Doanh nghiệp - Doanh nhân

Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp triển khai còn chậm

Trang Nhi 23/05/2025 - 10:55

Phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà trong các khu công nghiệp, khu chế xuất còn gặp nhiều vướng mắc.

Điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) khi được triển khai với quy mô lớn và tập trung, không chỉ giúp các doanh nghiệp (DN) tự chủ nguồn điện, ổn định giá điện còn tiết giảm chi phí sản xuất và vận hành, nâng cao năng lực cạnh tranh. Dù vậy, hiện nay tỷ lệ sử dụng, tiếp cận nguồn điện mặt trời mái nhà tại các nhà máy trong khu công nghiệp (KCN) còn rất thấp.

dien-mat-troi.jpg
Ảnh minh họa

Việt Nam hiện có hơn 380 KCN và khoảng 700 cụm công nghiệp đang hoạt động. Đây là những "điểm nóng" tiêu thụ điện năng, nhưng đồng thời cũng là nơi giàu tiềm năng phát triển ĐMTMN tập trung với quy mô lớn.

Nhận rõ việc triển khai ĐMTMN tại các KCN còn chậm, ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành, Ban Chính sách - chiến lược Trung ương cho biết, hiện nay hành lang pháp lý chưa thực sự đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong các thủ tục đấu nối và vận hành. Quan trọng hơn là chi phí đầu tư ban đầu cho ĐMTMN vẫn là một rào cản lớn, nhất là với các DN nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng cao tại các KCN.

Bên cạnh đó, hầu hết hạ tầng kỹ thuật ở nhiều KCN chưa đáp ứng được yêu cầu của nguồn điện phân tán, nhất là khi các thiết bị đo đếm hai chiều còn thiếu, trong khi nhận thức và kỹ năng của nhiều DN về năng lượng tái tạo vẫn còn hạn chế. Vì vậy, ông Trung đề xuất cần sớm ban hành hướng dẫn chi tiết cho các Nghị định mới, đặc biệt là với mô hình điện tự sản - tự tiêu thụ trong KCN. Song song, cần có chính sách hỗ trợ tài chính cụ thể như miễn giảm thuế, tín dụng xanh, khấu hao nhanh tài sản đầu tư.

Trong khi đó theo ông Phan Duy Phú, Phó Trưởng phòng Thủy điện và Năng lượng tái tạo, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), ĐMTMN không chỉ là giải pháp công nghệ, còn là một phần của chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế Xanh, kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải khí nhà kính.

Đặc biệt, theo Nghị định số 58/2025/NĐ-CP ngày 3/3/2025 quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, các hệ thống ĐMTMN tự sản - tự tiêu thụ được phép bán lượng điện dư không quá 20% sản lượng điện thực phát trong tháng là một tín hiệu tích cực.

Ông Phú cũng cho biết, trong thời gian tới, Cục Điện lực sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến phản ánh từ DN và người dân, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách theo hướng cởi mở, minh bạch và phù hợp hơn với thực tiễn. Đảm bảo mục tiêu tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, công bằng cho tất cả các chủ thể tham gia phát triển ĐMTMN.

Được biết, hiện nay Bộ Công Thương đang xây dựng chính sách hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho hộ gia đình lắp đặt ĐMTMN, dự kiến ban hành trong năm 2025. Đây sẽ là bước đi tiếp theo nhằm phổ cập mô hình điện mặt trời tới quy mô nhỏ, góp phần lan tỏa hành vi tiêu dùng xanh.

Trang Nhi