Báo chí tích cực tuyên truyền có hiệu quả về phát triển kinh tế biển, đảo
Đời sống - Ngày đăng : 13:17, 21/06/2018
Báo chí cũng góp phần cổ vũ tinh thần yêu nước, khơi gợi lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức đấu tranh bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè và dư luận quốc tế.
Là người có nhiều năm nghiên cứu và là tác giả của công trình nghiên cứu "Báo chí với kinh tế biển, đảo", PGS.TS Dương Xuân Sơn - Khoa Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công lý về vấn đề này.
PGS.TS Dương Xuân Sơn
PV: Ông đánh giá thế nào về nội dung và phương thức truyền tải thông tin của báo chí trong phát triển kinh tế biển, đảo những năm qua?
PGS.TS Dương Xuân Sơn: Qua kết quả nghiên cứu nội dung thông tin được đăng tải trên các báo trong thời gian qua, tôi thấy khá phong phú và đa dạng, từ chủ đề, đề tài, hình thức thể hiện và phong cách thể hiện. Các báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình và trang thông tin điện tử có nhiều bài viết về phát triển kinh tế biển, đảo như: đánh bắt - nuôi trồng - chế biến hải sản; du lịch biển đảo; kinh tế hàng hải; thông tin liên lạc; tài nguyên môi trường… Mục đích của những thông tin trên giúp cho công dân hiểu và nhận thức đúng về phát triển bền vững kinh tế biển, đảo, từ đó có những hành động thực tế.
Ngoài ra, các cơ quan báo chí cũng kịp thời thông tin tuyên truyền, phổ biến, giải thích chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách phát triển đánh bắt hải sản, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản trên các vùng biển xa; về các giải pháp phát triển vận tải biển; phát triển cảng biển và dịch vụ hàng hải; hỗ trợ vốn, đóng tàu công suất lớn, đóng tàu vỏ thép, lắp đặt các thiết bị thông tin liên lạc; các hình thức chế biến, hướng dẫn bảo quản, cảnh báo về vệ sinh an toàn thực phẩm; cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch, thương hiệu du lịch biển đảo; vấn đề được mùa, mất mùa; vấn đề đầu ra, giống, giá cả, dịch bệnh; vấn đề lọc hóa dầu;...
Hình thức truyền tải trên các phương tiện truyền thông khá sinh động và hấp dẫn, nhanh, mới, kịp thời như: tin, bài phản ánh, phóng sự, ký sự, điều tra, phỏng vấn, bình luận… và một số thể loại mang tính chất nghiên cứu sâu của chuyên gia hoặc của người trực tiếp quản lý chính lĩnh vực đó như bài chuyên luận, bài nghiên cứu có chiều sâu và có tính thực tiễn cao. Cách thể hiện cũng khá phong phú, dễ tiếp cận như: ảnh, inforgraphics, video, phát thanh…
PV: Vai trò của báo chí có ý nghĩa như thế nào trong việc phát triển kinh tế biển, đảo, thưa ông?
PGS.TS Dương Xuân Sơn: Thông tin báo chí đã góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân về khó khăn và lợi thế của biển đảo, cổ vũ tinh thần vượt khó, ý chí làm giàu, làm cho người dân Việt Nam thấy được vị trí, vai trò, tiềm năng thế mạnh và tầm quan trọng của biển, đảo Việt Nam, thấy được nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo; nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế biển, đảo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống vùng biển, ven biển, việc nuôi trồng đánh bắt, khai thác nguồn lợi thủy hải sản. Đồng thời, báo chí cũng thông tin về quan hệ hợp tác, trao đổi giữa các địa phương với nhau, giữa địa phương với Trung ương, giữa địa phương với nước ngoài và ngược lại. Các mối quan hệ hợp tác, trao đổi này góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nguồn lực và hành động chung để phát triển kinh tế biển.
