Người dân miền núi kiếm tiền triệu từ việc hái sim rừng

Đời sống - Ngày đăng : 06:11, 17/08/2018

Những ngày đầu tháng 8, cũng là khoảng thời gian người dân ở huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) tất bật với việc vào rừng hái sim, thu nhập tiền triệu mỗi ngày.

Thời gian này, cũng là lúc những trái sim rừng đang vào mùa chín rộ trên các huyện vùng cao của tỉnh Quảng Ngãi, đặc biệt huyện Ba Tơ, nơi có thảo nguyên Bùi Hui nằm ở xã Ba Trang là nơi có số lượng sim nhiều nhất cả tỉnh.

Ngay từ mờ sáng, người dân nơi đây đã đeo gùi, rủ nhau cùng lên rẫy hái sim, loại "lộc rừng" này đang mang về cho người dân vùng cao nguồn thu nhập cả triệu đồng mỗi ngày.

Người dân miền núi kiếm tiền triệu từ việc hái sim rừng

Chị Phạm Thị Nát vui mừng khi năm nay rẫy sim của chị cho trĩu trái, mang lại thu nhập cao.

Với gần 2 ha, đồi sim của chị Phạm Thị Nát (xã Ba Trang, huyện Ba Tơ) được mệnh danh là người có đồi sim lớn nhất ở địa phương và cũng là người có thu nhập khủng nhất từ trái sim mang lại. Trung bình mỗi ngày đồi sim của chị Nát cho thu hoạch khoảng từ 60 đến 80 kg trái chín.

Với giá sim hiện tại, nếu được thương lái đến tận nơi thu mua thì có giá từ 15 đến 16 ngàn đồng mỗi kg. Còn nếu gia đình chịu khó mang ra chợ bán lẻ cho người dùng thì có giá từ 20 đến 25 ngàn đồng. Tính ra mỗi ngày gia đình chị Nát thu về trên 1 triệu đồng từ đồi sim này.

Để có được thành quả như ngày hôm nay, gia đình chị Nát đã làm rào chắn không cho người dân chăn thả trâu bò, phá bẻ cây sim, đồng thời được huyện hỗ trợ phân bón cho cây nên đồi sim của chị năm nay cho quả nhiều và chất lượng hơn.

Người dân miền núi kiếm tiền triệu từ việc hái sim rừng

Rẫy sim gần 2 ha của chị Nát đang vào mùa chín rộ.

“Lúc đầu cây sim ở khu vực này mọc tự nhiên, không ai chăm sóc nên cho quả ít. Tuy nhiên, nhận thấy lợi ích kinh tế cao từ cây sim mang lại nên gia đình tôi mạnh dạn nhận khoanh vùng bảo vệ, chăm sóc, nhờ được chính quyền hỗ trợ phân bón để khuyến khích phát triển đồi sim nên năm nay sim cho quả nhiều. Nhờ cây sim này gia đình mới có tiền để dành cho con ăn học, chứ ở vùng núi này biết làm gì ra tiền", chị Phạm Thị Nát phấn khởi cho biết.

Theo người dân địa phương, khu vực đồi núi ở thảo nguyên Bùi Hui chỉ hợp với cây sim còn các loại cây trồng khác không phát triển được. Nhận thấy lợi ích kinh tế từ cây sim nên nhiều hộ gia đình bắt đầu nhận khoanh vùng bảo vệ, chăm sóc. Đồng thời, cùng với diện tích sim tự nhiên hiện có, một số người dân địa phương đã bắt đầu trồng mới loại cây được cho là “lộc rừng” này để làm kinh tế.

Người dân miền núi kiếm tiền triệu từ việc hái sim rừng

Dịp hè nên nhiều trẻ em cũng tham gia hái sim kiếm thêm thu nhập phụ giúp cha mẹ.

Ngoài những rẫy sim được khoanh vùng chăm sóc như của chị Nát, cây sim còn mọc rải rác khắp nơi trên huyện miền núi Ba Tơ. Vì vậy, những hộ gia đình không có rẫy sim thì tranh thủ dạy sớm vào rừng hái sim dại, cho thu nhập cũng khá cao, mỗi ngày cũng kiếm được từ 200 đến 300 ngàn đồng.

"Nhà tôi không có rẫy sim, nên khoảng cỡ 4 giờ sáng mỗi ngày là tôi lại mang gùi, mang theo cơm vào rừng để hái sim dại đến đầu buổi chiều mang xuống chợ bán. Nếu làm siêng mỗi ngày cũng hái được 15 đến 20 ký, với giá hiện tại ở chợ từ 20 đến 25 ngàn, mỗi ngày tôi cũng kiếm được trên dưới 300 ngàn”, chị Ba, một người dân xã Ba Trang chia sẻ.

Người dân miền núi kiếm tiền triệu từ việc hái sim rừng

Người dân miền núi kiếm tiền triệu từ việc hái sim rừng

Tuy chỉ là một thứ quả dân dã, nhưng với vị ngọt, chát, có nhiều tác dụng trong bổ dưỡng sức khỏe và đặc biệt là quả sạch 100% nên trái sim rừng được nhiều người ưa chuộng.

Mùa thu hoạch sim bắt đầu từ cuối tháng 7 đến hết tháng 9 hàng năm, như vậy nhẩm tính mỗi mùa nhiều hộ dân ở huyện miền núi cao Ba Tơ có thu nhập hàng chục triệu đồng từ trái “lộc rừng” này mang lại.

Tuy chỉ là một thứ quả dân dã, nhưng với vị ngọt, chát, có nhiều tác dụng trong bổ dưỡng sức khỏe và đặc biệt là quả sạch 100% nên trái sim rừng được nhiều người ưa chuộng. Phần lớn sim được mua về để làm ra loại rượu sim rất có lợi cho sức khỏe. Chính vì vậy, sim rừng vào mùa chín rộ được thu mua với giá hợp lý đã tạo điều kiện cho người dân các xã vùng đồi có thêm nguồn thu nhập.

Người dân miền núi kiếm tiền triệu từ việc hái sim rừng

Những trái sim rừng chín mọng đang là đặc sản của vùng núi cao huyện Ba Tơ.

Minh Quân