Giữ hồn cố đô qua chiếc bánh đậu xanh trái cây
Giữa nhịp sống hiện đại và hối hả, khi ẩm thực được con người lựa chọn vì sự nhanh gọn, thuận tiện, nhiều món ăn đang dần bị lãng quên. Thế nhưng, đâu đó vẫn còn hương vị âm thầm tồn tại trong mạch ngầm văn hóa Việt Nam. Chiếc bánh đậu xanh trái cây nhỏ bé nhưng giữ lại cả nét Huế xưa.
Hương xưa trong dáng bánh nhỏ
Bánh đậu xanh trái cây, hay còn được gọi là “bánh quý tộc” là món ăn đặc sản của vùng đất cố đô Huế.
Sở dĩ có tên gọi ấy vì bánh từng được chế biến cầu kỳ để tiến vua, dùng trong cung đình, các dịp lễ trọng hay những ngày lễ lớn. Không chỉ nổi bật bởi vẻ ngoài đẹp mắt và hình dáng đa dạng từ các loại trái cây, bánh còn mang hương vị ngọt dịu xen lẫn cái bùi, béo đầy quyến luyến nơi đầu lưỡi.

Ngày nay, bánh đậu xanh trái cây vẫn hiện diện trong các dịp lễ lớn, trong mâm cỗ cúng gia tiên, khay trà tiếp khách hay hộp quà biếu trang trọng mỗi độ Tết đến Xuân về. Nó không chỉ là một món ăn, mà còn là biểu tượng của sự trân trọng đối với truyền thống và quá khứ.
Thoạt nhìn, nhiều người tưởng việc làm ra chiếc bánh này là điều đơn giản, nhưng để có được một thành phẩm tròn trịa, sắc nét và mang đúng hồn Huế, đòi hỏi sự công phu, kiên nhẫn và đôi tay lành nghề của người thợ thủ công.
Một nghệ nhân làm bánh có kinh nghiệm làm nghề hơn 30 năm, tay vẫn thoăn thoắt nắn từng chiếc bánh, vừa làm vừa chia sẻ: “Muốn làm bánh đậu xanh trái cây đúng kiểu Huế thì phải làm từ cái tâm trước đã. Mình phải ngâm đậu xanh từ hôm trước, hấp vừa chín tới rồi đem xay mịn. Đến khi sên với đường cũng phải canh lửa, khuấy đều tay để nhân mịn mà không bị khét. Khâu nắn bánh là khó nhất, phải rất khéo tay để ra đúng hình trái cây như cam, mãng cầu, xoài… Cuối cùng là tô màu. Mỗi màu đều phải quét nhẹ từng lớp cho đều, chứ không phải cứ bôi lên là xong đâu”.

Không khuôn nhựa, không máy móc, chỉ có đôi tay thuần thục và sự kiên nhẫn của người làm bánh. Từng chiếc bánh được nặn thủ công, phủ màu từng lớp một, giữ nguyên nét truyền thống mộc mạc mà tinh tế của xứ Huế.
Một phần quen thuộc của xứ Huế
Không chỉ là món ăn truyền thống, bánh đậu xanh trái cây còn là một lát cắt đặc trưng của đời sống văn hoá Huế. Từ lâu, loại bánh nhỏ nhắn này đã vượt ra ngoài phạm vi ẩm thực thông thường, nó hiện diện trong mâm cúng tổ tiên, trong khay trà tiếp khách, và trong những hộp quà biếu đầy trân trọng vào dịp lễ Tết.

Người Huế làm bánh không chỉ để ăn, mà để gìn giữ. Qua từng công đoạn hoàn toàn thủ công, từ ngâm đậu, sên nhân, nắn bánh cho đến việc phủ màu, người ta thấy được một nếp sống chậm rãi, tỉ mẩn và sâu sắc. Mỗi chiếc bánh là một phần ký ức, là hương vị của tuổi thơ, là nét thanh tao còn đọng lại trong nhịp sống vội vàng
Không ít khách du lịch trong nước và ngoài nước khi đến Huế, sau khi nếm thử loại bánh này, đã mang theo cả sự bất ngờ và xúc động. “Thật ra ban đầu tôi chỉ mua vì thấy bánh đẹp quá, như mấy quả trái cây nhỏ xíu. Nhưng ăn thử thì bất ngờ, vị ngọt vừa, bùi mà không gắt, mịn mà tan trong miệng. Nhìn đơn giản vậy mà làm ra chắc cực lắm. Tôi thấy quý cái cách người Huế giữ nghề, làm bánh như làm một thứ gì rất riêng của họ", chị Thu Thảo, một du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ.

Trong thời đại của thức ăn nhanh và công nghệ chế biến hiện đại, bánh đậu xanh trái cây vẫn tồn tại như một dấu chấm lặng, nhắc nhở chúng ta về giá trị của sự chậm rãi, truyền thống và lòng kiên trì. Mỗi chiếc bánh không chỉ là món quà cho vị giác, mà còn là ký ức, là thông điệp văn hóa, là cách người Huế thì thầm giữ hồn quê trong từng mẻ bánh.
Chiếc bánh đậu xanh trái cây tuy nhỏ bé nhưng lại là kết tinh của cả một nền văn hóa. Ở đâu đó, trong góc bếp bình yên của một ngôi nhà xứ Huế, vẫn có người ngày ngày cần mẫn nặn bánh, để gìn giữ và tiếp nối hồn Huế qua từng ngón tay.