Vững vàng qua từng trang viết

Đời sống - Ngày đăng : 10:23, 21/06/2018

Sau một thời gian gắn bó với nghiệp cầm bút, dành thời gian nhìn lại những bức hình, đọc lại những trang viết từ thuở mới chập chững vào nghề, tôi chợt nhận ra báo chí là hơi thở, là mồ hôi, là dấu ấn của một quá trình trưởng thành không hề dễ dàng.

Từ lúc còn là sinh viên, tôi đã từng tưởng tượng về công việc của một anh phóng viên trong tương lai với cây bút hừng hực sức trẻ, những chuyến đi kỳ thú và những bài báo đăng liên tiếp nhiều tuần.

Vững vàng qua từng trang viết

Đường lên 3 bản Xí Nọi, Ché Lầu, Mùa Xuân của huyện Quan Sơn 

Thế nhưng, tất cả đều không như tưởng tượng. Với cây bút còn non trẻ, chưa có kinh nghiệm trong việc chọn lọc thông tin, và rất nhiều những khó khăn khác, những bài báo của tôi được đăng với số lượng vô cùng ít ỏi. Những chuyến công tác lên miền núi Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh… trên những con đường đất đỏ triền miên, lún sâu, dẻo quạnh, đi xe cũng không được mà đi bộ cũng chẳng xong. Thời tiết thì chẳng mấy khi chiều lòng người. Có đôi khi tôi nghe được mùi khói, mùi khét lẹt bốc lên từ chính bản thân mình. Những con đường chảy nhựa, những cơn mưa rừng, giông gió, heo hút.

Bạn có nghĩ rằng, theo nghề báo, đi cơ sở tác nghiệp sẽ có người đi cùng, có phương tiện đưa đón chăng? Tôi cũng từng nghĩ như vậy. Nhưng, chẳng có ai ngoài bạn có nghĩa vụ chịu trách nhiệm thực hiện đề tài cùng bạn với tòa soạn và độc giả. Những cung đường đi cũng dần xa hơn gắn liền với nó là những chuyến đi thực tế nhiều ngày. Trước đây, đi xe một mình quãng đường khoảng 30km tôi đã thấy quá xa và mệt mỏi. Vậy mà giờ đây, 100km, 200km… tôi vẫn cứ bon bon như bay.

Nhớ có lần đi bản Mùa Xuân, Xí Nọi, Ché Lầu (Quan Sơn), cung đường khúc khuỷu, dốc ngược, lầy lội, có những đoạn phải tự mở đường để đi, xe lúc nào cũng cài ở chế độ số một mà tôi cùng người bạn chỉ nhích từng mét. Vừa đi, tôi vừa nghĩ như mình đang lạc vào cung đường của đoàn quân Tây Tiến năm nào: Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm! Lên đến bản Mông rồi tôi mới biết rằng chỉ cần đi bộ vài km đường rừng nữa thôi chúng tôi sẽ sang thăm nước bạn Lào, chao ôi! Rồi thì chuyến đi Mường Lát với ông anh cùng cơ quan, trời trưa nắng tháng 6, chúng tôi “phượt” dài trên tuyến đường toàn đá lởm chởm, thì xe thủng lốp giữa đại ngàn. Nơi sóng điện thoại không, người dân không. Quyết định nhanh chóng đó là xe cứ còn xăng là chạy. Bốn tiếng sau, chúng tôi mới đến một bản gần nhất để tìm chỗ sửa xe. Sương khói miền ngược khiến chúng tôi không khỏi thích thú. Những đỉnh núi mây mờ che phủ, khí hậu bốn mùa diễn ra trong một ngày… Và rồi cơn mưa miền núi bất chợt kéo đến nhưng cứ lai rai chẳng chịu tạnh khiến chúng tôi không khỏi lo ngại về cung đường tiếp theo để lên thị trấn. Đúng là “Mường Lát không xa xôi” như lời ông anh đi cùng tôi nói khi chúng tôi đi qua “Cổng trời”.  Cứ thẳng tiến, rồi qua cầu Trường Nưa, vòng quanh nhưng chân núi cao ngắm thượng nguồn sông Mã: sóng bọt cuộn đỏ, thác nước gầm gào suốt ngày đêm chứ không êm xuôi như hạ nguồn dưới xuôi.

Vững vàng qua từng trang viết

Nhóm PV leo rừng xuyên đêm để đến các bản Son Bá Mười (Bá Thước)

Tất cả những khó khăn ấy đã từng khiến một tân phóng viên như tôi cảm thấy chùn bước. Tôi đã từng ngồi suy nghĩ bên cốc cà phê đã nguội tanh, một bên là trang viết còn dang dở, rằng liệu mình có thể tiếp tục cái nghiệp báo này nữa không. Thế rồi, chỉ một cuộc gọi từ đồng nghiệp, tôi lại xách cái máy ảnh và phóng như bay đến nơi tác nghiệp, chẳng kịp nhớ rằng mình đã suy nghĩ đến đâu.

Vậy đấy, có lẽ cái nghiệp báo chí nó đã ngấm vào máu thịt của tôi lúc nào không hay. Khi đã trở thành máu thịt, tôi đã quen dần với những cung đường máu lửa, những trận thiên tai nơi cửa rừng, tôi bắt đầu cảm nhận được nhịp đập nhiệt huyết của trái tim như thuở còn là chàng sinh viên trường báo. Những chuyến đi nhiều hơn, được gặp gỡ và tìm hiểu về cuộc sống của các bà con vùng cao, miền biển, vùng khó khăn, những trường hợp có khả năng đặc biệt, những kỳ tích, những niềm vui, nỗi buồn của hàng ngàn những con người tôi được gặp khiến tôi ngày một trưởng thành hơn: Trưởng thành từ cả tâm hồn lẫn vẻ ngoài. Chính cái nắng, cái gió miền Trung đã tôi luyện và bao bọc tôi, dẫn dắt trên từng bước đường tôi trưởng thành.

Vững vàng qua từng trang viết

PV tìm hiểu phong tục, tập quán của người dân tộc miền núi Thanh Hóa

Đến giờ phút này, tôi không còn nghi ngờ gì nữa về con đường mình đã chọn. Cái tôi cần làm giờ đây là tiếp tục cố gắng rèn luyện, phấn đấu, với ngòi bút luôn luôn rực lửa và một trái tim đầy nhiệt huyết. Nếu để viết lại những gì đã trải qua trên con đường tập làm “Nhà báo” nhiều vô kể. Có những khó khăn, vất vả và nhen nhóm những ý nghĩ từ bỏ. Nhưng tôi thấy mình thực sự đã trưởng thành nhiều hơn sau những năm tập sự.

Thành Phan