Chính trị

Trình Quốc hội Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù

Duy Tuấn - Hữu Tuấn 24/05/2025 - 11:43

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 9, sáng 24/5, các đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.

Trao nhiều quyền cho Tòa án nhân dân khu vực

Trình bày tờ trình, Đại tướng Lương Tam Quang- Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Dự thảo Luật gồm 4 chương, 45 điều. So với quy định của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 trong lĩnh vực chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, dự thảo Luật sửa đổi 14 điều, xây dựng mới 18 điều, bỏ 5 điều và 2 quy định.

z61_1612-boi-i-trui-oi-i-ng-boi-i-coi-ng-an-lui-oi-ng-tam-quang.jpg
Đại tướng Lương Tam Quang- Bộ trưởng Bộ Công an.

Luật này quy định nguyên tắc, thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù giữa Việt Nam với nước ngoài; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Dự thảo Luật quy định Bộ Công an là cơ quan Trung ương về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Dự thảo Luật quy định, trường hợp Việt Nam là nước chuyển giao, Việt Nam chi trả các chi phí hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù phát sinh đến thời điểm bàn giao người đang chấp hành án phạt tù, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp Việt Nam là nước nhận, Việt Nam chi trả mọi chi phí hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù phát sinh từ thời điểm tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

z61_1082-chui-nhiei-i-m-ui-y-ban-phai-p-luai-i-t-vai-tui-phai-p-hoai-ng-thanh-tui-ng.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng.

Về thẩm quyền xem xét tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam, dự thảo Luật quy định Tòa án nhân dân khu vực nơi người được đề nghị chuyển giao có nơi thường trú cuối cùng tại Việt Nam quyết định tiếp nhận. Về thẩm quyền xem xét chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam cho nước ngoài, dự thảo Luật quy định Tòa án nhân dân khu vực nơi người nước ngoài đang chấp hành án phạt tù quyết định việc chuyển giao.

Đảm bảo đồng bộ trong hệ thống pháp luật

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng tán thành sự cần thiết xây dựng Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị tiếp tục rà soát, bám sát quá trình sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến tương trợ tư pháp là Luật Dẫn độ, Luật Tương trợ tư pháp về hình sự, Luật Tương trợ tư pháp về dân sự và một số dự án Luật khác đang trình Quốc hội xem xét, thông qua để kịp thời cập nhật, chỉnh lý dự thảo Luật, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Về áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù (Điều 5), Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cơ bản nhất trí quy định cụ thể các điều kiện áp dụng nguyên tắc có đi có lại và giao Bộ Công an quyết định việc tiếp nhận hoặc từ chối yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Công an lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan trước khi quyết định để bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, chủ động, linh hoạt trong thực hiện. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị quy định theo hướng Bộ Công an cần lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao trước khi áp dụng nguyên tắc có đi có lại để bảo đảm tính đầy đủ, thận trọng.

Về hợp pháp hóa lãnh sự (Điều 8), theo ông Tùng, có ý kiến đề nghị chỉnh lý tên gọi của điều luật hoặc bổ sung quy định về các trường hợp phải hợp pháp hóa lãnh sự (nếu có), bảo đảm thống nhất nội dung giữa tên gọi và nội dung của Điều 8. Bên cạnh đó, dự thảo Luật chưa có quy định về việc hủy quyết định thi hành quyết định tiếp nhận, hủy quyết định thi hành quyết định chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Do đó, đề nghị, nghiên cứu bổ sung bảo đảm đầy đủ, bao quát trường hợp đang được quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật Tương trợ tư pháp.

Duy Tuấn - Hữu Tuấn