Gian nan hành trình đưa các anh về đất mẹ
Đời sống - Ngày đăng : 06:34, 27/07/2018
Băng rừng lội suối tìm hài cốt
Mỗi lần nhắc nhớ đến quãng thời gian lăn lộn khắp ba tỉnh Hạ Lào và tỉnh Ratanakiri, Campuchia làm nhiệm vụ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ thì Thượng tá Nguyễn Xuân Lý, Tham mưu phó huyện đội Sa Thầy, nguyên Chính trị viên đội K53 giai đoạn 2002 - 2008, lại rưng rưng xúc động. Đối với ông, những ngày tháng đó sẽ mãi mãi không thể nào quên, nhất là ký ức về quãng thời gian tìm kiếm khu mộ tập thể ở núi Pu Luông, bản La Nhao Tạy, huyện Xa Mạc Khi Say, tỉnh Atôpư, nước CHDCND Lào.
Đưa các anh về Đất Mẹ
Pù Luông là ngọn núi cao trên 1200m, vách đá dựng đứng không một cây xanh và nhiều bom mìn, vật liệu nổ vẫn còn giăng mắc trong lòng đất. Nhìn qua rất khó phát hiện, hình dung được đây là nơi chôn cất các liệt sĩ. Nhưng rất may là những người dân bản địa, những người đã gắn bó và giúp đỡ bộ đội Việt Nam trong những năm kháng chiến nay lại tích cực cung cấp thông tin về khu mộ.
Theo bà con cho biết, trên điểm cao ấy, tại hõm núi duy nhất ở độ cao 413m là căn hầm cứu thương của bộ đội Việt Nam trước tháng 10/1970. Hõm núi cao 6m, dài gần 40m đã bị máy bay Mỹ phát hiện và chúng cho giội bom khiến đá rơi lấp miệng hang. Người dân còn cung cấp thêm rằng, trong hang có khoảng 30 người, nhưng vào ngày Mĩ dội bom thì có 3 người ra ngoài công tác nên may mắn thoát chết.
Lần theo các con đường hình xoắn ốc, Đội K53 bắt đầu hành trình tìm kiếm. Đá chồng lên đá rất chông chênh, nguy hiểm. Chỉ cần người đi trước sảy chân thì đá sẽ rời ra rơi xuống đầu người sau. Những vách đá trơn trượt, các thành viên của Đội cùng các chiến sĩ bảo vệ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Atôpư phải cột dây vào mỏm đá, gộc cây để kéo nhau trèo lên.
Cán bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum, tỉnh Ratanakiri và 3 tỉnh Nam Lào đưa các liệt sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng. Ảnh BD
Đến giờ, Thượng tá Lý vẫn nhớ từng vị trí năm xưa cùng anh em đã đào suốt mấy ngày đêm để tìm hài cốt. “Khi nhận được thông tin từ Ban công tác đặc biệt của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Atôpư cung cấp, ngay lập tức, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã chỉ đạo cho các phòng ban chức năng chuẩn bị chu đáo cho một hành trình dài và vất vả. Leo cả ngày mới lên đến nơi, xác định đúng vị trí đồng đội xưa đang nằm, đào bới tìm được cửa hang bên dưới những tảng đá, một phần lịch sử đã lộ ra. Điều chúng tôi day dứt nhất là hầu hết hài cốt các bác ở trong hõm núi Pù Luông đều là liệt sĩ vô danh, không được quấn trong tăng, võng, mà là 24 hài cốt nằm cạnh nhau. Bởi theo người dân kể lại, khi bom Mỹ ập xuống, đất đá vỡ vụn, các thương bệnh binh và chiến quân y biết việc gì sẽ đến nên các anh ôm chặt lấy nhau, chồng chất những vòng tay bên tay, xác bên xác. 3 người còn lại thì vẫn chưa tìm được. Tôi cùng anh em trong đội cũng như các đồng chí bộ đội bảo vệ thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Atôpư đều không cầm được nước mắt”, Thượng tá Lý nhớ lại.
