Đời sống

Niềm tin Công lý: Tâm thần phân liệt – Không phải tấm bình phong để thoát tội

Minh Anh 01/07/2025 - 19:35

Trong xã hội pháp quyền, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Người vi phạm phải chịu trách nhiệm về hành vi nguy hiểm mà họ gây ra, bất kể họ là ai, ở vị trí nào, hay mắc bệnh tâm thần phân liệt. Chương trình “Niềm tin Công lý” tuần này sẽ mang đến những phân tích, đánh giá sâu sắc về vấn đề trên.

Tuy nhiên, trong một số vụ án hình sự vẫn xuất hiện tình huống bị cáo viện dẫn lý do mắc bệnh tâm thần, đặc biệt là tâm thần phân liệt để xin giảm nhẹ hoặc thoát khỏi trách nhiệm hình sự. Đây là một vấn đề pháp lý vừa nhạy cảm, vừa phức tạp, đặt ra câu hỏi: Liệu rối loạn tâm thần có đủ sức làm lu mờ bản chất của hành vi phạm tội? Và khi người mắc bệnh vẫn có khả năng điều khiển hành vi, liệu có thể coi họ là "không có tội"?

z6756897823308_6e91e4b757bfdb04c93114c13a4acccc.jpg
Quá trình điều tra cho thấy Hường sử dụng nhiều hình thức làm giả tài liệu, con dấu để tạo lòng tin với bị hại.

Theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà vào thời điểm phạm tội đang mắc bệnh làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc bất kỳ ai mắc bệnh tâm thần cũng được miễn trách nhiệm.

Giám định pháp y tâm thần là một thủ tục tố tụng đặc biệt nhằm xác định tình trạng năng lực hành vi tại thời điểm phạm tội. Trong nhiều trường hợp, dù bị cáo có biểu hiện rối loạn tâm thần, nhưng nếu giám định kết luận rằng người đó chỉ bị hạn chế chứ không mất hoàn toàn khả năng nhận thức và điều khiển, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự, chỉ được xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.

Vấn đề pháp lý trở nên phức tạp hơn khi bệnh lý bị lợi dụng như một "hành lang" né tránh công lý, hoặc gây tranh cãi trong xã hội về sự minh bạch, công bằng của các bản án. Vụ án về Tăng Thị Hường cũng đã gây xôn xao dư luận trong thời gian dài.

Tăng Thị Hường làm công nhân nhưng lại “nổ” rằng có mối quan hệ sâu rộng với lãnh đạo, có khả năng xin học, xin việc vào các cơ quan trọng điểm như Học viện Báo chí Tuyên truyền, Bệnh viện 108, Bệnh viện Đống Đa… Bằng thủ đoạn gian dối, Hường chiếm đoạt tiền của 6 người, tổng cộng hơn 1,4 tỷ đồng. Sau khi sự việc bị tố giác, quá trình điều tra cho thấy Hường sử dụng nhiều hình thức làm giả tài liệu, con dấu để tạo lòng tin với bị hại.

z6756897841075_ecc13c8941585a93e49befe3ff973291.jpg
Theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà vào thời điểm phạm tội đang mắc bệnh làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Khi đối diện pháp luật, bị cáo xin trưng cầu giám định tâm thần, kết quả thể hiện: Hường bị tâm thần phân liệt, nhưng chỉ ở mức độ “hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”, chứ không mất hoàn toàn năng lực hành vi. Điều này có nghĩa: dù có bệnh, Hường vẫn nhận thức được mình đang lừa đảo, và vẫn điều khiển được hành vi với mục đích chiếm đoạt tài sản.

Tại phiên phúc thẩm, Hường thành khẩn nhận tội, xin giảm nhẹ hình phạt với lý do mắc bệnh, có hai con nhỏ. Tuy nhiên, sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ, chứng cứ và kết luận giám định, Hội đồng xét xử đã tuyên tổng hình phạt 11 năm tù (9 năm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 2 năm về tội “Làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức”).

Vụ án là một minh chứng rõ ràng cho nguyên tắc không thể để bệnh lý trở thành “lá bài” miễn tội. Hành vi phạm tội được thực hiện trong sự chủ động, có mục đích chiếm đoạt và thực hiện trót lọt trong một thời gian dài, trên nhiều đối tượng, với nhiều thủ đoạn chuyên nghiệp. Những hành vi như vậy không thể bị che lấp bởi lý do "tâm thần".

z6756897841076_a72f21d1f486bb470a4c0fd2ec0f42ba.jpg
Các chuyên gia cho rằng vụ án là một minh chứng rõ ràng cho nguyên tắc không thể để bệnh lý trở thành “lá bài” miễn tội.

Các cơ quan tố tụng đã xác định đúng vai trò tối quan trọng của giám định pháp y tâm thần trong quá trình điều tra, xét xử. Phải dựa trên kết luận chuyên môn nghiêm ngặt, tránh cảm tính, tránh để bệnh án bị lợi dụng như một tấm bình phong pháp lý.

Chuyên gia, khách mời trong chương trình “Niềm tin Công lý” đã khẳng định: Pháp luật không vô cảm trước những hoàn cảnh đặc biệt, nhưng cũng không thể khoan nhượng với những hành vi nguy hiểm cho xã hội. Tâm thần phân liệt không phải là “cây gậy” có thể bẻ cong cán cân công lý, cũng không phải “tấm vé” miễn tội cho người có ý đồ gian dối. Công lý phải được thực thi trên nền tảng sự thật khách quan, nguyên tắc pháp quyền và trách nhiệm cá nhân.

Chương trình Niềm tin Công lý được phát sóng trên kênh VTV1 vào lúc 22h30 thứ Ba ngày 01/07/2025.

Niềm tin Công lý: Tâm thần phân liệt – Không phải tấm bình phong để thoát tội

Minh Anh