Vấn đề quan tâm

Đề xuất bỏ kiểm định giáo dục mầm non, phổ thông thường xuyên

Nguyễn Cúc 27/05/2025 - 06:33

Một trong những điểm nhấn quan trọng trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục là bỏ yêu cầu kiểm định giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên thông qua tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.

1.jpg
Ảnh minh họa_ Nguồn: TTXVN
Theo cơ quan soạn thảo, sau hơn bốn năm triển khai thực hiện, Luật Giáo dục 2019 đã tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, quá trình thực thi cũng bộc lộ những điểm nghẽn, bất cập cần được điều chỉnh nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất và hiệu quả của hệ thống pháp luật liên quan đến giáo dục.

Trên tinh thần đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, nhằm thể chế hóa chủ trương lớn của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế.

Một trong những điểm nhấn quan trọng trong Dự thảo là việc sửa đổi, bổ sung Điều 6 về hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế (ISCED 2011 của UNESCO). Hệ thống giáo dục được xác định gồm bốn cấp học: Giáo dục mầm non; Giáo dục phổ thông; Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục đại học.

Đặc biệt, trung học nghề được bổ sung là một cấp học chính thức, thay thế cho loại hình trường trung cấp trước đây. Trong khung chương trình trung học nghề, học sinh có ba lựa chọn: tiếp tục học THPT, học trung học nghề với chứng chỉ sơ cấp hoặc trung học nghề với chứng chỉ trung cấp nghề. Đây được kỳ vọng là giải pháp tháo gỡ nút thắt trong hoạt động phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, đồng thời tạo cơ hội học tập linh hoạt, thực chất cho người học.

Dự thảo Luật sửa đổi tập trung điều chỉnh và bổ sung 15 điều, sửa kỹ thuật 15 điều khác, cùng nhiều khoản, điểm liên quan đến các nội dung cốt lõi như: văn bằng, chứng chỉ; phổ cập và giáo dục bắt buộc; sách giáo khoa và tài liệu địa phương; công nhận chương trình và cấp bằng tốt nghiệp; xác nhận văn bằng nước ngoài...

Đáng chú ý, Dự thảo đặt mục tiêu xây dựng nền giáo dục mở, linh hoạt, thực học, thực nghiệp, hướng đến việc “dạy tốt, học tốt, quản lý tốt”; đảm bảo cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn liền với xây dựng xã hội học tập suốt đời.

Một điểm tiến bộ được xã hội quan tâm là đề xuất miễn học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông trong trường công lập; đồng thời hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh trong các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục (Điều 99).

Cùng với đó, Dự thảo cũng hướng đến đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm bớt gánh nặng về giấy tờ trong quá trình tổ chức và hoạt động giáo dục. Điển hình là các cải cách liên quan đến cấp bằng tốt nghiệp THCS, điều kiện thành lập/sáp nhập nhà trường, và loại bỏ yêu cầu kiểm định cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên qua tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.

Một trong những định hướng quan trọng là điều chỉnh 69 thủ tục hành chính đang được công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia, với nguyên tắc phân cấp, phân quyền rõ ràng. Theo đó, vai trò điều hành, giám sát của Chính phủ và Bộ GD&ĐT được giữ vững, đồng thời trao quyền chủ động, linh hoạt hơn cho chính quyền địa phương, giảm áp lực lên các cơ quan trung ương.

Không chỉ tập trung vào tính cập nhật, Dự thảo còn hướng tới bảo đảm tính ổn định của Luật Giáo dục, tránh việc sửa đổi liên tục, gây xáo trộn chính sách và khó khăn trong triển khai ở cơ sở.

Nguyễn Cúc