Chuyện về những người lính đi tìm hài cốt liệt sỹ
Đời sống - Ngày đăng : 10:10, 26/07/2018
Gian khó trăm bề
Từ bao năm nay, những chiến sĩ trong Đội quy tập của các địa phương, Quân khu vẫn không quản ngày đêm lặn lội khắp rừng xanh núi thẳm để tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ đã hi sinh tại các chiến trường, cả trong và ngoài nước. Dẫu phải trải qua trăm ngàn gian khó song các anh vẫn kiên trì, bền bỉ thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng mà Đảng, Nhà nước và quân đội tin tưởng giao phó.
Một trong những khó khăn lớn nhất mà anh em chiến sỹ trong các Đội quy tập phải đối mặt đó là khi tìm kiếm hài cốt liệt sỹ ở các chiến trường bên nước bạn Lào và Campuchia, có địa hình rừng núi hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt. Do đặc thù, thời gian tìm kiếm hài cốt liệt sỹ tập trung vào mùa khô, thường thì mỗi đợt tìm kiếm thường bắt đầu từ cuối tháng 11, kéo dài đến tháng 5 năm sau. Trong suốt 6 tháng, các chiến sĩ đều phải lên rừng, lội suối, ăn uống tại chỗ. Rắn độc, bọ cạp… bò vào doanh trại đóng quân, chui vào chăn, màn, ba lô quần áo là chuyện thường tình. Nhiệt độ trung bình từ 38 đến 40 độ C, nguồn nước khan hiếm, nhiều khi các anh phải ăn lá me rừng, thậm chí thấy những vũng, sình lầy, phải dùng phèn đánh nước trong để uống chống khát.
Thiếu tá Phan Việt Phương, Đội trưởng Đội K72, Bộ Chỉ huy Quận sự tỉnh Bình Phước, cho biết: Trong những ngày nắng gắt, anh em phải chuyển sang làm việc từ 3 giờ sáng và từ 4 giờ chiều tối để tránh tiết trời nắng như đổ lửa. Những chiến sỹ phải tận dụng từng bóng mát của những cây mồ côi trên nương rẫy để nghỉ ngơi.
Lễ ký giao nhận hài cốt
Chưa hết, phần lớn các địa bàn tìm kiếm đều ở xa khu dân cư, xa nguồn nước, vì thế nỗi lo thiếu nước sinh hoạt luôn thường trực. “Phải chứng kiến các chiến sỹ đào, xúc hàng nghìn khối đất đá để dò tìm hài cốt trong cái nắng nóng như thiêu đốt của mùa khô Campuchia, mới thấu hiểu nỗi vất vả và nhu cầu về nước sinh hoạt cần kíp đến thế nào. Không đảm bảo khẩu phần nước sinh hoạt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe chiến sỹ, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ trên đất bạn”, Thiếu tá Phan Việt Phương tâm sự.
Để khắc phục tình trạng này, với những nơi trú quân gần sông, suối, anh em tự đào giếng, lọc nước lấy nước dùng. Những khi trú quân nơi không thể đào giếng, các chiến sỹ phải thay nhau gánh nước từ các nguồn nước có khi xa tới cả cây số mang về tích trữ cho sinh hoạt. Các chiến sỹ luôn phải quán triệt nguyên tắc tiết kiệm trong sử dụng nước, để đảm bảo lượng nước cung cấp cho toàn đội trong suốt đợt công tác.
Rà phá bom mìn tại địa bàn chuẩn bị khai quật
Rừng thiêng, nước độc, thiếu thốn trăm bề như thế nhưng không làm các chiến sĩ chùn bước, bởi các anh luôn nghĩ rằng, ngày xưa cha anh mình vẫn bám trụ để chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng cao đẹp thì không lý gì mà mình không thể tìm kiếm và đưa họ trở về đất mẹ. Ý thức được nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả của mình nên họ sẵn sàng vượt qua tất cả, thế nhưng điều anh em thường xuyên lo lắng và băn khoăn nhất, đó là nguồn tin.
