“Cây đại thụ” trên đỉnh Trường Sơn
Đời sống - Ngày đăng : 06:58, 18/07/2018
Bốn lần được phong “dũng sỹ”
Từ thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) vào đến đỉnh A Dơi mất gần non nửa ngày đường chạy xe máy vượt đèo leo dốc. Khi bánh xe chạm đến địa phận thôn Prin C, xã A Dơi cũng là lúc trời vừa nhá nhem tối, chúng tôi tìm đến nhà ông Hồ Mơ, thương binh hạng 3/4 - người từng bốn lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Dũng sỹ diệt Mỹ”. Già Mơ năm nay tròn 80 tuổi, mái tóc đã nhuộm màu muối sương nhưng đôi mắt vẫn tinh anh, quắc sáng, giọng nói vẫn âm trầm, hào sảng.
Dù là thương binh nặng, già Mơ vẫn hăng say lao động
Nhắc nhớ lại thời binh lửa thuở trước, đôi mắt “dũng sỹ” Hồ Mơ ánh lên niềm tự hào khôn xiết. Hồi ấy, chàng trai trẻ Hồ Mơ vừa tròn 17 tuổi, là một trong những thanh niên cường tráng của bản Hê Lơ, giáp đất bạn Lào thuộc xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, bản làng bị tàn phá nên Hồ Mơ sớm nuôi chí căm thù giặc, một lòng đi theo cách mạng. Vào tháng 4/1964, nhờ sự mưu trí, dũng cảm, lại lập được nhiều chiến công nên Hồ Mơ được tín nhiệm giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng B45 – K54, thuộc Quân khu Trị Thiên - Huế.
“Chiến tranh không chừa một bản làng, ngõ xóm nào cả, đạn pháo địch ngày đêm cứ nã mịt mùng, tai ương gieo rắc khắp nơi. Lúc ấy, mình là người có sức khỏe, có sự lanh lợi thì càng phải cùng đồng bào đứng lên chiến đấu giành lại độc lập”, già Mơ quả quyết.
Trong một trận kịch chiến với địch vào mùa xuân năm 1969, khi mặt trận Đường 9 – Nam Lào bước vào giai đoạn ác liệt nhất, Hồ Mơ không may bị thương nặng nên phải di chuyển ra miền Bắc để điều trị. Suốt nhiều năm ròng rã, luân chuyển qua nhiều bệnh viện, trạm quân y khác nhau, đến năm 1981, Hồ Mơ trở về quê hương, mang trong mình thương tật 34% và vĩnh viễn mất một nửa ống chân vì bom đạn chiến tranh. Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương cũ lại đau nhức, việc đi lại của già gặp nhiều khó khăn, vất vả. Tuy vậy, già Mơ vẫn tiếp tục tham gia vào những công việc khác, phục vụ cho quân đội cho đến năm 1985 thì về nghỉ hưu.
Trăn trở với rừng
Đến giờ, dẫu đã ngót mấy chục mùa rẫy song ký ức về những ngày đầu về sống ở thôn Prin C vẫn còn vẹn nguyên trong lòng già Mơ. Lúc đó, già phải làm đủ việc để mưu sinh. Dù quần quật cả ngày mà cái đói cái nghèo vẫn đeo đẳng, vây ráp. Thế nhưng, bằng nghị lực phi thường và cần cù chăm chỉ, già đã miệt mài khai hoang đất đai ở thung lũng, đào mương dẫn nước từ các khe suối quanh đó về để sản xuất nông nghiệp.
Khi cây lúa, cây rau phủ xanh khắp các thửa ruộng, triền nương, đời sống cũng ổn định hơn thì già Mơ cùng vợ con lại bắt tay vào công cuộc làm hồi sinh lại những mảng rừng bị tàn phá. “Mỗi lần chứng kiến cảnh rừng bị “chảy máu”, tận diệt, là một người con của núi rừng, tôi đau lòng lắm. Nhiều lần tôi phải chui vào rừng vào rú, rình đuổi lâm tặc và tháo dỡ bẫy thú rừng. Sau thấy đi lại bất tiện và việc trông nom cũng khó hiệu quả, thế là tôi quyết định dựng nhà ở luôn trong rừng để tiện cho việc trông nom, bảo vệ”, già Mơ tâm sự.
