Nhức nhối nạn buôn người nơi xứ Nghệ
Đời sống - Ngày đăng : 08:35, 02/08/2018
Mờ mắt vì tiền
Hành vi mua bán người đặc biệt là mua bán phụ nữ không chỉ xâm phạm nhân phẩm, danh dự và quyền tự do của con người, coi phụ nữ như món hàng đem ra trao đổi, mua bán mà còn để lại những hậu quả đau lòng, những vết sẹo khó lành đối với nạn nhân, gia đình nạn nhân và nỗi đau nhức nhối với toàn xã hội.
Chỉ vì hám lợi trước mắt, muốn có tiền tiêu xài nhưng lại lười lao động, một số đối tượng đã dùng mọi thủ đoạn lừa gạt nạn nhân mà chủ yếu là những phụ nữ nhẹ dạ, cả tin để bán họ sang biên giới. Chúng đã bất chấp lương tâm, tình người, đẩy những cô gái đáng thương vào bi kịch.
Có một thực tế, nạn nhân của bọn tội phạm mua bán người chủ yếu là những cô gái trẻ ở nhiều địa bàn khác nhau. Có những cô gái vốn xuất thân từ nông thôn nghèo khó, chỉ vì muốn có cuộc sống tốt hơn, muốn kiếm được nhiều tiền để thay đổi cuộc sống, họ đã tin vào lời hứa hẹn về một công việc tốt ở phía bên kia biên giới, để rồi từ đó từng bước sa chân vào cái bẫy của bọn buôn người.
Bên cạnh đó, không ít trường hợp vì ham chơi, gia đình buông lỏng quản lí, nhiều cô gái chỉ cần những cuộc làm quen qua mạng và vài lần trao đổi thông tin với một nhân vật ảo nào đó là đã “buông” mình. Các cô, phần lớn đều chưa đủ tỉnh táo để hiểu rằng, cuộc sống với nhiều cám dỗ, chỉ một phút yếu lòng, dễ dãi sẽ trở thành “con mồi” béo bở cho những kẻ hám lợi, bất chấp luật pháp.
Chiêu, Hiệp và Đào tại cơ quan Công an
Thậm chí có những đối tượng bị đồng tiền làm mờ mắt, chỉ vì 10 – 20 triệu đồng mà chúng rắp tâm lừa bán người quen, như trường hợp Lô Thị Thuyên (SN 1964, trú tại xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn) và Kha Văn Ngọc (SN 1964, trú xã Lạng Khê, huyện Con Cuông). Điều đáng nói là sau khi phạm tội, Thuyên và Ngọc cố gắng tìm mọi cách che đậy, lấp liếm, song lưới trời lồng lộng, cuối cùng tội lỗi của chúng cũng bị phơi bày ra ánh sáng. Mọi chuyện bắt đầu từ vào cuối tháng 2/2018, Công an huyện Tương Dương nhận được đơn của chị K.T.T. (SN 1991, trú ở huyện Tương Dương), tố cáo việc đã bị bà Lô Thị Thuyên lừa bán sang Trung Quốc vào năm 2014.
Theo đơn tố cáo, tháng 9/2014, chị T bị các đối tượng lừa bán để làm vợ một người đàn ông Trung Quốc. Suốt hơn 3 năm trời, chị phải sống trong cảnh lầm than, tủi nhục. Sau khi sinh một đứa con cho nhà chồng thì chị được mới được cho về Việt Nam thăm gia đình. Sau khi về nước, chị liền làm đơn tố cáo Thuyên. Tại cơ quan công an, Thuyên khai đã được Kha Văn Ngọc nhờ tìm các cô gái trẻ để đưa sang Trung Quốc bán lấy tiền và sẽ được trả tiền công 20-30 triệu đồng.
Hám lợi trước số tiền lớn, Thuyên liền đến nhà rủ rê chị T. sang Lào làm ăn với con gái của mình với mức lương cao (hơn 5 triệu đồng/tháng). Vốn là chỗ quen biết, nên chị T không hề mảy may nghi ngờ. Chiều ngày 2/9/2014, Thuyên đón T về nhà mình ngủ để sáng hôm sau bắt xe “đi sang Lào cho tiện”. Đến sáng 3/9/2014, Thuyên giao T cho Ngọc nói là đưa sang Lào nhưng thực chất là đưa đến bến xe Vinh (TP. Vinh, Nghệ An) để giao cho một người phụ nữ tên Ỏn.
Sau đó, Ỏn đã bắt xe khách đưa T ra cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) rồi vượt biên sang Trung Quốc. Lúc này T mới biết mình bị lừa bán qua biên giới. Mấy ngày sau, T được một người đàn ông xem mặt và mua về làm vợ với giá 5,5 vạn nhân dân tệ. Số tiền thu được, Ỏn trả cho Ngọc 30 triệu đồng và Thuyên 15 triệu đồng tiền công theo thỏa thuận.
Về phía gia đình T, khi biết con gái bị lừa bán sang Trung Quốc, người nhà đã tìm gặp Thuyên để nói chuyện, Thuyên hứa đền bù cho gia đình T 80 triệu đồng. Từ năm 2015 đến đầu năm 2018, Thuyên đã đưa cho gia đình T tổng số tiền 53 triệu đồng. Qua lời khai của Thuyên, cơ quan công an đã ngay lập tức tiến hành bắt giữ Kha Văn Ngọc để đấu tranh, làm rõ. Tại cơ quan điều tra, Ngọc đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Lừa bán cả... cháu ruột!