Báo chí góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền về biển, đảo
Báo chí cũng kịp thời thông tin những kiến thức về luật biển; về các lực lượng hải quân, hải giám, cảnh sát biển; thời tiết biển; cứu hộ cứu nạn; khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên biển. Báo chí còn tập trung tuyên truyền về những định hướng phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường và hệ sinh thái... Đây là những thông tin quan trọng, cần thiết giúp cho các hoạt động kinh tế biển phát triển, duy trì sinh kế bền vững, lâu dài cho ngư dân, bảo đảm phát triển bền vững ở các địa phương và trong cả nước.
Từ những định hướng, thông tin đã và đang góp phần hướng tới những nhận thức toàn diện, sâu sắc hơn về vị trí, tầm quan trọng của biển, tiềm năng phong phú đa dạng của biển và vai trò của báo chí, đồng thời góp phần xây dựng luận cứ khoa học của công tác tuyên truyền về chủ quyền quốc gia trên biển cũng như việc hoạch định chủ trương, chính sách khai thác tài nguyên biển, phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng đã xác định: “Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển ¬kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sớm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển trong khu vực, gắn liền với đảm bảo quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế”.
PV: Theo ông thì tần suất, tính thời sự của thông tin báo chí trong phát triển kinh tế biển đảo nói riêng và bảo vệ chủ quyền biển đảo nói chung như thế nào? Sự đón nhận từ công chúng ra sao?
PGS.TS Dương Xuân Sơn: Thông tin báo chí thời gian qua luôn bám sát với tình hình thực tế, tần suất đều đặn và theo sự kiện, như: thời tiết, giá cả thị trường thủy hải sản, môi trường, đánh bắt, hàng hải, thông tin liên lạc, du lịch đến vấn đề lãnh hải, thềm lục địa…Đặc biệt nhất là trong những diễn biến nóng liên quan đến vấn đề Biển Đông và tranh chấp, báo chí luôn đưa những thông tin chính thống, bám sát vào văn bản luật, trong đó dựa vào Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam 2012. Ngoài ra những thông tin đối ngoại, đầu tư, hợp tác của Nhà nước, tạo sự quan tâm, gây chú ý dư luận trong và ngoài nước, công chúng rất mong chờ và đánh giá cao thông tin báo chí mang lại về mặt chủ quyền, về mặt khai thác. Đối với người dân chỉ có báo chí mới lên tiếng. Mặt khác, chính nhờ có thông tin báo chí mà người dân cũng đỡ để xảy ra những hậu quả và vi phạm.
PV: Là nhà nghiên cứu đã có nhiều đề tài về báo chí với vấn đề biển đảo, theo ông, báo chí cần phải làm gì để phát huy vai trò thông tin trong phát triển kinh tế biển, đảo?
PGS.TS Dương Xuân Sơn: Theo tôi, các cấp lãnh đạo từ Trung ương tới địa phương cần nhận thức đúng, đầy đủ tầm quan trọng, cần thiết của phát triển kinh tế biển để chỉ đạo sát sao các cơ quan, ban ngành, người dân, trong đó có báo chí.
Lãnh đạo các cơ quan báo chí cần có chiến lược truyền thông lâu dài đối với việc phát triển kinh tế biển. Mở chuyên mục hoặc tăng thời lượng phát sóng về phát triển kinh tế biển trên báo, đài, góp phần quan trọng vào công tác tuyên truyền nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Cùng với đó, cần nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng tác nghiệp cho phóng viên, biên tập viên, trau dồi về nghiệp vụ, kiến thức, trau dồi về bản lĩnh… Không ngừng xây dựng chiến lược nội dung tin, bài, hình ảnh, chương trình phát thanh, truyền hình và các sản phẩm truyền thông khác về phát triển kinh tế biển một cách ổn định, lâu dài, có tính định kỳ.
Tăng cường các sản phẩm báo chí có tính ứng dụng cao, thiết thực, cụ thể. Sáng tạo, đa dạng hóa hơn trong thể hiện nội dung, hình thức. Tăng cường trao đổi, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm công tác thông tin và truyền thông trong các cơ quan báo chí, các Viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo... Đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí và nhân lực cho các cơ quan báo chí để thực hiện tốt nhất công tác thông tin và truyền thông về phát triển bền vững kinh tế biển.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!