Cách cập nhật thông tin trên VssID, VNeID để không bị mất quyền lợi bảo hiểm sau ngày 1/7
Từ ngày 1/7, nếu không cập nhật căn cước công dân vào hồ sơ tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội người dân có thể bị từ chối giải quyết hồ sơ, ảnh hưởng quyền lợi.
Theo Bảo hiểm xã hội khu vực XXVII (địa bàn TP.HCM), kể từ ngày 1/7, khi Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Bảo hiểm y tế mới có hiệu lực, người dân cần chủ động cập nhật số căn cước, định danh cá nhân vào hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Chưa cập nhật thông tin, mất nhiều quyền lợi
Trường hợp chưa cập nhật căn cước, định danh cá nhân có thể bị từ chối giải quyết hồ sơ như cấp tờ rời bảo hiểm xã hội, xác định quá trình đóng, sử dụng thẻ bảo hiểm y tế…
Thực tế, do thông tin chưa được cập nhật hoặc không chính xác, nhiều người gặp khó khăn trong tra cứu quá trình đóng bảo hiểm xã hội, không được cấp thẻ bảo hiểm y tế, chậm trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng…
Để thuận tiện, người dân có thể cập nhật qua ứng dụng bảo hiểm xã hội số (VssID) hoặc đăng nhập vào VssID bằng tài khoản định danh điện tử (VNeID) mức 2.
VssID có nhiều tính năng như tra cứu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp hoặc thay thế thẻ bảo hiểm y tế bằng giấy khi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Cơ quan bảo hiểm xã hội lưu ý người dùng kiểm tra kỹ các thông tin cá nhân trên VssID như số căn cước (12 số) thay cho chứng minh nhân dân (10 số) cũ; họ tên, ngày sinh, giới tính trên giấy khai sinh và căn cước; địa chỉ thường trú; điện thoại và email cá nhân…
Đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa cập nhật số căn cước công dân/số định danh cá nhân thì có thể cập nhật thông tin qua đơn vị sử dụng lao động.
Sau đó tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động lập hồ sơ điện tử 608 (đính kèm giấy tờ chứng minh, bản chụp căn cước công dân) hoặc thông báo số định danh cá nhân của người lao động gửi về cơ quan bảo hiểm xã hội đang quản lý để cập nhật.
Cách kiểm tra số căn cước trên VNeID và VssID




Một số lỗi phổ biến và cách xử lý
Bảo hiểm xã hội khu vực XXVII lưu ý các lỗi phổ biến và cách khắc phục:
1. Nếu quên mật khẩu đăng nhập VssID, người dùng có thể dùng tài khoản VNeID (đã định danh mức 2) để đăng nhập trên ứng dụng VssID và Cổng dịch vụ công Bảo hiểm xã hội https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn/.
2. Nếu tài khoản đã có cập nhật địa chỉ email thì vào phần "Quên mật khẩu" trên ứng dụng VssID và Cổng dịch vụ công Bảo hiểm xã hội https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn/. Sau đó người dùng nhập "Tên đăng nhập" là mã số bảo hiểm xã hội và email để nhận lại mật khẩu.
Bên cạnh đó, khi quên mật khẩu VssID, người dân có thể gọi tổng đài 1900.9068 để nhận hỗ trợ của trợ lý ảo thông minh (cước phí nhà cung cấp dịch vụ 1.000 đồng/phút).
Đầu tiên, người lao động gọi đến tổng đài trên bằng số điện thoại đã đăng ký tài khoản VssID và nhấn phím theo hướng dẫn. Sau đó, trợ lý ảo sẽ yêu cầu đọc mã số bảo hiểm xã hội.
Sau khi đọc đúng mã số bảo hiểm xã hội, hệ thống sẽ đọc mật khẩu VssID mới, mật khẩu nhắc lại một lần.
Trường hợp đọc không đúng mã số, trợ lý ảo sẽ thông báo "số điện thoại và mã số bảo hiểm không khớp hoặc chưa đăng ký với cơ quan bảo hiểm xã hội".
Nếu không nhận được mã OTP, người dùng có thể kiểm tra mục Thư rác (Spam hoặc Junk) trong email và đảm bảo kết nối mạng ổn định hoặc liên hệ tổng đài 1900.9068 để được hỗ trợ.
Về lỗi hệ thống hay xác thực dịch vụ công, người dùng cần thử lại sau một khoảng thời gian. Nếu vẫn gặp lỗi, người dân cần liên hệ cơ quan bảo hiểm xã hội tại địa phương để được hỗ trợ.
VssID là ứng dụng được phát triển bởi Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, cho phép người dùng lưu trữ và tra cứu các thông tin về thẻ BHYT, quá trình khám chữa bệnh… một cách dễ dàng.
Sau khi tích hợp thẻ BHYT vào ứng dụng VssID, người dùng chỉ cần mang smartphone bên mình mỗi khi đi khám, chữa bệnh mà không cần phải mang theo thẻ BHYT, giúp lưu trữ thông tin đầy đủ và tránh trường hợp bị thất lạc hoặc hư hỏng thẻ BHYT bằng giấy.Không chỉ đơn thuần là “kho chứa” thẻ BHYT, ứng dụng VssID còn cung cấp loạt tính năng tiện ích như tra cứu quá trình tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH…
Qua đó, người lao động có thể đối chiếu mức đóng với lương thực nhận, kiểm tra tính liên tục trong thời gian tham gia và phát hiện các dấu hiệu doanh nghiệp nợ bảo hiểm.
Tuy nhiên, vì một số lý do, hiện tại thông tin cá nhân của công dân trên ứng dụng VssID có thể không chính xác hoặc chưa được cập nhật, chẳng hạn vẫn còn sử dụng số chứng minh nhân dân cũ, chưa cập nhật lên số căn cước công dân (CCCD) hoặc công dân có sự thay đổi về địa chỉ nhà, số điện thoại, địa chỉ email…