Là một trong sáu địa phương được Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 138/CP) lựa chọn chỉ đạo điểm về Chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người, giai đoạn 2016 – 2020, nên trong mấy năm gần đây, các lực lượng chức năng của tỉnh Nghệ An, đặc biệt là lực lượng công an, biên phòng đã đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ kết hợp phòng ngừa xã hội. Đồng thời, các tổ chức, đoàn thể cũng thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện, phát tài liệu, tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là các huyện miền núi về vấn đề di cư lao động, phòng chống mua bán người; động viên, tạo công ăn việc làm khắc phục cuộc sống khó khăn. Công tác phòng chống tội phạm mua bán người trái phép đã được các cấp, ngành của tỉnh triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ.
Đối tượng Kha Văn Ngọc
Tuy nhiên, tình hình tội phạm mua bán người còn diễn biến hết sức phức tạp. Hơn nữa, các đối tượng phạm tội cũng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, chúng không ngừng câu dẫn, dụ dỗ người dân tham gia vào đường dây, trở thành chân rết. Và, trên thực tế, do cuộc sống khó khăn, hiểu biết pháp luật hạn chế nên đã có rất nhiều đồng bào lao vào con đường phạm tội, có người còn nhẫn tâm bán ngay cả cháu ruột của mình.
Mới đây, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa xét xử Cụt Thị Đào (SN 1989), Ven Văn Hiệp (SN 1980) và Moong Thị Chiêu (SN 1986, cùng trú tại xã Chiêu Lưu, Kỳ Sơn, Nghệ An) về tội “Mua bán trẻ em”. Theo cáo trạng, Cụt Thị Đào sang Trung Quốc làm ăn. Tháng 8/2017, Đào về Việt Nam thăm gia đình. Khi vợ chồng Ven Văn Hiệp, Moong Thị Chiêu đến chơi, biết Đào đang tìm phụ nữ sang Trung Quốc bán, Hiệp hỏi Đào có cần “hàng” không, và giá cả thế nào? Đào bảo nếu đưa được mỗi một người sang Trung Quốc, Đào sẽ trả 80 triệu đồng. Tin lời Đào, Hiệp đồng ý đi tìm người.
Suốt những ngày sau đó, Hiệp và Chiêu vận dụng hết các mối quan hệ, tung đủ các chiêu trò, mánh lới mà việc “săn đầu người” vẫn không có kết quả. Lúc này, Chiêu liền bàn với chồng là bán cháu Hùng Thị H (SN 2008, là cháu con của chị gái của Hiệp, đang được vợ chồng Hiệp nuôi dưỡng). Không dừng lại ở đó, Hiệp còn gọi điện cho cháu Moong Thị X (SN 2003, trú xã Bảo Nam, Kỳ Sơn) lừa nhờ làm cỏ rẫy. Thế nhưng khi X đến thì Hiệp cũng tính giao luôn cho Cụt Thị Đào để đưa đi Trung Quốc bán.
Khoảng 23h ngày 6/8/2017, Moong Thị Chiêu, Ven Văn Hiệp đưa cháu Moong Thị X và Hùng Thị H lên thị trấn Mường Xén giao cho Cụt Thị Đào. Sau khi “nhận người”, Đào thuê xe taxi chở Chiêu và hai cháu nhỏ đi, khi đến địa phận giáp ranh giữa hai xã Chiêu Lưu và Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) thì bị Tổ công tác Công an huyện Kỳ Sơn phát hiện, bắt giữ.
Để phòng chống tội phạm mua bán người, cần làm tốt công tác tuyên truyền vận động
Trước Tòa, Cụt Thị Đào khai rằng nếu đưa được X và H sang Trung Quốc, Đào sẽ bán hai cháu cho một người phụ nữ tên Dương (không xác định được lai lịch cụ thể) với giá 4 vạn nhân dân tệ. Sau khi xem xét, HĐXX tuyên phạt Cụt Thị Đào 6 năm tù; Ven Văn Hiệp bị tuyên phạt 5 năm tù, Moong Thị Chiêu 4 năm tù...
Qua công tác điều tra, phá án của lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An cho thấy, để xác lập và tiến hành điều tra một vụ án liên quan đến lừa, buôn bán người ra nước ngoài hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn, cần có sự phối hợp từ cấp cao hơn trong việc hợp tác với nước bạn; đồng thời phải có sự hợp tác của người nhà và nạn nhân mới có thể làm rõ tội trạng của các đối tượng và bóc gỡ được những đường dây mua bán người.
Nạn nhân trong các vụ mua bán người gần đây đều diễn ra trên địa bàn miền núi và chủ yếu là trẻ vị thành niên, phụ nữ từ 14 đến 30 tuổi hoặc thanh niên nữ có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, đua đòi ăn chơi, lười lao động. Hầu hết những nạn nhân này khi được giải cứu hoặc trốn về đều nằm vào trường hợp nghèo đói, do đó bên cạnh công tác phòng ngừa, giải pháp hỗ trợ để họ có công việc ổn định tại quê hương rất cần được các địa phương quan tâm thực hiện. Ngoài ra, để hạn chế thấp nhất tình trạng lừa, mua bán người xảy ra trên địa bàn miền núi, quan trọng nhất vẫn là nâng cao nhận thức và cảnh giác cho người dân.
Đồng thời các huyện miền núi cũng cần phải nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý nhân tịch, hộ khẩu trên địa bàn; Động viên bà con, tạo công ăn việc làm để bà con khắc phục khó khăn vì các đối tượng mua bán người thường lợi dụng vào hoàn cảnh khó khăn của người dân nơi vùng sâu, vùng xa thông qua hình thức dụ dỗ bằng vật chất để người dân nghe theo. Chỉ có sự vào cuộc quyết liệt của các tổ chức chính trị, xã hội cũng như các tổ chức đoàn thể từ tỉnh xuống cơ sở như thế thì công tác phòng chống tội phạm mua bán người trên địa bàn Nghệ An mới có thể đem lại hiệu quả cũng như bình yên cho mỗi bản làng.