Báo động tài xế xe công nghệ vi phạm nồng độ cồn
Mặc dù phục vụ khách hàng qua nền tảng công nghệ hiện đại nhưng không ít tài xế xe công nghệ lại vi phạm nghiêm trọng quy định an toàn giao thông khi điều khiển phương tiện trong men rượu, không chỉ đe dọa đến tính mạng hành khách mà còn là mối hiểm họa đối với cộng đồng.
Khi rượu bia len lỏi vào từng cuốc xe
Những năm qua, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng, dịch vụ xe ôm, taxi công nghệ nhanh chóng trở thành lựa chọn phổ biến, được người dân ưa chuộng sử dụng. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển mạnh mẽ ấy là hàng loạt vấn đề nhức nhối liên quan đến ý thức chấp hành luật giao thông của một bộ phận tài xế xe công nghệ, đặc biệt nổi cộm là vi phạm nồng độ cồn.
.png)
Nhằm lập lại trật tự, an toàn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện, đặc biệt là lực lượng tài xế xe ôm công nghệ, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đã tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Đặc biệt, từ khi Nghị định 168/2024/NĐ-CP với các chế tài mạnh mẽ được thực thi, ý thức chấp hành trật tự, an toàn giao thông của đa số người dân đã được nâng cao. Thế nhưng, một bộ phận - trong đó có nhiều tài xế xe ôm công nghệ, vẫn phớt lờ quy định.
Điển hình, trong vòng 1 tháng gần đây (từ ngày 15/5 đến 14/6), thông qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện phát hiện 695 trường hợp tài xế xe công nghệ vi phạm. Trong đó có 4 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 3 trường hợp lái xe dương tính với ma túy; 13 trường hợp không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, 675 trường hợp vi phạm khác. Tước giấy phép lái xe của 9 trường hợp, trừ điểm giấy phép lái xe trên môi trường điện tử và tạm giữ 11 phương tiện.
Trước đó, trong các đợt cao điểm kiểm tra nồng độ cồn, đã có hàng trăm trường hợp tài xế xe công nghệ bị phát hiện vi phạm. Đáng chú ý, các trường hợp vi phạm không chỉ xảy ra vào buổi tối, sau giờ tan tầm, mà còn xuất hiện vào buổi trưa thời điểm mà người dân ít ngờ tới. Thời điểm bị phát hiện, nhiều người vẫn đang hoạt động, nhận đơn chở khách hoặc giao hàng trên các nền tảng…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó nổi bật là sự thiếu giám sát chặt chẽ từ phía các doanh nghiệp cung cấp nền tảng dịch vụ. Các tài xế công nghệ hiện nay hầu như hoạt động tự do, không có quy trình kiểm tra sức khỏe định kỳ hay kiểm tra nồng độ cồn trước mỗi ca làm việc.
Nhiều người xem nghề tài xế công nghệ như một công việc thời vụ, linh hoạt, không cần tuân thủ quy chuẩn như tài xế chuyên nghiệp. Hơn nữa, việc tuyển dụng dễ dàng, chỉ cần đăng ký qua ứng dụng, nộp hồ sơ giấy tờ cơ bản là có thể hoạt động, khiến chất lượng tài xế không được kiểm soát đồng bộ.
Đại diện Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội cho biết, phải nhìn nhận một điều, ý thức của phần đông tài xế xe ôm công nghệ và cả đội ngũ shipper là rất thấp, thản nhiên vi phạm bất chấp việc bị CSGT xử lý.
Nhiều người thiếu đào tạo bài bản về kỹ năng lái xe an toàn và ý thức trách nhiệm xã hội, chưa nhận thấy đầy đủ mức độ nguy hiểm khi điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia. Ngoài ra, trong khi taxi, xe khách có tuyến cố định và biển số nhận diện rõ ràng, thì tài xế công nghệ lại hoạt động linh hoạt, ẩn danh trên ứng dụng khiến việc kiểm tra ngẫu nhiên gặp nhiều khó khăn.
Việc tài xế công nghệ vi phạm nồng độ cồn không chỉ đe dọa trực tiếp đến tính mạng người điều khiển mà còn gây nguy hiểm cho hành khách và những người tham gia giao thông khác.
Về mặt xã hội, tình trạng này góp phần làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông tại các đô thị lớn - nơi xe công nghệ chiếm tỷ lệ vận tải ngày càng cao. Hình ảnh của các hãng xe công nghệ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến sự mất niềm tin từ phía khách hàng.
Thêm vào đó, khi xảy ra sự cố, việc xác định trách nhiệm giữa cá nhân tài xế và nền tảng công nghệ thường không rõ ràng. Nhiều hành khách phản ánh khi gặp tai nạn, họ không thể liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp mà chỉ nhận được phản hồi tự động từ hệ thống ứng dụng. Điều này làm tăng sự phẫn nộ của dư luận và đặt ra câu hỏi về trách nhiệm pháp lý của các công ty công nghệ.
Lập lại trật tự, an toàn giao thông
Để giải quyết triệt để tình trạng này, cần một hệ thống giải pháp đồng bộ từ phía nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng.
Các doanh nghiệp cung ứng nền tảng dịch vụ cần thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm việc quản lý, hướng dẫn đội ngũ tài xế trong việc chấp hành pháp luật giao thông. Các nền tảng cần xây dựng cơ chế kiểm tra ngẫu nhiên tài xế, áp dụng công nghệ AI phát hiện hành vi bất thường như lái xe lệch hướng, tăng tốc đột ngột - dấu hiệu có thể liên quan đến sử dụng đồ uống có cồn. Đồng thời, có chính sách đình chỉ hoặc khóa tài khoản vĩnh viễn đối với tài xế vi phạm.

Lực lượng chức năng cần mở rộng các đợt kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế công nghệ. Bên cạnh việc xử phạt, danh sách các trường hợp vi phạm sẽ được gửi về cho các doanh nghiệp chủ quản để phối hợp trong công tác tuyên truyền, nhắc nhở, chấn chỉnh nhằm bảo đảm an toàn giao thông. Các buổi tập huấn, ký cam kết không uống rượu bia khi hành nghề nên được xem là điều kiện bắt buộc để tiếp tục hoạt động.
Liên quan vấn đề này, thông tin từ Cục CSGT - Bộ Công an cho biết, mới đây, lực lượng CSGT đã tổ chức ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho 710 tài xế xe công nghệ. Một số đơn vị đã có văn bản gửi đến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận chuyển công nghệ đề nghị chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Sự an toàn của mỗi chuyến xe công nghệ phụ thuộc rất nhiều ở ý thức, đạo đức và trách nhiệm của người cầm lái. Khi tài xế chủ động nói không với rượu bia, và mỗi doanh nghiệp vận tải công nghệ đặt sự an toàn của hành khách lên hàng đầu thì những chuyến xe công nghệ mới thực sự là hành trình đáng tin cậy với hành khách và cộng đồng.