Cán bộ Gia Lai xuống Bình Định làm việc sẽ được hỗ trợ ra sao?
Ngày 27/5, Sở Tài chính tỉnh Bình Định đã có văn bản góp ý gửi Sở Tài chính tỉnh Gia Lai, liên quan đến dự thảo chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Theo đó, sau khi tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định sáp nhập, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ Gia Lai được điều động về công tác tại trung tâm hành chính mới đặt tại TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) sẽ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng để chi trả tiền thuê chỗ ở, trong trường hợp chưa được bố trí nhà công vụ.
Sở Tài chính tỉnh Bình Định cho hay, mức đề xuất 1,5 triệu đồng/người/tháng được xây dựng trên cơ sở tham khảo nhiều yếu tố, trong đó có mức giá thuê nhà công vụ cũ tại địa phương. Cụ thể, đối với nhà ở công vụ có diện tích sử dụng khoảng 70m², giá thuê hiện nay là hơn 900.000 đồng/tháng.
Ngoài ra, chính sách hỗ trợ ngành y tế trên địa bàn trước đây cũng chỉ dừng ở mức 1 triệu đồng/người chưa có nhà ở. Tuy nhiên, mức này đã được áp dụng từ năm 2015 và hiện không còn phù hợp với giá thị trường.

Từ các dữ liệu nói trên, Sở Tài chính tỉnh Bình Định cho rằng, mức 1,5 triệu đồng là cần thiết, nhằm hỗ trợ người lao động yên tâm công tác tại trung tâm hành chính mới sau sáp nhập.
Đối với chi phí đi lại, Sở Tài chính Bình Định thống nhất với dự thảo của Sở Tài chính Gia Lai, theo đó hỗ trợ 1,6 triệu đồng/người/tháng, căn cứ tính toán 8 lượt đi - về mỗi tháng, mỗi lượt 200.000 đồng.
Riêng về chi phí sinh hoạt, Sở Tài chính Bình Định đề xuất không quy định nội dung hỗ trợ, do hiện chưa có quy định cụ thể từ Trung ương về nội dung này.

Thời gian áp dụng chính sách hỗ trợ được đề xuất đến hết năm 2025. Từ năm 2026 trở đi, căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức phân bổ và dự toán ngân sách được Trung ương giao, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai mới sẽ tiếp tục rà soát, tham mưu đề xuất điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
Về chính sách đối với cán bộ cấp tỉnh điều động về cấp xã, sau khi hoàn tất sáp nhập, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai mới sẽ tổ chức rà soát các nghị quyết đã được Hội đồng nhân dân hai tỉnh ban hành trước đó, từ đó tham mưu chính sách phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tế địa phương.
Trước đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định đã phê duyệt chủ trương đầu tư gần 20 tỷ đồng để cải tạo Nhà khách Thanh Bình tại TP Quy Nhơn. Đây sẽ là nơi đón tiếp, bố trí chỗ ở cho cán bộ, công chức từ Gia Lai chuyển về công tác sau sáp nhập.
Theo phương án được thống nhất, sau sáp nhập, tỉnh mới sẽ mang tên Gia Lai, với trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định hiện nay).
Tỉnh Gia Lai mới có diện tích 21.576 km², dân số hơn 3,5 triệu người, với 135 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 110 xã và 25 phường).
Tổng số cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh được bố trí tiếp tục công tác dự kiến là 17.228 người, số người nghỉ chế độ theo quy định là 1.276 người.