Tòa án địa phương

Sóc Trăng: Hiệu quả từ phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp

Xuân Phương 24/05/2025 - 16:50

Thông qua công tác phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm giữa TAND tỉnh Sóc Trăng và Ban Nội chính Tỉnh ủy Sóc Trăng đã tạo sự đồng thuận, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, góp phần đảm bảo việc giải quyết án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế oan sai, bỏ lọt tội phạm .

img_9949.jpeg
Phiên tòa rút kinh nghiệm vụ án hành chính tại TAND tỉnh Sóc Trăng

Tổ chức phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm là một trong những biện pháp thực hiện yêu cầu cải cách tư pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử, góp phần hạn chế xét xử oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Thời gian qua, TAND tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức các phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm, qua đó bồi dưỡng kỹ năng điều hành phiên tòa cho Thẩm phán.

Trong năm 2024 và 6 tháng đầu năm 2025 (tính theo năm công tác Tòa án), TAND tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức được 245 phiên tòa rút kinh nghiệm nội bộ.

Bên cạnh đó, TAND tỉnh đã phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức 2 phiên tòa rút kinh nghiệm cấp tỉnh theo tinh thần cải cách tư pháp, bao gồm 1 vụ án hình sự và 1 vụ án hành chính. Việc phối hợp được thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình, bảo đảm chất lượng và hiệu quả công tác xét xử.

img_9948.jpeg
Ông Vương Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến phiên tòa rút kinh nghiệm vụ án hành chính

Các phiên tòa và họp rút kinh nghiệm diễn ra với tinh thần nghiêm túc và cầu thị nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế. Đối với những người tham dự, thông qua phiên tòa và cuộc họp rút kinh nghiệm tích lũy được bài học phục vụ thiết thực cho hoạt động xét xử.

Ông Lê Thanh Vũ, Phó Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng cho biết, để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, TAND tỉnh Sóc Trăng lựa chọn các loại án có tính chất phức tạp. Đối với án hình sự, ưu tiên các vụ án được dư luận xã hội quan tâm; có thể là án điểm theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và đề cử của lãnh đạo liên ngành tư pháp tỉnh; có vấn đề pháp lý mới, chưa được hướng dẫn thống nhất hoặc có nhiều cách hiểu khác nhau; có nội dung mang tính giáo dục, phòng ngừa chung.

Với vụ án hành chính để tổ chức họp rút kinh nghiệm, lựa chọn các vụ có tính chất phức tạp, phổ biến, dư luận xã hội quan tâm; có sự tham gia tranh tụng tích cực giữa các bên đương sự. Việc lựa chọn các loại vụ án để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm và các tiêu chí trong mỗi vụ án nhằm đảm bảo phiên tòa không chỉ đạt yêu cầu về mặt chuyên môn mà còn phục vụ tốt cho công tác học tập, trao đổi nghiệp vụ giữa các cơ quan.

Mục đích của việc phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy và TAND tỉnh là nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử, tăng cường trách nhiệm của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư và các bên tham gia tố tụng; đồng thời tạo điều kiện để các cơ quan cùng nhìn nhận, đánh giá và rút ra bài học kinh nghiệm thiết thực trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

“Thời gian qua, TAND tỉnh Sóc Trăng và Ban Nội chính tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm. Công tác tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm cấp tỉnh trong đạt được nhiều ưu điểm.

Tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm giúp các Thẩm phán, Thư ký Tòa án nâng cao tinh thần trách nhiệm, tự đào tạo, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng, trình độ nghiệp vụ trong giải quyết, xét xử các vụ án phức tạp. Song, bên cạnh những ưu điểm, việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm vẫn còn một số hạn chế như: một số vụ án được chọn chưa thật sự điển hình, hoặc chưa có tính mới rõ rệt; công tác phối hợp trong chuẩn bị và đánh giá sau phiên tòa đôi khi còn mang tính hình thức, việc tham dự, trao đổi, rút kinh nghiệm sau phiên tòa của một số cán bộ chưa thật sự sôi nổi”, ông Lê Thanh Vũ- Phó Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng nhìn nhận.

img_9966.jpg
Các đại biểu tham dự phiên tòa trực tuyến rút kinh nghiệm vụ án hành chính do Ban Nội chính Tỉnh ủy phối hợp với TAND tỉnh Sóc Trăng tổ chức

Cũng theo Phó Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng Lê Thanh Vũ, để khắc phục những hạn chế, hai cơ quan đã thông nhất một số giải pháp như: rà soát kỹ, lựa chọn vụ án bảo đảm tiêu chí, có tính điển hình và giá trị học tập cao; tăng cường công tác chuẩn bị trước phiên tòa, tổ chức thảo luận, đánh giá chất lượng phiên tòa một cách nghiêm túc, có chiều sâu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc ghi âm, ghi hình phiên tòa, phục vụ cho công tác rút kinh nghiệm sau này.

Nhìn chung, các phiên tòa rút kinh nghiệm cấp tỉnh theo tinh thần cải cách tư pháp do TAND tỉnh phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Qua các phiên tòa, trình độ chuyên môn và kỹ năng xét xử của đội ngũ Thẩm phán, Kiểm sát viên được nâng lên rõ rệt, tinh thần trách nhiệm trong giải quyết án được nâng cao.

Đồng thời, việc phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy giúp tạo sự đồng thuận, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, góp phần đảm bảo việc giải quyết án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế oan sai, bỏ lọt tội phạm. Đồng thời, hỗ trợ, cung cấp thông tin về pháp luật cho các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức và người dân trên địa bàn.

Xuân Phương