“Trong điều kiện tài liệu, thông tin về nơi chôn cất các liệt sĩ của ta rất nghèo nàn, bản đồ thời chiến sai lệch với bản đồ hiện nay, công việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Và việc này càng ngày càng khó. Nên trăn trở của những người trong Đội quy tập là muốn tìm càng nhanh càng tốt, chứ để kéo dài thì địa hình thay đổi nhiều là không thể xác định được vị trí. Số lượng hài cốt liệt sĩ của Quân tình nguyện Việt Nam nằm trên đất bạn hiện nay còn tương đối nhiều và nằm rải rác ở nhiều địa bàn. Hơn nữa, theo thời gian, địa hình cũng dần thay đổi. Nguyên nhân của sự thay đổi đó thì nhiều, nhưng chủ yếu là do thời tiết, nắng mưa, do người ta phát nương làm rẫy. Phần nữa là do trước kia xác định tọa độ bản đồ cũ, hiện nay là đối chiếu cái mới thì nó sai lệch rất là nhiều”, Thượng tá Trần Kiệm, nguyên Đội trưởng Đội K53, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2002 – 2006, chia sẻ.
Thậm chí nhiều lần, quy tập xong rồi, đúng với nguồn tin cung cấp nhưng trên đường về, bằng linh cảm các anh vẫn trở lại 2-3 lần nữa, chỉ mong không bỏ sót một ai. Thượng tá Nguyễn Xuân Lý, Tham mưu phó huyện đội Sa Thầy, nguyên Chính trị viên Đội K53 giai đoạn 2002 – 2008, kể trong đợt tìm kiếm tại Pắk Soòng, huyện Chăm Pa Sắc (Lào) vào khoảng năm 2006-2007, sau khi đã quy tập được 18 hài cốt như thông tin ban đầu, các anh bắt đầu trở lại điểm tập kết. Nhưng đêm đó mọi người đều cảm nhận có gì đó không ổn, áy náy mãi không thôi. Sáng hôm sau, tất cả cùng quay lại để tìm thêm, dù khoảng cách xa hàng chục km đường rừng. Khi tổ chức đào tảng đá ở khu vực này thì phát hiện thêm 1 hài cốt.
“Tìm hài cốt liệt sĩ chính là tìm người thân của mình”
Khó khăn, vất vả, gian nan là thế nên lúc tìm thấy hài cốt liệt sĩ là những giây phút thiêng liêng, hạnh phúc, là nguồn động lực to lớn nhất đối với cán bộ, chiến sĩ các Đội quy tập. Dù có mệt bao nhiêu nữa nhưng trên lưng có hài cốt liệt sĩ để cõng ra cũng cảm thấy trong người nhẹ nhõm, còn nếu không tìm thấy hài cốt đồng đội thì bước chân của anh em cũng thêm phần nặng nề.
Nâng niu hài cốt vừa tìm được
“Đào bới cả ngày, có khi lật tung cả sào đất, nhưng khi tìm thấy hài cốt thì mệt nhọc dường như tan biến, ai cũng mừng rơi nước mắt, bởi tất cả đều hiểu rằng, lại có thêm một liệt sĩ nữa chuẩn bị được trở về quê hương. Có lần, xác định được vị trí hài cốt liệt sĩ đang nằm dưới móng nhà của người dân Campuchia, dù mất nửa tháng trời làm công tác dân vận để thỏa thuận di dời nhà và đền bù, chúng tôi cũng quyết tâm làm cho kỳ được. Một lần, trên đường mang hài cốt liệt sĩ trở về doanh trại, cả nhóm gặp mưa, không ai bảo ai, liền đem áo mưa che chắn cho hài cốt”, Đại tá Vũ Văn Sơn, Đội trưởng Đội K52, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai, chia sẻ.
Với quyết tâm vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chỉ trong vòng hơn chục năm tìm kiếm, Đội K52 tìm kiếm tại hơn 1.100 buôn làng, phum, sóc của 23 huyện; đào bới khoảng trên 80.000m3 đất đá, gần 150km đường hào; cơ động gần 1 triệu km... Từ nỗ lực đó, Đội K52 đã tìm kiếm, quy tập và hồi hương hơn 1.300 hài cốt liệt sĩ; trong đó có nhiều liệt sĩ xác định được họ, tên, quê quán. Và, trên hành trình đi tìm đồng đội, một đồng chí trong đội đã anh dũng hy sinh, 6 đồng chí để lại một phần máu thịt của mình trong những chuyến công tác.
