Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng: Giữ vững chất lượng xét xử, thích ứng linh hoạt với tổ chức mới
Sau ngày 1/7/2025, hệ thống Tòa án chuyển mình mạnh mẽ, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng chính thức vận hành, tiếp nối trọng trách xét xử phúc thẩm khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Ngay trong những ngày đầu vận hành, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng đã thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, tính chủ động cao trong xử lý công việc. Việc tiếp nhận, phân công nhiệm vụ được triển khai kịp thời, xuyên suốt; đội ngũ cán bộ, Thẩm phán nhanh chóng ổn định vị trí công tác mới, duy trì lịch xét xử đúng tiến độ, bảo đảm sự kế thừa về chuyên môn và tính liên tục trong hoạt động tư pháp.
Chánh tòa Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng Trần Huy Đức, cho biết: "Chúng tôi quán triệt tinh thần: Cải cách không phải là phá bỏ mà là kế thừa có chọn lọc, đổi mới có kiểm soát, từ đó nâng cao năng lực của đội ngũ và hiệu quả xét xử".

Trong điều kiện biên chế không tăng, lại có sự điều chuyển nhân sự, yêu cầu đặt ra đối với mỗi Thẩm phán là phải chủ động thích ứng, phát huy năng lực cá nhân và tăng cường phối hợp để bảo đảm hiệu quả công việc ngay từ giai đoạn đầu vận hành tổ chức mới.
Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ thông tin được xem là một giải pháp chủ lực giúp Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng giữ vững tốc độ và chất lượng giải quyết án. Hồ sơ điện tử, phần mềm quản lý án, hệ thống báo cáo trực tuyến... tiếp tục được duy trì và nâng cấp. Các Hội đồng xét xử được sắp xếp khoa học, luân phiên và tăng cường sinh hoạt chuyên môn để trao đổi nghiệp vụ, bảo đảm tính thống nhất trong đường lối xét xử.
Không chỉ tập trung nâng cao chất lượng giải quyết án, Tòa Phúc thẩm tại Đà Nẵng xác định sẽ chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho đội ngũ Thẩm phán trẻ – lực lượng được kỳ vọng sẽ là nòng cốt trong tiến trình cải cách tư pháp thời gian tới. Theo kế hoạch, các buổi tập huấn chuyên đề, phiên tòa rút kinh nghiệm và hoạt động trao đổi nghiệp vụ theo nhóm sẽ được tổ chức định kỳ, với sự tham gia của các chuyên gia pháp lý có kinh nghiệm. Những bài học rút ra từ thực tiễn sẽ từng bước được hệ thống hóa, góp phần hình thành nền tảng kiến thức chung, hỗ trợ toàn thể đội ngũ cùng phát triển.
Cùng với đó, công tác tự rà soát, đánh giá chất lượng bản án sẽ được triển khai một cách chủ động và thực chất. Những vụ việc có sai sót, nhất là án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan sẽ được phân tích kỹ lưỡng trong các buổi sinh hoạt chuyên đề nhằm rút kinh nghiệm chung, nâng cao chất lượng xét xử.
Chánh tòa Trần Huy Đức nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ không chạy theo những con số hình thức. Giá trị của một bản án không chỉ nằm ở căn cứ pháp lý và lập luận chặt chẽ, mà còn ở sự công tâm, bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm của người Thẩm phán khi đưa ra phán quyết…".
Với đội ngũ Thẩm phán dày dạn kinh nghiệm, từng đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt tại TAND cấp cao tại Đà Nẵng, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng được kế thừa trọn vẹn nền tảng chuyên môn vững chắc, bảo đảm chất lượng xét xử ngay từ những ngày đầu vận hành. Tòa Phúc thẩm mới được kỳ vọng sẽ tiếp tục khẳng định vị thế là trung tâm xét xử phúc thẩm có uy tín, đóng vai trò nòng cốt trong tiến trình cải cách tư pháp khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

“Đó là một lợi thế lớn. Tuy nhiên, chúng tôi không muốn dừng lại ở sự kế thừa. Mỗi người đều cần làm mới chính mình trong một cơ chế tổ chức mới. Chúng tôi khuyến khích sự chia sẻ kinh nghiệm giữa các thế hệ, tạo điều kiện để Thẩm phán trẻ học hỏi, đồng thời tạo ‘sân chơi’ để họ thể hiện năng lực qua các vụ án lớn. Tư duy đổi mới được nuôi dưỡng qua từng buổi trao đổi nghiệp vụ, từng bản án mẫu và từng lần rút kinh nghiệm sâu sắc. Chúng tôi không kỳ vọng sự thay đổi ồ ạt, mà là sự phát triển bền vững, từng bước và có chiều sâu”, Chánh tòa Trần Huy Đức nhấn mạnh.
Đồng hành cùng đội ngũ Thẩm phán là các Thư ký, cán bộ hành chính – những người âm thầm nhưng đóng vai trò không thể thay thế trong quá trình đảm bảo vận hành hệ thống tố tụng. Được đào tạo bài bản, quen thuộc với các quy trình nghiệp vụ và công nghệ quản trị số, họ là lực lượng hậu cần vững chắc, giúp Thẩm phán tập trung vào chuyên môn, từ đó rút ngắn thời gian giải quyết án và nâng cao chất lượng xét xử. Từ lập lịch xử, chuẩn bị tài liệu, đến xử lý thông tin hồ sơ… mỗi mắt xích đều được kết nối nhịp nhàng, hình thành nên một chỉnh thể vận hành hiệu quả, minh bạch và chuyên nghiệp.
Trong thời gian tới, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng sẽ tăng cường kết nối với Tòa án các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên để thống nhất nhận thức pháp lý và chia sẻ kinh nghiệm giải quyết án phức tạp. "Cải cách tư pháp phải đi từ gốc – là nhận thức, đến ngọn – là hành động. Nếu chỉ làm thay đổi cơ cấu tổ chức mà không thay đổi tư duy, thì sẽ không đạt được chuyển biến thực chất", ông Trần Huy Đức bày tỏ.
Cùng với việc đảm bảo chất lượng xét xử, đơn vị còn đặt mục tiêu xây dựng môi trường làm việc văn minh, kỷ luật, trong sạch. Các quy chế nội bộ được hoàn thiện, văn hóa ứng xử được đề cao, tinh thần đồng đội được phát huy để tạo dựng một nền nếp làm việc chuyên nghiệp và nhân văn.
Từ nền tảng đã được xây dựng nhiều năm qua, sự kế thừa bài bản cùng tinh thần đổi mới mạnh mẽ trong tổ chức mới sẽ giúp Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc bảo vệ công lý, bảo đảm sự nghiêm minh và thống nhất của pháp luật. Đó là kỳ vọng không chỉ của lãnh đạo ngành, mà còn là niềm tin mà người dân gửi gắm vào Tòa án trong hành trình cải cách tư pháp vì một nền công lý liêm chính, phụng sự nhân dân.