Chủ nhiệm VPCP: Có hiện tượng Bộ ngành, địa phương "né" việc, đẩy việc lên Thủ tướng
Chính trị - Ngày đăng : 08:30, 23/09/2016
Ngày 22/9, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa làm trưởng đoàn, đã kiểm tra Văn phòng Chính phủ (VPCP) về việc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương; việc cập nhật nhiệm vụ lên hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi tại VPCP.
Báo cáo của VPCP do Phó Chủ nhiệm Nguyễn Văn Tùng trình bày đã nêu rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và các công việc sẽ triển khai trong thời gian tới.
Các thành viên Tổ công tác yêu cầu VPCP làm rõ thêm một số vấn đề, như giải pháp nào để sắp tới tham mưu “trúng hơn, đúng hơn” cho Chính phủ, Thủ tướng giao nhiệm vụ; theo dõi như thế nào với các nhiệm vụ hiện theo quy định chưa được cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu, các nhiệm vụ hiện đã quá hạn nhưng chưa hoàn thành…
VPCP cần tiếp tục đổi mới, cải cách
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, nói tới việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao thì xuất phát phải từ cơ quan tham mưu là VPCP. Quá trình Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra tại Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính cũng đặt vấn đề, VPCP phải cải cách, đổi mới hơn nữa trong công tác tham mưu Chính phủ, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ ngành. Ngoài ra, có nhiều vấn đề mà sau khi kiểm tra tại các bộ mới phát hiện ra, như hiện tại các nhiệm vụ được giao tại các văn bản mật chưa được cập nhật trên hệ thống, vẫn phải theo dõi thủ công…
“Do đó, Tổ công tác của Thủ tướng quyết định kiểm tra VPCP, với tinh thần nghiêm túc, cầu thị”, Bộ trưởng cho biết và nhấn mạnh một số vấn đề mà VPCP cần tiếp tục đổi mới, cải cách.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh Nhật Bắc
Trước hết, VPCP phải tham mưu đúng hơn trong việc Chính phủ, Thủ tướng giao nhiệm vụ. Phải tính các điều kiện để bộ, ngành, địa phương thực hiện với thời gian hợp lý, làm sao để bảo đảm cả tiến độ, cả chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Báo cáo của VPCP thừa nhận, trong tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng, đôi lúc chưa dự báo được hết khó khăn, các điều kiện cần thiết về nguồn lực, về tính phức tạp của nhiệm vụ, khoảng thời gian giao thực hiện nhiệm vụ chưa hợp lý hoặc giao không rõ trách nhiệm của các cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp… gây vướng mắc trong triển khai thực hiện.
“Trong đó, việc xử lý đúng thẩm quyền là quan trọng nhất. Hiện có tình trạng các bộ ngành, địa phương không thực hiện hết trách nhiệm, né việc, đẩy việc thuộc thẩm quyền của mình lên Chính phủ, lên Thủ tướng. Sau cuộc làm việc với Bộ KHĐT, Thủ tướng có nhắc tới việc dư luận, báo chí phản ánh tình trạng “họp quá nhiều”, điều này cũng liên quan tới việc xử lý công việc theo thẩm quyền. Phải làm rõ điều này để đoàn kiểm tra báo cáo Chính phủ, Thủ tướng, cải tiến lề lối làm việc, giảm họp. VPCP phải làm quyết liệt việc này”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu.
Thứ hai, với vai trò tham mưu, theo dõi, đôn đốc, khi các bộ, ngành, địa phương “nợ” nhiệm vụ thì có nghĩa là VPCP cũng “nợ”, ví dụ thực hiện kế hoạch của Chính phủ, các bộ, ngành trình văn bản lên nhưng VPCP chưa xử lý kịp. Bộ trưởng nhấn mạnh, cán bộ VPCP phải làm việc quyết liệt, cần cù, muốn xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động thì VPCP phải gương mẫu làm trước, đặc biệt là rút ngắn thời gian.
“Thời hạn 5 ngày, nhưng nếu đủ bản lĩnh, năng lực, trách nhiệm, cộng với cần cù, 2 ngày đã xong việc thì phải trả bài ngay. Không bao giờ được phép gọi các doanh nghiệp, địa phương đến nhận kết quả”, Bộ trưởng nêu rõ và yêu cầu cải cách mạnh mẽ trong tư duy và hoạt động của VPCP, không dừng lại ở cải cách quy trình, thủ tục.
Cùng với đó, VPCP phải làm tốt vai trò trung tâm, kết nối để xử lý các vấn đề còn có sự khác biệt về quan điểm giữa các cơ quan. Như trong quá trình xây dựng Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp, mặc dù các bên có ý kiến khác nhau, nhưng khi VPCP báo cáo Thủ tướng thì chỉ 5 ngày sau, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh gặp Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa, giải quyết được mọi vướng mắc.
