Một lần bất cẩn, cả đời day dứt
Nguyễn Huy Hoàng - một thanh niên sinh năm 2000 vừa phải trả giá đắt cho một giây phút chủ quan khi điều khiển xe máy mà không có giấy phép lái xe, gây tai nạn nghiêm trọng. Câu chuyện không chỉ là một vụ vi phạm giao thông, mà là lời cảnh tỉnh rõ ràng về trách nhiệm, ý thức và hậu quả mà mỗi người phải đối mặt khi xem nhẹ pháp luật.
Nguyễn Huy Hoàng học hết lớp 11 thì nghỉ, bươn chải mưu sinh ở Hà Nội. Không bằng cấp, không nghề nghiệp ổn định, anh trở thành trụ cột nuôi sống gia đình bốn người - vợ và hai con nhỏ, đứa lớn mới hơn một tuổi, đứa nhỏ mới vài tháng. Gánh nặng cuộc sống dồn lên đôi vai người đàn ông trẻ, và giữa guồng quay cơm áo, Hoàng đã đưa ra một quyết định sai lầm - lái xe khi không có bằng.

Tối ngày 13/01/2023, khoảng 21 giờ 30 phút, Nguyễn Huy Hoàng điều khiển xe máy đi làm việc cá nhân. Trên con đường Nguyễn Khoái, Hoàng len lỏi trong dòng người đông đúc tấp nập. Lúc này đi phía trước có 1 xe ô tô 4 chỗ đi sát vạch kẻ giữa đường. Hoàng đang đi sát phía sau bên trái ô tô, do muốn vượt ô tô, nên Hoàng đã điều khiển xe máy lách sang bên trái. Do không quan sát nên chiếc xe máy của Hoàng đâm trực diện vào xe anh Nguyễn Văn Quách - người đang chở mẹ mình là bà Lê Thị Đào đang đi ở chiều đối diện. Tiếng kim loại va chạm, tiếng người va đập với mặt đường vang lên. Va chạm mạnh đến mức cả ba đều bị thương, người dân xung quanh đã gọi xe cấp cứu đưa cả 3 người vào Bệnh viện Thanh Nhàn.
Sau khi xảy ra vụ tai nạn, Cơ quan cảnh sát điều tra đã quyết định trưng cầu giám định tỷ lệ thương tích của anh Nguyễn Văn Quách cho thấy tỷ lệ tổn thương cơ thể lên tới 87%. Còn Nguyễn Huy Hoàng và bà Lê Thị Đào kiên quyết từ chối đi giám định thương tích, tự chịu trách nhiệm với thương tích của bản thân và không có bất cứ yêu cầu, đề nghị gì.
Quá trình điều tra cũng xác định Nguyễn Huy Hoàng tham gia giao thông nhưng “không có giấy phép lái xe theo quy định”.
Cũng tại cơ quan điều tra, anh Quách khai rằng, do chấn thương quá nặng, anh không thể nhớ nổi diễn biến vụ va chạm. Bà Đào thì chỉ biết mình ngồi sau xe con trai, không rõ hướng đi cũng như nguyên nhân xảy ra tai nạn vì ngồi phía sau và không kịp quan sát. Không ai đủ tỉnh táo để mô tả lại chính xác giây phút định mệnh ấy.
Ngoài ra, sau tai nạn xảy ra, Nguyễn Huy Hoàng đã chủ động đến thăm hỏi, xin lỗi và bồi thường cho gia đình nạn nhân số tiền 50 triệu đồng. Số tiền đối với nhiều gia đình khác có lẽ chẳng đáng là bao những với gia đình Hoàng phải tích góp, là tiền bỉm, tiền sữa của những đứa con của Hoàng. Gia đình anh Quách và bà Đào đã chấp nhận bồi thường, không yêu cầu gì thêm và viết đơn xin miễn truy cứu hình sự cho Hoàng.
Những ngày sau vụ tai nạn, Hoàng sống trong day dứt và hoảng loạn. Mỗi đêm trôi qua là một lần anh phải vật lộn với những ám ảnh, dằn vặt vì phút lầm lỡ. Nhìn hai đứa con nhỏ thơ ngây, tim anh như bị bóp nghẹt. Anh chỉ mong có thể quay lại khoảnh khắc định mệnh đó để làm lại.
