Doanh nghiệp - Doanh nhân

Áp lực giảm phát thải và chi phí vận hành của ngành hàng không

Trang Nhi 03/07/2025 - 06:32

Việt Nam sẽ chính thức tham gia cơ chế bù đắp carbon cho hàng không quốc tế (CORSIA), có nghĩa ngành hàng không phải đối mặt với áp lực giảm phát thải khí nhà kính và chi phí vận hành tăng cao.

Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã xác nhận việc Cục Hàng không Việt Nam đăng ký tham gia giai đoạn tự nguyện của CORSIA (Cơ chế giảm và bù đắp carbon đối với các chuyến bay quốc tế), bắt đầu từ ngày 1/1/2026.

hang-khong.jpg
Áp lực giảm phát thải và chi phí vận hành của ngành hàng không

CORSIA (Carbon Offsetting and Reduction Scheme for International Aviation) là cơ chế toàn cầu do ICAO khởi xướng nhằm hướng tới mục tiêu trung hòa carbon trong lĩnh vực hàng không quốc tế từ năm 2020 trở đi.

Các quốc gia khi tham gia CORSIA sẽ phải giám sát, báo cáo và thực hiện các biện pháp bù đắp lượng phát thải khí CO₂ từ các chuyến bay quốc tế thông qua việc mua tín chỉ carbon.

Việc tham gia CORSIA, dù là tự nguyện hay bắt buộc, sẽ kéo theo chi phí đáng kể cho các hãng hàng không. Theo tính toán sơ bộ, Vietnam Airlines – hãng bay quốc gia – có thể phải chi từ 13 đến 92 triệu USD giai đoạn 2024–2026 để mua tín chỉ carbon, tùy thuộc vào giá thị trường (6–40 USD/tín chỉ). Riêng năm 2026, chi phí này ước tính từ 5,6 triệu USD đến 37,5 triệu USD.

Không chỉ chi phí carbon, các hãng còn đối mặt với bài toán chuyển đổi sang sử dụng SAF – yếu tố then chốt trong lộ trình phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050. Tuy nhiên, SAF hiện có giá cao gấp 2–6 lần so với nhiên liệu truyền thống Jet A1, trong khi nguồn cung toàn cầu mới đáp ứng được 0,1% nhu cầu.

Các chuyên gia cảnh báo, chi phí carbon và nhiên liệu sạch sẽ tác động trực tiếp đến giá vé máy bay, chi phí dịch vụ và khả năng cạnh tranh của các hãng hàng không Việt trong khu vực.

Việc tham gia CORSIA từ giai đoạn tự nguyện sẽ khiến các hãng hàng không Việt Nam đứng trước nhiều thách thức, khó khăn.

Theo tính toán sơ bộ, khi tham gia giai đoạn tự nguyện từ 2024 tới hết năm 2026, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ phải bỏ ra từ 13 triệu USD đến hơn 92 triệu USD (tương ứng với mức giá 6-40 USD/1 tín chỉ) để mua tín chỉ carbon.

Nếu tham gia giai đoạn tự nguyện từ năm nay, Vietnam Airlines phải bỏ ra mức phí từ 4,6 triệu USD đến 31 triệu USD cho việc mua tín chỉ carbon. Trong năm 2026, các con số tương ứng sẽ là 5,6 triệu USD và 37,5 triệu USD...

Các con số này cho thấy những khó khăn, thách thức rất lớn về tài chính đối với các Hãng hàng không Việt Nam nếu như tham gia giai đoạn tự nguyện của Corsia sớm hơn dù chỉ 1 năm.

Việc tham gia CORSIA khá tốn kém đối với các hãng hàng không nên ICAO cũng đã chia ra các giai đoạn tự nguyện và bắt buộc để các hãng hàng không dần thích ứng với việc tham gia và một trong số đó, có nội dung rất quan trọng là gánh nặng về tài chính đối với các hãng hàng không.

Ông Đỗ Hồng Cẩm, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, mua tín chỉ carbon về bản chất vẫn là thải carbon ra môi trường, vì vậy mục tiêu hướng đến của ngành hàng không là sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF).

SAF được đánh giá là có tiềm năng lớn nhất trong việc giảm lượng khí thải CO2 từ các hoạt động hàng không để đáp ứng cam kết của ngành hàng không phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 của Hàng không thế giới và hàng không Việt Nam do các giải pháp khác như máy bay động cơ điện hiện tại chưa khả thi do mật độ năng lượng của loại pin tốt nhất hiện nay chỉ là 700wh/kg, trong khi đó Jet A1 là 12000 wh/kg.

Tuy nhiên, giá thành của SAF rất cao, gấp từ 2 cho tới 6 lần nhiên liệu truyền thống JET A1 với nguồn cung hạn chế, hiện nay mới đáp ứng 0,1% nhu cầu của các hãng hàng không toàn cầu.

Vì vậy, ông Cẩm cũng đặt ra lo ngại, giá thành SAF cao, cùng với việc tham gia CORSIA khá tốn kém sẽ đẩy giá vé máy bay và dịch vụ hàng không tăng theo.

Tuy nhiên, việc Việt Nam chủ động, sẵn sàng cho hội nhập với việc chính thức tham gia CORSIA từ năm 2026, đã thể hiện trách nhiệm quốc tế trong việc phát triển hàng không bền vững. Đồng thời, đây cũng là bước chuẩn bị quan trọng nhằm đáp ứng các chính sách khí hậu khắt khe từ các thị trường lớn, đặc biệt là châu Âu.

Theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các hãng bay, các cơ quan liên quan để thống nhất các đề xuất chính sách, cơ chế hỗ trợ tài chính – kỹ thuật, giúp doanh nghiệp hàng không thích ứng hiệu quả với các yêu cầu mới của CORSIA.

Trang Nhi