Để có được kết quả nêu trên, một phần là nhờ đơn vị làm tốt công tác giáo dục, xây dựng cho toàn Đội ý chí quyết tâm: “Tìm hài cốt liệt sĩ chính là tìm người thân của mình”, “Ngàn ngày gian khổ không bằng một giọt máu của liệt sĩ đổ xuống”. Đội cũng đẩy mạnh thi đua rút ngắn thời gian thu thập, xử lý thông tin, mở rộng địa bàn tìm kiếm. Từ nguồn tin có được, Đội so sánh, sàng lọc, khoanh vùng, tích cực nghiên cứu, tìm hiểu để rút ra quy luật bố trí quân và cách mai táng liệt sĩ trong chiến tranh; giúp Đội có thể tìm được cùng lúc nhiều hài cốt liệt sĩ. Anh em còn có sáng kiến “đào hào theo hình chữ chi”, dùng dụng cụ thăm dò, giảm được thời gian, công sức tìm kiếm, không bỏ sót mộ…
Bữa cơm ăn vội giữa rừng
Ngoài nỗ lực của toàn đội, việc tranh thủ sự hỗ trợ của hệ thống chính trị cơ sở, kêu gọi sự giúp đỡ của các cựu chiến binh trên địa bàn là một trong những bí quyết thành công của Đội K52. Ví như trường hợp của cựu chiến binh Phan Văn Huân ở huyện Krông Pa, đã qua Strung Treng 2 lần trong 42 ngày, giúp đội tìm được 102 hài cốt liệt sĩ… Cùng với đó, đội chủ trương thực hiện tốt công tác giúp dân và “dựa vào dân nước bạn” trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đội còn vận động được một người từng là trung đoàn trưởng của Pôn Pốt ở Prếtvihia tự nguyện dẫn đường tìm được 45 hài cốt liệt sĩ…
Không chỉ làm công việc quy tập, tìm kiếm và hồi hương các liệt sĩ, trong nhiều năm qua, các Đội quy tập còn làm nhiều việc giúp thắt chặt mối quan hệ hữu hảo giữa các dân tộc. Bằng những hành động, việc làm thiết thực như tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc, sơ cứu những ca bệnh nặng và tai nạn giao thông, cứu đói cho người dân…, các chiến sỹ đã để lại hình ảnh đẹp, khó phai của người lính Quân đội nhân dân Việt Nam đối với chính quyền, nhân dân Lào và Campuchia.
Ở nơi các chiến sỹ đến thường là vùng sâu, vùng xa, nếu có buôn làng thì người dân sinh sống gần như tách biệt nên việc chăm sóc sức khỏe rất hạn chế. Mỗi khi ốm đau, bà con chủ yếu chữa bệnh bằng kinh nghiệm dân gian, dùng những cây cỏ trong rừng. Cán bộ chiến sỹ các Đội thường xuyên tuyên truyền, thăm khám, cứu được nhiều người dân thoát chết trong gang tấc. Trong quá trình điều trị bệnh cho dân, anh em còn hướng dẫn cho người dân cách trồng rau, cách chăm sóc, bón phân cho cây. Cảm mến sự tận tình của các chiến sĩ, người dân đã đáp trả bằng cả tấm lòng.
Các anh càng ở lâu thì tình yêu thương, gắn bó keo sơn của đồng bào tại chỗ với các anh ngày càng khăng khít. Người dân đi rừng săn bắn hay hái rau rừng về cũng chia sẻ với các chiến sĩ Việt Nam. Mỗi lần các anh về, dân làng đều tổ chức lễ tiễn cũng như dặn dò hẹn ngày gặp lại...
Cứ thế, hành trình tâm linh đầy nhân văn của các Đội quy tập cứ nối dài ra mãi. Công việc mà các anh đang làm không chỉ thể hiện đạo lý “Uống nước nhờ nguồn” của dân tộc ta, mà còn góp phần xây đắp thêm tình đoàn kết giữa ba nước Việt - Lào - Campuchia.