Tại phiên sơ thẩm, Hoàng thể hiện sự ăn năn, hối lỗi. Tuy nhiên, tòa nhận định hành vi của bị cáo là nguy hiểm, đã trực tiếp xâm phạm trật tự an toàn giao thông, gây hậu quả nghiêm trọng. Tòa tuyên Hoàng phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, áp dụng điểm a khoản 2 Điều 260, các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 38 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo 3 năm tù.
Bản án khiến Hoàng như rơi xuống vực thẳm. Tiếng khóc nghẹn của người vợ trẻ cùng ánh mắt ngơ ngác của các con trong phiên tòa khiến không khí càng trở nên nặng nề. Sau đó, Hoàng làm đơn kháng cáo xin được hưởng án treo vì hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, là lao động chính, vợ không có việc ổn định, hai con còn quá nhỏ.
Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm, Tòa án nhận định hành vi của bị cáo vẫn thuộc khung định tội có tình tiết tăng nặng là “không có giấy phép lái xe theo quy định”. Bị cáo chưa từng có tiền án, tiền sự, có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng Tòa sơ thẩm đã xem xét đầy đủ và tuyên án phù hợp. Không có tình tiết mới nên Tòa phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo.
Theo Tòa án cấp phúc thẩm, hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến trật tự an toàn giao thông đường bộ và gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được Bộ luật hình sự quy định. Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khi tham gia giao thông đòi hỏi người điều khiển phải có sự cẩn thận, tuân thủ các quy tắc về an toàn giao thông. Bị cáo là người đã thành niên, có đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, vì chủ quan nên đã gây ra hậu quả nêu trên.

Bị cáo phạm tội thuộc trường hợp định khung "không có giấy phép lái xe theo quy định"; nhân thân chưa có tiền án, tiền sự, đây là lần đầu bị cáo bị đưa ra truy tố, xét xử. Khi quyết định hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất, mức độ hành vi phạm tội, nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để quyết định xử phạt bị cáo 36 tháng tù là phù hợp. Tại cấp phúc thẩm không có tình tiết mới nên không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo, cũng như đề nghị giảm hình phạt của đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa, cần giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm.
Vì thế, Bản án sơ thẩm được giữ nguyên. Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 260; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật hình sự năm 2015: Xử phạt bị cáo Nguyễn Huy Hoàng 3 năm tù về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Từ một người cha trẻ đang nỗ lực mưu sinh, chỉ trong chốc lát, Hoàng đánh mất tự do, bỏ lại vợ và hai con thơ trong cảnh bơ vơ. Hành vi điều khiển phương tiện không bằng lái - tưởng như nhỏ nhưng hậu quả lại quá lớn. Một vụ tai nạn, một bản án và nhiều cuộc đời bị xáo trộn.
Không ai có thể quay ngược thời gian để sửa chữa lỗi lầm. Tất cả chỉ còn lại là những hệ quả - vết thương không lành của nạn nhân, những giấc mơ bị dang dở của người gây ra tai nạn, và cả những giọt nước mắt dai dẳng của người thân.
Câu chuyện của Nguyễn Huy Hoàng là bài học đắt giá cho nhiều người. Việc điều khiển phương tiện mà không có giấy phép lái xe không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là một “canh bạc” sinh tử. Trong phút chốc chủ quan, Hoàng đã đánh mất tự do, khiến một người khác tổn thương, khiến cả gia đình mình rơi vào bế tắc.
Để không ai phải đánh đổi bằng những năm tháng sau song sắt, bằng những tiếng khóc trong đêm và những giấc ngủ không yên, mỗi người hãy nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Chấp hành pháp luật, chỉ cầm lái khi đủ điều kiện, giữ tinh thần tỉnh táo là cách để bảo vệ chính mình và cộng đồng. Một giây phút vội vàng, đôi khi phải trả giá bằng những năm tháng của cuộc đời.