Mỗi khi quy tập được hài cốt liệt sĩ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang nước bạn đều tổ chức lễ bàn giao và tiễn các liệt sĩ về nước rất trọng thể. Những di vật nhỏ của liệt sỹ thường được anh em trong Đội K53 chôn theo hài cốt hoặc bàn giao cho thân nhân liệt sĩ, phần còn lại sẽ được bảo quản và trưng bày trong bảo tàng, vừa thể hiện sự trân trọng, vừa góp phần khơi dậy tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” cho các thế hệ mai sau. Trong đó ngoài những hòm đạn, mảnh bom, tấm dù, manh võng, còn có những dòng thư gửi viết vội gửi cho người thân, giúp người đọc hình dung ra những tháng ngày chiến đấu anh dũng mà vẫn lạc quan, yêu đời của những chiến sĩ trẻ năm xưa.
Có thư viết: “Hôm nay trên mảnh đất Ai Lao nóng bỏng này, mỗi lúc em vui hay buồn cũng chẳng có ai, chỉ đất lạ người xa, nhưng đồng ruộng vườn chuối giống quê nhà ta gợi cho em nhớ cảnh quê nhà tháng 9 cốm thơm gạo mới... Anh ạ, ở thì nay đây mai đó, lúc thì Công Tum, lúc thì Campuchia lúc thì sang Lào. Em đang ở đất Lào nước bạn... Lâu nay em vẫn khỏe chỉ tội hơi già vì cũng khá vất vả, nay đây mai đó, leo đèo lội suối, cơm vắt ngủ rừng, bây giờ leo núi là tài lắm cao như Pù Phia Bióoc vẫn là thường thôi như cơm bữa. Sinh hoạt hàng ngày đôi lúc cũng gặp khó khăn vì tất cả đều từ ngoài Bắc đưa vào nên mỗi chiến dịch đi lâu xa hậu phương cũng có khi phải ăn cháo, cháo không đủ ăn cháo măng đấy anh ạ… Nhưng sau về hậu phương cứ lại vui thôi có phim chiếu, có văn công”.
Thắm thêm tình đoàn kết giữa ba dân tộc
Cứ thế, hành trình tâm linh đầy nhân văn của Đội K53 cứ nối dài ra mãi. Ước tính sau 24 năm thực hiện nhiệm vụ trên đất Lào (1994–2017) và 16 năm trên đất Campuachia (2001-2017), với sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Ban công tác đặc biệt và lực lượng vũ trang các tỉnh bạn, Đội K53 đã tìm kiếm, quy tập, hồi hương được 1.259 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 872 hài cốt liệt sĩ ở nước bạn Lào và 387 hài cốt liệt sĩ ở Campuchia đưa về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trong nước.
Một số di vật của liệt sỹ được Đội K53 tìm thấy
Để có được thành quả đó, không thể không nhắc tới sự giúp đỡ tận tình, chu đáo của chính quyền và nhân dân các nước bạn, nhất là những cán bộ chiến sĩ thuộc đội công tác đặc biệt của ba tỉnh Atôpư, Chămpasắc, Sê Kông (CHDCND Lào) và tỉnh Ratanakity (Vương quốc Campuchia). Những lần luồn rừng giữa chang chang nắng đốt, dìu nhau vượt dốc, qua đèo, ca nước nhường nhau, miếng lương khô chia nửa đã dần thắm thêm tình nghĩa.
Những khi thời thiết không thuận lợi, phía bạn còn giúp ta tuyên truyền, vận động nhân dân, giúp bà con hiểu về chính sách của hai Đảng, hai chính phủ về công tác tìm kiếm và qui tập mộ liệt sĩ của bộ đội Việt Nam. Đáp lại tấm chân tình đó, anh em trong Đội K53 cũng “ba cùng”, giúp đỡ nhân dân nước bạn chăm sóc sức khỏe, phát triển kinh tế, vượt qua thiên tai, dịch bệnh… Rồi bạn tranh thủ giúp cán bộ của ta học tiếng Lào, tìm hiểu phong tục tập quán của các dân tộc để dễ dàng hòa nhập cùng bà con.