Chính vì ý nghĩ đó nên ngay cả khi xây dựng ngôi nhà, già Mơ cũng cố gắng thiết kế sao cho tiện bề quan sát nhất. Cả bốn bức tường đều có cửa nhìn ra phía rừng thiêng. Chỉ tay qua ô cửa sổ về phía khoảng rừng xanh rì phía trước, già Mơ kể: “Dạo trước, rừng ở A Dơi bạt ngàn nhưng rồi bom đạn chiến tranh đã cày xới tan hoang. Rồi lại bị lâm tặc phá nát, bị đồng bào phá đốt làm nương rẫy vì tập tục canh tác lạc hậu nên diện tích cứ dần thu hẹp lại, chỉ còn lác đác những cây nhỏ, cỏ dại. Hơn nữa lau lách mọc cao vút che hết ánh sáng nên khiến cây mới cũng rất khó đâm chồi, rừng non lại càng khó mọc”.
Để lấy không gian cho cây đâm chồi nảy lộc, vợ chồng già Mơ cùng các con cầm cuốc, rựa quần quật suốt ngày để phát quang lau cỏ. Nhưng sức người có hạn, dù có cố thì kết quả thu được cũng hết sức hạn chế. “Cái khó ló cái khôn”, già Mơ liền nghĩ ra cách lùa trâu, bò vào một khoảnh rừng đã rào sẵn để cho chúng ăn sạch cỏ, hết khoảnh này đến khoảnh khác nên chẳng mấy chốc mà những gốc cây ở đó đã hồi sinh, đâm chồi xanh mơn mởn.
“Ngày mới vỡ đất khai hoang, khi mặt trời còn chưa mọc là cả nhà tôi lại chuẩn bị vài củ sắn, quả ngô rồi dắt díu nhau vào rừng. Vất vả, lam lũ lắm. Rừng thì hoang vu, quanh đi quẩn lại chỉ làm bạn với cây cối, chim muông, buồn đứt ruột. Nhiều người thấy thế liền bảo tôi là “lão gàn”, nhưng tôi kệ. Cứ nghĩ trời không phụ lòng người nên cứ thế mà cố gắng thôi”, già Mơ nhớ lại.
Cứ thế, hàng chục năm qua, già Hồ Mơ như người “kiểm lâm” tận tụy ngày đêm canh giữ, bảo vệ những cánh rừng, không cho ai chặt phá, hủy hoại. Vừa làm ông vừa nhắc nhở, vận động bà con trong bản làm theo nên được mọi người rất đồng tình hưởng ứng, tình trạng chặt phá làm rẫy hay cháy rừng cũng chấm dứt.
Hết lòng với cộng đồng
Không ra sức bảo vệ màu xanh của núi rừng, mà từ nhiều năm nay, già Mơ còn là nơi nương tựa của nhiều đứa trẻ mồ côi. Cái duyên cưu mang, nuôi nấng trẻ mồ côi đến với già cũng khá tình cờ, bắt đầu từ năm 1980. Thời đó, bản làng của già nghèo lắm, nạn đói hoành hành triền miên. Để có cái ăn, từ người già đến trẻ nhỏ phải quăng quật suốt ngày trên nương rẫy từ tinh mơ đến sẩm tối. Năm nào trời thương thì có bữa sắn độn cơm, gặp năm mất mùa thì sắn hay măng rừng cũng khó kiếm. Bởi vậy, miếng ăn chưa đủ, manh áo chẳng lành khiến sức khỏe của bà con không được đảm bảo, nhiều cặp vợ chồng đổ bệnh lại không có thuốc men chữa trị kịp thời nên qua đời.
