Doanh nghiệp tin tưởng vào triển vọng dài hạn tại Việt Nam
Không chỉ doanh nghiệp trong nước mà các doanh nghiệp nước ngoài vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam dù đối mặt với những biến động quốc tế và một số trở ngại nội tại tạm thời trong tiến trình cải cách.
Theo kết quả Nghiên cứu Triển vọng Doanh nghiệp năm 2025 của UOB, dù môi trường kinh doanh còn nhiều biến động, 60% doanh nghiệp Việt Nam vẫn lạc quan về triển vọng trong năm tới, trong đó 46% sẽ đẩy nhanh kế hoạch mở rộng ra thị trường nước ngoài.

Còn theo báo cáo Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý II/2025 của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), BCI quý này ghi nhận mức 61,1 - giảm nhẹ so với quý trước trong bối cảnh bất ổn toàn cầu gia tăng. Tuy nhiên, xu hướng chung vẫn phản ánh sự kiên trì và tin tưởng dài hạn của doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam, bất chấp bối cảnh toàn cầu đang nhiều biến động.
Chủ tịch EuroCham, ông Bruno Jaspaert khẳng định, các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam vẫn giữ vững niềm tin vào môi trường đầu tư nơi đây. Gần 3/4 lãnh đạo doanh nghiệp (72%) cho biết họ sẵn sàng giới thiệu Việt Nam là điểm đến đầu tư - một xu hướng nhất quán qua những kỳ BCI gần đây. Xu hướng này chứng tỏ một niềm tin sâu sắc đặt vào tiềm năng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam, ông Jaspaert nhấn mạnh.
Khoảng 52% doanh nghiệp dự báo chi phí nguyên vật liệu và sản xuất sẽ tăng đáng kể, trong khi 30% lo ngại lạm phát sẽ tăng cao.
Để đối phó, các doanh nghiệp trong nước đang thực hiện nhiều biện pháp như đa dạng hóa nhà cung cấp, tăng cường nội địa hóa và giảm phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ. Gần 70% doanh nghiệp kỳ vọng thương mại nội khối ASEAN sẽ tăng tốc, cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của khu vực này trong bối cảnh biến động toàn cầu.
Các doanh nghiệp đang tập trung đầu tư vào hai trụ cột chiến lược là số hóa và phát triển bền vững - với lần lượt 61% và 56% doanh nghiệp. Nếu như số hóa được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả vận hành và cải thiện trải nghiệm khách hàng, thì việc thực hành phát triển bền vững sẽ giúp doanh nghiệp thu hút nhà đầu tư và củng cố uy tín thương hiệu - những yếu tố ngày càng quan trọng trong bối cảnh bất định do tác động của thuế quan.
Bên cạnh các sáng kiến nội tại, các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ Chính phủ và các tổ chức tài chính để vượt qua giai đoạn thách thức hiện tại. Trong ngắn hạn, hỗ trợ tài chính vẫn là nhu cầu cấp thiết, với 73% doanh nghiệp kỳ vọng được hỗ trợ tài chính để giảm thiểu tác động từ thuế quan và 65% mong muốn có các chính sách trợ cấp hoặc miễn giảm thuế dành riêng cho những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Về dài hạn, các doanh nghiệp kêu gọi sự hỗ trợ chiến lược như ký kết các hiệp định thương mại song phương với các thị trường trọng điểm, cũng như hỗ trợ trong việc tái cấu trúc và dịch chuyển chuỗi cung ứng, với 62% doanh nghiệp tham gia khảo sát nêu rõ nhu cầu này.
Với các doanh nghiệp châu Âu, một trong những công cụ then chốt giúp doanh nghiệp duy trì khả năng phục hồi trong bối cảnh thương mại toàn cầu phức tạp là Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) - một tài sản chiến lược không chỉ đảm bảo quyền tiếp cận ưu đãi thuế quan, mà còn là nền tảng củng cố niềm tin với các đối tác quốc tế.
Trong khi phần lớn doanh nghiệp nhận được C/O trong khoảng 3 - 5 ngày làm việc, vẫn còn 12% phản ánh tình trạng chậm trễ kéo dài hơn một tuần, có thể dẫn tới gián đoạn chuỗi cung ứng và gia tăng chi phí hoạt động. Ở chiều ngược lại, 5% doanh nghiệp cho biết đã nhận được C/O trong vòng 24 giờ - một tín hiệu tích cực cho thấy hiệu quả đang được cải thiện ở một số khâu trong quy trình hải quan. Những nỗ lực tạo thuận lợi thương mại đang từng bước củng cố nền tảng niềm tin cho nhà đầu tư.
Ông Mai Viết Hùng Trân - Tổng Giám đốc PwC Việt Nam nhận định: Năm 2025, Việt Nam được dự báo sẽ có những bước tăng tốc đột phá, được thúc đẩy bởi sự phát triển của tầng lớp trung lưu, các chính sách ưu đãi của Chính phủ và vị thế là điểm đến hàng đầu cho đầu tư quốc tế tại Đông Nam Á.
Đây là thời điểm để các DN Việt Nam nắm bắt cơ hội, chuyển đổi và tạo ra những giá trị mới nhằm dẫn đầu trong bối cảnh nhiều biến động. Các CEO tại Việt Nam cần tập trung cân bằng chiến lược bên trong và bên ngoài DN, bao gồm khám phá hợp tác liên ngành, tích hợp công nghệ và ưu tiên chiến lược bền vững. Từ đó, mở ra những cơ hội mới và thúc đẩy sự tăng trưởng của DN và nền kinh tế Việt Nam.