Tại các địa bàn nghi có phần mộ của các liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ của Đội K53 đã đến gặp cán bộ lão thành cách mạng, cựu chiến binh, người tham gia chiến tranh và người dân biết về nơi chôn cất bộ đội Việt Nam để họ cung cấp thông tin, dẫn đường cho Đội đến tận nơi để tìm kiếm. “Quý người người mới quý mình, lấy tâm tình đãi tâm tình mới cao”, phương châm sống và làm việc đó đã giúp cho Đội nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình cùng với những tình cảm thân thiện của nhân dân nước bạn.
Đại tá Bun Mạc Vi La Vong, Chỉ huy trưởng chính trị Bộ Chỉ huy quân sự, Phó Ban Công tác đặc biệt tỉnh Chămpasắc, chia sẻ: “Nhân dân Lào luôn biết ơn các chiến sĩ quân đội hai nước đã hi sinh vì nền độc lập. Là một người lính, luôn biết ơn những người đã đi trước, biết ơn những chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đã hy sinh vì sự hòa bình của hai dân tộc. Vì vậy, tôi luôn nói với anh em trong đơn vị là, làm được gì để giúp đỡ Đội công tác K53 thì đều phải cố gắng hết mức. Qua nhiều năm gắn bó, tôi cũng như những đồng chí tham gia bảo vệ Đội K53 đã thân thiết, chia sẻ với các đồng chí Việt Nam như người một nhà. Anh em không chỉ đồng hành với Đội suốt mùa khô mà cả sau khi Đội rút về Việt Nam vào mùa mưa, anh em lại tranh thủ vào các phum sóc vận động nhân dân và các nhân chứng tham gia cung cấp thông tin tìm mộ liệt sỹ. Chúng tôi coi nhiệm vụ của Đội K53 chính là nhiệm vụ của mình”.
Còn Đại tá Sổm Thong - Đon Căn Nọi, Chỉ huy trưởng chính trị Bộ Chỉ huy quân sự, Trưởng Ban Công tác đặc biệt tỉnh Sêkông, nhấn mạnh: “Theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng Lào, tại các địa phương nơi Đội QTMLS làm việc, chính quyền tỉnh Sê Kông đều cử cán bộ quân đội và công an hỗ trợ đảm bảo công tác an ninh, phiên dịch và hậu cần. Hàng năm, chúng tôi đều phát động phong trào tìm kiếm, cung cấp thông tin về mộ liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam trong nhân dân. Trước tinh thần tận tụy, trách nhiệm của các thành viên Đội K53, chúng tôi rất cảm phục và xác định, dù khó khăn, gian khổ thế nào cũng quyết tâm khắc phục để tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt các liệt sĩ. Bởi sự hy sinh đó là vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì sự nghiệp cách mạng của đất nước Lào, giúp chúng tôi giải phóng đất nước. Đây là sự hy sinh cao cả, Đảng và Nhà nước, nhân dân Lào không bao giờ quên”.
Ông Thoong Sa Vun, Phó Bí thư, Phó tỉnh trưởng, Trưởng Ban công tác đặc biệt tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia thì khẳng định: “Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất Campuchia là một nhiệm vụ chính trị cao cả, thể hiện lòng biết ơn của Đảng, chính quyền, quân đội và nhân dân tỉnh Ratanakiri nói riêng, đất nước Campuchia nói chung đối với các liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã không tiếc máu xương hy sinh vì nền độc lập của nhân dân Campuchia. Do đó, Đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Ratanakiri sẽ tạo điều kiện và giúp đỡ Đội K53, tỉnh Kon Tum tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đạt kết quả cao nhất”.
Tình cảm và trách nhiệm của những người như ông Thoong Sa Vun, Đại tá Sổm Thong - Đon Căn Nọi, Đại tá Bun Mạc Vi La Vong nói riêng và của nhân dân hai nước Lào và Campuchia nói chung đã khiến các đội công tác đặc biệt của Việt Nam cảm thấy xiết bao ấm áp, thêm động lực tiến lên. Mỗi hành trình của Đội K53 không còn đơn thuần là tìm lại hài cốt người ngã xuống mà chính là làm thắm thêm tình đoàn kết giữa quân dân ba nước, ba lãnh thổ, ba dân tộc.