Đề xuất nhiều đổi mới trong tương trợ tư pháp dân sự
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, chiều 26/5, đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tương trợ tư pháp về dân sự.
Trình bày Tờ trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, dự án luật gồm 4 chương, 36 điều; Quy định nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong hoạt động này và áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự với Việt Nam.

Dự án luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Tương trợ tư pháp hiện hành và cụ thể hóa các chính sách xây dựng luật đã được phê duyệt.
Đồng thời, thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về hội nhập quốc tế, cải cách pháp luật và tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền, bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tư pháp.
Dự án cũng nhằm khắc phục các hạn chế trong công tác tương trợ tư pháp về dân sự, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và bám sát chỉ đạo của lãnh đạo trong đổi mới tư duy lập pháp.
Dự án luật đã được sự nhất trí của các bộ, ngành; thống nhất về cơ cấu, bố cục với 3 dự án luật còn lại được tách ra từ Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 là: Luật Tương trợ tư pháp về hình sự; Luật Dẫn độ; Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Dự án luật quy định nhiều nội dung mới như: ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ; quy định điều kiện áp dụng pháp luật nước ngoài khi chưa có điều ước quốc tế; miễn hợp pháp hóa lãnh sự trong một số trường hợp.
Các quy định mới này được kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân liên quan.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tương trợ tư pháp về dân sự.
Về thẩm quyền thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự, đa số ý kiến trong ủy ban tán thành giao Tòa án nhân dân khu vực thực hiện yêu cầu để thúc đẩy phân cấp, phân quyền.

Liên quan đến đề xuất cho phép "doanh nghiệp bưu chính công ích" tống đạt giấy tờ của nước ngoài, ủy ban đề nghị cân nhắc kỹ vì phương thức này đã được pháp luật quy định tương đối đầy đủ và quá trình thực hiện thời gian qua không có vướng mắc lớn.
Về ứng dụng công nghệ thông tin, ủy ban đề nghị cần quy định chi tiết, bảo đảm khả năng kết nối, liên thông và bảo mật dữ liệu khi triển khai hệ thống thông tin Tương trợ tư pháp về dân sự trong thực tiễn.
Về áp dụng pháp luật nước ngoài, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, trong đó có Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự để quy định đầy đủ, chặt chẽ, bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật.