Đời sống

Khi thời tiết viết lại lịch mùa vụ

Quang Anh 27/05/2025 - 06:54

Giữa tháng 5, khi miền Trung đang vào “giáp hạt”, Hà Tĩnh bất ngờ hứng chịu lũ trái mùa, nhấn chìm các cánh đồng, cuốn trôi vụ mùa và thay đổi nhịp sống canh tác lâu đời của người dân. Thiên nhiên dường như đang viết lại lịch mùa, kéo theo nhiều lo ngại và hoang mang.

Lúa chín chìm trong biển nước

Mưa xối suốt 3 ngày đêm, nước dâng bất ngờ như một cú đánh úp. Trong tích tắc, những cánh đồng vàng óng biến thành biển nước. Nhiều hộ dân vừa thu hoạch xong, chưa kịp phơi thì những bao lúa đã chìm trong nước, lên mùi,mục nát.

anh-chup-man-hinh-2025-05-26-luc-15.53.57.png
Ruộng lúa chín vàng chìm trong biển nước

Theo thống kê sơ bộ của Sở Nông nghiệp – Môi trường tỉnh Hà Tĩnh, chỉ 3 ngày mưa lớn kéo dài đã khiến cho 2.250 ha lúa xuân chưa thu hoạch của người dân bị ngập; 2.076 tấn lúa đã thu hoạch bị ướt, hàng chục hộ dân phải sơ tán, nhiều đoạn đường liên xã bị chia cắt.

anh-chup-man-hinh-2025-05-26-luc-16.37.00.png
Những cánh đồng "hy vọng" chờ nước rút sớm

Chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Lý (65 tuổi, xã Thạch Xuân, Thạch Hà) trong lúc ông đang bới đống rơm ngập nước để tìm ít lúa còn sót lại. Khuôn mặt nhăn nheo, ông buồn bã: “Chưa bao giờ lúa chín mà lại ngập sâu như vậy, mọi năm phải tầm tháng 9, tháng 10 mới có lũ, ai ngờ nay giữa hè tháng 5 mà cũng lũ”.

anh-chup-man-hinh-2025-05-26-luc-15.55.38.png
Những cánh đồng "mất trắng"

“Lúa vừa gắt xong, chưa kịp phơi thì nước đã lên. Nhà tui mất gần 30 bao. Ướt hết, chua rồi, có khi đem nấu cho lợn ăn còn chê”, ông Trần Huy Truyền (Thạch Xuân, Thạch Hà) ngán ngẩm.

Lũ trái mùa - dấu hiệu bất thường

Theo Đài khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh, nguyên nhân gây mưa lớn diện rộng là do tương tác giữa không khí lạnh yếu và gió Tây Nam ẩm, kết hợp với điều kiện địa hình dồn tụ mây. Đây là hiện tượng khí hậu hiếm gặp trong tháng 5, vốn là thời điểm chuyển sang mùa khô ở miền Trung.

anh-chup-man-hinh-2025-05-26-luc-16.38.41.png
Phải chăng dòng chảy tự nhiên đã bị đảo lộn?

Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng hiện tượng lũ trái mùa sẽ không còn là chuyện bất ngờ nếu nhìn trong bối cảnh biến đổi khí hậu và mất cân bằng sinh thái kéo dài. Nạn phá rừng đầu nguồn, phát triển thủy điện “cóc” thiếu kiểm soát và đô thị hoá nhanh chóng đã khiến dòng chảy tự nhiên bị đảo lộn.

Ông Lý thở dài: “Có thể do rừng không còn nữa, mưa lớn thì nước chẳng còn chỗ ngấm, cứ rứa mà đổ xuống thôi. Lũ về giữa mùa hè có khi không còn là chuyện lạ nữa”.

Sau cơn lũ, người dân lại tất tả khơi mương, mang theo cào ra ruộng lúa chưa thu hoạch để vớt rơm rạ, bèo tây nổi trên mặt ruộng để cứu diện tích lúa chưa kịp thu hoạch.

anh-chup-man-hinh-2025-05-26-luc-15.54.41.png
Dù gặp phải thời tiết cực đoan, người dân vẫn không từ bỏ

Tại xã Thạch Đài, chính quyền huy động lực lượng hỗ trợ người dân sau khi nước rút, dù trời vẫn còn mưa nhưng các hộ dân nơi đây đã không còn trong tình cảnh nước “tìm vào tận trong nhà”.

Anh Dương Xuân Tuấn (Thạch Đài) cho biết: “Chúng tôi may mắn gặt được một phần ruộng, đã kịp phơi 1 ngày, giờ còn 2 ruộng dự tính được khoảng 40 bao lúa đang ngập trong nước, nếu mưa tiếp tục thì xác định phần lúa đó hỏng. Nhưng biết sao được, mất rồi thì cấy lại thôi, mình mà bỏ ruộng thì ruộng cũng bỏ mình”.

anh-chup-man-hinh-2025-05-26-luc-17.25.48.png
Dù thiệt hại lớn nhưng tinh thần người dân vẫn rất kiên cường

Trận lũ giữa tháng 5 ở Hà Tĩnh không đơn thuần là hiện tượng thời tiết bất thường. Nó là dấu hiệu rõ rệt cho một thực tế đáng báo động: thiên nhiên đang thay đổi nhanh hơn khả năng thích ứng của con người.

Trong khi chờ đợi các chính sách lớn về phòng, chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu, người dân nơi đây với tinh thần lao động bền bỉ, vẫn đang gắng gượng bước tiếp, viết lại lịch mùa bằng chính đôi tay của mình.

Quang Anh