình và người chưa thành niên).

anh.jpg
Vụ trưởng Vụ Giám đốc kiểm tra II Đỗ Thị Hải Yến phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai công tác năm 2024

Chi bộ có nhiệm vụ chính trị trọng tâm là lãnh đạo Vụ Giám đốc, kiểm tra II thực hiện chức năng tham mưu, giúp Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thực hiện công tác giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án dân sự.

Ngoài ra, Chi bộ còn thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Điều lệ Đảng và các văn bản của Đảng ủy cấp trên.

Chi bộ xác định các nhiệm vụ này là nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Chi bộ trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ đảng viên, công chức vững mạnh về chính trị, tư tưởng và đạo đức. Nhất là đội ngũ lãnh đạo đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Chi bộ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cấp trên đã đề ra.

Vụ Giám đốc, kiểm tra II hiện có 33 công chức, tuy nhiên không phải 100% số lượng công chức trực tiếp nghiên cứu các hồ sơ vụ việc trong khi số lượng thụ lý vụ việc ngày càng lớn.

Trong bối cảnh số lượng đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị tăng 200% trong giai đoạn 2020 - 2025, nhưng biên chế đơn vị không thay đổi, thậm chí còn giảm do một số công chức nghỉ hưu và thuyên chuyển công tác.

Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao, đơn vị luôn quán triệt thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và Chỉ thị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực để thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

Đơn vị quyết tâm, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tăng tốc, bứt phá đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích để chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Chi bộ Vụ Giám đốc, kiểm tra II luôn phát huy được truyền thống đoàn kết, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ về xây dựng tổ chức cơ sở đảng, đội ngũ đảng viên; các đảng viên trong chi bộ luôn gương mẫu, tích cực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần không nhỏ vào thành tích chung của chi bộ, đơn vị.

Trong giai đoạn từ năm 2020 - 2025, đơn vị đã tham mưu giúp Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử được 485/490 vụ, đạt tỷ lệ 98,9%.

Tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị giai đoạn 2020 - 2025 là 7.701 vụ, đơn vị đã giải quyết được 6.409 vụ/7.701 vụ, đạt tỷ lệ 83,2%; 100% công chức của đơn vị đều đạt danh hiệu lao động tiên tiến, nhiều công chức đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, được tặng thưởng Bằng khen, Giấy khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Nhiều năm liền Chi bộ Vụ Giám đốc, kiểm tra II đạt danh hiệu “Chi bộ trong sạch, vững mạnh”, Vụ Giám đốc, kiểm tra II đều đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, đặc biệt đơn vị đã vinh dự được tặng Cờ thi đua Tòa án nhân dân vào các năm 2020, 2022 và 2024.

Riêng năm công tác 2024, Vụ Giám đốc, kiểm tra II đã tham mưu giúp Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử được 101/105 vụ, đạt tỷ lệ 96,20%.

Cũng trong năm 2024, tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị là 2.594 vụ (tăng hơn 30% so với năm 2023). Trong bối cảnh đơn tăng nhanh và số lượng công chức làm việc tại đơn vị giảm, nhưng đơn vị vẫn giải quyết được 1.588 vụ/2.594 vụ, đạt tỷ lệ 61,22%.

Để hoàn thành chỉ tiêu công tác do Quốc hội giao (từ 60% trở lên), ngay từ đầu năm, Ban Chi ủy, Lãnh đạo Vụ Giám đốc, kiểm tra II đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao với công việc, đề ra nhiều kế hoạch, giải pháp, cùng với công chức trong đơn vị ngày đêm nghiên cứu, nghe báo cáo và duyệt tờ trình, hồ sơ.

Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác được giao, ngay từ đầu năm công tác, đơn vị đã đề ra kế hoạch công tác cụ thể với mục tiêu phấn đấu giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; không để án tồn đọng, quá hạn luật định, kéo dài gây bức xúc dư luận.

Quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và Tòa án nhân dân tối cao về công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền, xây dựng Tòa án và công tác tư pháp.

Chú trọng công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống, phòng chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, tham nhũng, tiêu cực; chủ động, tích cực và sáng tạo để thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ Quốc hội đề ra. Duy trì tốt nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị; đấu tranh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng; nâng cao ý thức trách nhiệm phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Lãnh đạo đơn vị tăng cường tự kiểm tra, giám sát trong thi hành công vụ tại đơn vị.

Công chức trong đơn vị tiếp tục thực hiện nhiệm vụ một cách minh bạch, trong sáng, áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án bảo đảm có căn cứ, đúng pháp luật; đẩy nhanh tiến độ giải quyết và nâng cao chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Đổi mới tổ chức ngành Tòa án và những yêu cầu đặt ra đối với việc giải quyết các loại vụ việc dân sự

Ngày 24/6/2025, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025. Cụ thể, Điều 4 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 (sửa đổi, bổ sung năm 2025) quy định tổ chức của Tòa án nhân dân bao gồm: Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp tỉnh); Tòa án nhân dân khu vực; Tòa án chuyên biệt tại Trung tâm tài chính quốc tế (sau đây gọi chung là Tòa án chuyên biệt); Tòa án quân sự trung ương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực (sau đây gọi chung là Tòa án quân sự). Từ ngày 01/7/2025, kết thúc hoạt động của 3 Tòa án nhân dân cấp cao, không tổ chức Tòa án nhân dân cấp huyện.

Theo Điều 60 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 (sửa đổi, bổ sung năm 2025), cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân khu vực bao gồm các Tòa chuyên trách là Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Kinh tế, Tòa Hành chính, Tòa Gia đình và người chưa thành niên; Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ tại một số Tòa án nhân dân khu vực.

Song song với sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 như đã phân tích ở trên, ngày 25/6/2025, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Luật số 85/2025/QH15, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025).

Theo quy định của Luật số 85/2025/QH15, Tòa án nhân dân khu vực được giao xét xử sơ thẩm tất cả các vụ án dân sự, kinh doanh, thương mại, hành chính, lao động. Nhất là các vụ án có yếu tố nước ngoài, các việc yêu cầu công nhận và cho thi hành quyết định, bản án của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài, bắt giữ tàu bay, tàu biển.

Để giải quyết tốt các tranh chấp ngay từ ban đầu, tránh khiếu nại kéo dài, khiếu nại lên đến cấp trên cùng, gây áp lực cho Tòa án nhân dân tối cao trong công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Điều này đòi hỏi đội ngũ công chức, đặc biệt là đội ngũ Thẩm phán của Tòa án khu vực phải là những người giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật và có phẩm chất đạo đức tốt.
Như vậy họ mới đảm nhận được trọng trách giải quyết hầu hết các loại vụ việc theo thẩm quyền mới. Do đó, việc nâng cao năng lực, trình độ của Thẩm phán tại Tòa án khu vực đóng vai trò then chốt.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh pháp luật đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình mới thì cần có các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu bắt buộc phải tham gia để cập nhật các văn bản mới, bảo đảm việc xét xử có căn cứ, hợp tình, hợp lý nhằm giảm các vụ việc lên đến cấp phúc thẩm và Tòa án nhân dân tối cao.

Tại Tòa án nhân dân tối cao, cũng cần tăng cường các chuyên gia đầu ngành, có tâm trong sáng, đạo đức tốt, chuyên môn sâu, có chính sách động viên, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển đối với đảng viên, công chức để họ có động lực phấn đấu và đam mê với nghề.

Chi bộ Vụ Giám đốc, kiểm tra về dân sự