Chặn các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc tuồn ra thị trường
Sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe và tâm lý của người tiêu dùng. Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh đấu tranh xử lý sớm từ nguồn cung.
Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc thường chứa các hóa chất độc hại, gây kích ứng da, dị ứng hoặc các vấn đề nghiêm trọng hơn như viêm da, mẩn ngứa, hay thậm chí nhiễm trùng. Một số thành phần có thể gây ra tác hại lâu dài như ung thư hoặc rối loạn nội tiết.

Nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc không được kiểm định chất lượng, do đó không mang lại hiệu quả như quảng cáo. Người tiêu dùng có thể tốn tiền mà không đạt được kết quả mong muốn.
Khi sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, người tiêu dùng có thể cảm thấy lo lắng về tác động của sản phẩm lên sức khỏe và tâm lý của mình. Điều này có thể dẫn đến sự bất an và giảm chất lượng cuộc sống.
Việc sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng có thể làm giảm lòng tin của người tiêu dùng vào các thương hiệu uy tín. Nếu người tiêu dùng có trải nghiệm xấu với một sản phẩm không rõ nguồn gốc, họ có thể trở nên nghi ngờ về tất cả các sản phẩm mỹ phẩm.

Chi phí mỹ phẩm không rõ nguồn gốc có thể cao, và nếu sản phẩm không hiệu quả hoặc gây hại, người tiêu dùng không chỉ mất tiền mà còn phải chi thêm cho việc điều trị các vấn đề sức khỏe phát sinh.
Ngoài ra, sử dụng và phân phối mỹ phẩm không rõ nguồn gốc có thể vi phạm các quy định pháp luật về an toàn sản phẩm, dẫn đến các hậu quả pháp lý cho người tiêu dùng và cả các doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc không tuân thủ các quy về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất và tiêu hủy.

Do đó, việc lựa chọn mỹ phẩm từ các thương hiệu uy tín, có nguồn gốc rõ ràng và được kiểm định chất lượng là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho bản thân.
Thanh tra Sở Y tế Thanh Hóa vừa có quyết định xử phạt hành chính số tiền 90 triệu đồng, đối với Chi nhánh Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ K&C tại Thanh Hóa (số 34, đường Thanh Chương, phố Thành Công, phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hóa- sau sắp xếp là phường Quảng Phú, tỉnh Thanh Hóa).
Chi nhánh công ty trên trên đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính là không đảm bảo một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo quy định của pháp luật (điều kiện về cơ sở vật chất và điều kiện về trang thiết bị).

Ngoài bị xử phạt số tiền trên, Chi nhánh Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ K&C tại Thanh Hóa, còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là thu hồi và tiêu huỷ toàn bộ sản phẩm mỹ phẩm đã sản xuất; kiến nghị Sở Y tế thu hồi tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Trước đó, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Thị Dung (SN 1995, trú tại xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn, nay là xã Hợp Tiến, tỉnh Thanh Hóa) về hành vi “Sản xuất, mua bán hàng giả”.
Qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, lực lượng chức năng phát hiện Nguyễn Thị Dung thường xuyên sử dụng tài khoản TikTok để livestream giới thiệu và rao bán các loại mỹ phẩm gắn mác thương hiệu nổi tiếng với giá thành rẻ bất ngờ. Các buổi phát trực tiếp này thu hút hàng trăm lượt xem, tương tác mỗi lần phát sóng, tạo cảm giác uy tín và tin cậy cho người mua.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Công an tỉnh đã phối hợp với Công an xã Minh Sơn và Đội Quản lý thị trường số 6 (Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa) tiến hành kiểm tra khẩn cấp nơi ở của Nguyễn Thị Dung tại hai địa điểm trên địa bàn huyện Triệu Sơn.
Tại ngôi nhà Dung thuê ở thôn 4, xã Minh Sơn – nơi được sử dụng như một “xưởng sản xuất” mỹ phẩm, lực lượng chức năng thu giữ lượng lớn tang vật gồm: hóa chất, dung dịch các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ, vỏ mỹ phẩm rỗng đã qua sử dụng, 03 máy trộn công suất nhỏ, 7 thanh quay máy trộn, cùng nhiều dụng cụ pha trộn mỹ phẩm khác.
Tiếp tục khám xét tại nơi ở chính của Dung ở thôn Đồng Khang, xã Hợp Thắng, lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ 256 chai mỹ phẩm mang nhiều nhãn hiệu nổi tiếng, gồm 24 loại khác nhau như: kem tẩy trang, kem dưỡng da, serum trị mụn, kem làm trắng da… Toàn bộ số sản phẩm này đều do Nguyễn Thị Dung tự sản xuất. Ngoài ra, còn có 122 lọ mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ hay giấy phép kinh doanh, nghi là hàng giả được chuẩn bị để đưa ra thị trường.
Qua quá trình đấu tranh, Nguyễn Thị Dung khai nhận: từ tháng 12/2024, đối tượng đã tham gia nhiều hội nhóm buôn bán mỹ phẩm trên Facebook. Nhận thấy nhu cầu mua mỹ phẩm giá rẻ trên mạng rất lớn, trong khi nhiều người tiêu dùng lại thiếu kiến thức phân biệt hàng thật – hàng giả, Dung đã nảy sinh ý định tự sản xuất mỹ phẩm giả để bán kiếm lời.
Dung đã thuê nhà tại địa phương khác làm nơi pha chế. Để tạo ra các sản phẩm giả, đối tượng đặt mua kem, serum, chất tạo màu, tạo mùi không rõ nguồn gốc với giá rẻ trên mạng xã hội (khoảng 50.000 đồng/kg). Sau đó, dùng máy trộn cầm tay đánh đều dung dịch, rồi đổ vào các chai, lọ của các nhãn hàng nổi tiếng đã qua sử dụng được thu mua trước đó.
Thủ đoạn của Dung tương đối tinh vi. Mỹ phẩm thành phẩm được dán nhãn mác, đóng gói đẹp mắt như hàng thật, sau đó được rao bán qua trang fanpage “Mỹ phẩm pass” do chính Dung lập ra, kèm theo các buổi livestream trên TikTok nhằm đánh vào tâm lý “mua hàng giá hời” của người tiêu dùng.
Chỉ tính từ cuối năm 2024 đến thời điểm bị bắt giữ, Nguyễn Thị Dung đã bán trót lọt hơn 1.000 đơn hàng trên toàn quốc, thu lợi bất chính hơn 142 triệu đồng. Hiện vụ việc đang được Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp tục mở rộng điều tra, xác minh nguồn gốc hóa chất, dụng cụ sản xuất cũng như các đối tượng liên quan trong đường dây này.