Số văn bản nợ đọng giảm thấp nhất trong nhiều năm qua
Báo cáo của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Tùng cho thấy 8 tháng năm 2016, Văn phòng Chính phủ đã tham mưu ban hành các Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm của Quốc hội, trong đó đã xác định hơn 200 đề án lớn Chính phủ phải xây dựng và triển khai trong giai đoạn 2016-2020 đồng thời tham mưu ban hành Chương trình hành động nhiệm kỳ 2016-2020 của Chính phủ.
Chương trình công tác hàng năm, hàng quý, hàng tháng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được xây dựng, quản lý khoa học, có nhiều đổi mới, do vậy tình hình thực hiện chương trình công tác có bước tiến rõ rệt. Chất lượng chương trình được nâng lên, khả thi hơn, tiến độ thực hiện cơ bản đáp ứng yêu cầu, tình hình nợ đọng giảm dần.
Trong tám tháng, Văn phòng Chính phủ đã trình 288/379 đề án phải trình (đạt 76%); tham mưu, trình Chính phủ cho ý kiến, thông qua 19/20 dự án luật, pháp lệnh phải trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thẩm tra, trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành 116 Nghị định, 73 Nghị quyết, 32 Quyết định, 24 Chỉ thị, 72 thông báo kết luận, 312 công văn, công điện...
Số văn bản nợ đọng thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm còn thấp nhất trong nhiều năm qua, chỉ còn nợ 7 văn bản. Đến nay, tất cả văn bản, hồ sơ đều được xử lý qua mạng và được công khai rộng rãi tình hình, tiến độ xử lý, hạn chế tối đa tình trạng chậm xử lý hoặc để quá hạn hồ sơ.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Tùng, việc tham mưu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho bộ, cơ quan, địa phương đảm bảo rõ về nội dung, đúng thẩm quyền, hợp lý về thời gian và nguồn lực thực hiện; kịp thời giải quyết những vấn đề đặt ra trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi cho thấy trong tổng số 6.272 nhiệm vụ được giao cho bộ, cơ quan, địa phương trong 8 tháng, có 2.723 nhiệm vụ đến hạn phải hoàn thành, song, mới hoàn thành được 2.501 nhiệm vụ, 222 nhiệm vụ quá hạn nhưng chưa thực hiện xong.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Trưởng đoàn kiểm tra, phát biểu tại buổi làm việc
Các thành viên Tổ công tác đánh giá Văn phòng Chính phủ đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu tổng hợp, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng trong chỉ đạo, điều hành. Song, vẫn còn có những tiếng kêu ca từ phía các bộ, ngành trong công tác phối hợp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều văn bản chậm chuyển theo dõi trên hệ thống phần mềm (hơn 50%), gây khó khăn cho bộ, cơ quan, địa phương trong việc cập nhật tình hình thực hiện, nhất là đối với các nhiệm vụ giao có thời hạn ngắn, gấp. Việc phân loại văn bản đôi khi chưa chính xác hoặc cập nhật thiếu nhiệm vụ, không đúng nhiệm vụ phải theo dõi, chuyển không đúng bộ, cơ quan, địa phương thực hiện gây lúng túng khi triển khai thực hiện và không đảm bảo tính chính xác của số liệu trên Hệ thống phần mềm với thực tế.
Thừa nhận không khỏi có "tiếng nọ," "tiếng kia" ở Văn phòng Chính phủ, còn những điều gây phiền hà, nhũng nhiễu, gây khó khăn, khó chịu cho doanh nghiệp, bộ ngành, địa phương song Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng lý giải với những việc có xung đột giữa các bộ, ngành, chưa đến mức phải đẩy lên Chính phủ, Văn phòng Chính phủ cùng các bộ, ngành tổ chức hội nghị để xử lý. Tuy nhiên, khi Văn phòng Chính phủ thẩm tra thì mang ý kiến độc lập. Không đúng quan điểm của mình, một số bộ, ngành chưa hẳn đã hài lòng. Khi không đồng tình, các vấn đề đều được xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, trưởng đoàn công tác đánh giá Văn phòng Chính phủ là đơn vị đi đầu trong cải cách hành chính, áp dụng công nghệ thông tin, đảm bảo nhanh, chính xác, công khai, minh bạch, an toàn và bảo mật.
Trưởng đoàn công tác cũng nêu lên một thực tế là có một số ý kiến của các bộ, ngành kêu ca về cán bộ Văn phòng Chính phủ cửa quyền, hạch sách và có biểu hiện lợi ích nhóm. Đây là vấn đề cần chú ý, mặc dù không nhiều.
Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Trọng Thừa đề nghị Văn phòng Chính phủ cần tham mưu quy định rõ thêm về vấn đề thẩm quyền, giải quyết theo thẩm quyền, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra cùng với Bộ Nội vụ thực hiện Chỉ thị 26/CT-TTg về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, đẩy mạnh cải cách hành chính. Văn phòng Chính phủ tham gia vào đánh giá chỉ số cải cách hành chính và là tấm gương cho các bộ, ngành, địa phương về cải cách hành chính.