Cựu chiến binh Hồ Mơ: “Tôi là người đông con cháu nhất bản”
Cha mẹ mất đi để lại những đứa con nheo nhóc “cù bất cù bơ”, không nơi nương tựa, thậm chí có những đứa còn bị bỏ rơi ngay từ lúc mới lọt lòng. Chúng lang thang như con thú giữa rừng rú kiếm ăn, vạ vật bạ đâu ngủ đó. Thấy vậy, già Mơ động lòng thương xót, rồi khăn đùm khăn gói lội suối băng rừng đến bồng bế từng đứa về nuôi dưỡng như con đẻ. Trong sự kham khổ thiếu thốn trăm bề, cả gia đình già đùm bọc, chia sẻ với nhau từng củ sắn, củ mài, bữa rau, bữa cháo đạm bạc qua ngày.
“Cả bản làng, tôi là người đông con cháu nhất, đứa nào cũng chăm ngoan và sống tử tế. Tôi thương chúng như con ruột, chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ. Bây giờ đến lúc chúng đủ lông đủ cánh ra đời bươn chải rồi nhưng tôi vẫn còn lo lắm. Mỗi một mùa rẫy mà bọn trẻ không về là nhớ quay nhớ quắt, đứng ngồi không yên”, già Mơ bộc bạch.
Tính từ năm 1980 đến nay, già Mơ đã chăm nuôi cho 17 trẻ mồ côi cha mẹ, trong đó có những trẻ ở các bản làng bên nước bạn Lào, có bà con, họ hàng với người Việt. 17 đứa là 17 câu chuyện khác nhau nhưng tựu chung đều giống nhau ở chỗ: Chúng đều có quá khứ bất hạnh, tủi buồn. Bởi vậy, khi đưa chúng về, già Mơ luôn tìm cách để bù đắp tình cảm cho các con, đứa nào cũng được chăm bẵm, nuôi nấng và cho ăn học tới nơi tới chốn. Đến khi các con đã trưởng thành, già lại đứng ra dựng vợ gả chồng rồi cho mỗi đứa con một nếp nhà sàn, cho trâu bò để lấy vốn làm ăn.
“Mình sống ở đời phải có cái tình người chứ đâu phải vô tri như cục đá, viên sỏi lăn lóc được. Thấy con cháu sống vui vẻ, thành người, lại biết yêu thương đùm bọc nhau là bố vui cái bụng lắm rồi. Đời bố thế là trọn vẹn”, già Mơ tâm sự.
Để phát triển kinh tế gia đình và có thêm đồng ra đồng vào, chăm lo cho những đứa con, ngoài trồng rừng, già Mơ rất tích cực đầu tư thâm canh trồng lúa nước. Bên cạnh đó, tận dụng tiềm năng đồng cỏ sẵn có, già còn mở rộng chăn nuôi trâu bò, lợn gà, rồi trồng thêm cây hồ tiêu, cà phê… Nhờ sự cần cù chịu thương chịu khó cộng với sáng bụng trong làm ăn nên gia đình già không những có của ăn của để mà còn tham gia giúp đỡ bà con trong bản có hoàn cảnh khó khăn. Để cho bà con thuận tiện trong việc di chuyển, già sẵn sàng bỏ tiền ra để mở đường, hay mỗi khi nghe tin nhà nào bị mất mùa hay đói kém, già lại bảo các con đem tiền, gạo đến từng hộ để cứu trợ; đem con, cây giống để giúp họ gây dựng lại cơ nghiệp.
Giờ, mỗi khi đứng nhìn những cánh rừng xa xanh thẳm, lòng già Mơ lại ngập tràn hạnh phúc. Từ hai bàn tay trắng, già đã từng bước bắt “đất cằn phải nở hoa”. Và, vùng đất biên cương nắng gió trên đỉnh Trường Sơn này cũng trân trọng và biết ơn lắm người cựu chiến binh “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”, hết lòng vì bản làng và cộng đồng dân tộc mình như Hồ Mơ. Cuộc đời già là nối dài những cống hiến vì sự bình yên và phát triển của vùng đất biên viễn xa xôi, khuất nẻo này từ những ngày bị áp bức đến quá trình đấu tranh cách mạng và trong cả công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội ngày nay. Già chả khác gì một “cây đại thụ” ở miền Tây Quảng Trị.