Giáo dục

Hơn 2.700 lao động tại Ngày hội việc làm của Trường Đại học Nông lâm Huế

Ngọc Minh 24/05/2025 - 20:39

Ngày 24/5, Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế đã tổ chức khai mạc Ngày hội việc làm năm 2025. Đây là năm thứ 12 liên tiếp nhà trường tổ chức sự kiện này, thể hiện nỗ lực trong việc tạo cầu nối hiệu quả giữa sinh viên và doanh nghiệp, giúp sinh viên tiếp cận cơ hội việc làm phù hợp.

Ngày hội năm nay ghi nhận sự tham gia tuyển dụng của 30 doanh nghiệp cùng 2 chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai, hoạt động trong nhiều lĩnh vực liên quan đến các ngành nghề đào tạo của nhà trường.

unnamed-2-1102.png
Ký kết hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo

Trong đó, 18 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trực tiếp tại các gian hàng trưng bày, bên cạnh đó là nhiều đơn vị tiếp nhận hồ sơ ứng tuyển qua hình thức nộp hồ sơ trực tuyến, phù hợp với xu thế công nghệ số và tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên.

Ban tổ chức đã chuẩn bị 16 gian hàng tuyển dụng cho các doanh nghiệp, đồng thời bố trí nhiều phòng họp, giảng đường phục vụ cho hoạt động phỏng vấn trực tiếp, với hơn 2.750 chỉ tiêu tuyển dụng được đưa ra, trải đều trên tất cả các ngành học của trường.

Điểm nổi bật của Ngày hội việc làm năm nay là sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn với số lượng chỉ tiêu tuyển dụng đáng kể. Công ty Cổ phần Nông nghiệp Trường Hải (Thaco Agri) tuyển dụng đến 1.000 vị trí, Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam tuyển dụng 630 chỉ tiêu, Tập đoàn GreenFeed cần 290 lao động, và Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cũng tham gia với 200 vị trí việc làm.

Bên cạnh hoạt động tuyển dụng, Ngày hội việc làm năm 2025 còn tổ chức nhiều chương trình thiết thực như: chuỗi talk show định hướng nghề nghiệp, hội nghị hợp tác doanh nghiệp trong đào tạo, và lấy ý kiến từ các bên liên quan về việc xây dựng chuẩn đầu ra.

unnamed-3-1102.png
Rất đông sinh viên Trường Đại học Nông lâm Huế tham gia các hoạt động tại chương trình Ngày hội Việc làm năm 2025

Đặc biệt, lễ ký kết hợp tác đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp là điểm nhấn quan trọng, khẳng định định hướng đào tạo gắn liền với thực tiễn và nhu cầu thị trường lao động.

Thông qua hoạt động này, nhà trường có cơ hội lắng nghe những phản hồi, góp ý, thậm chí là phản biện từ phía nhà tuyển dụng về chất lượng đào tạo và sinh viên. Đây là những dữ liệu quý giá giúp nhà trường điều chỉnh chương trình giảng dạy, nâng cao chất lượng đầu ra, đảm bảo sinh viên không chỉ vững chuyên môn mà còn đáp ứng tốt yêu cầu kỹ năng và thái độ nghề nghiệp của các nhà tuyển dụng trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh.

Mô hình hợp tác “3 bên” giữa nhà trường – doanh nghiệp – sinh viên đang dần được khẳng định là xu thế tất yếu, giúp sinh viên định hướng rõ ràng hơn về nghề nghiệp, rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn, đồng thời giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong xây dựng đội ngũ nhân lực kế thừa.

Ngọc Minh