Văn hóa - Du lịch

Chuẩn hóa không gian biển- sông, tạo sân chơi dưới nước

Trang Trần 22/05/2025 - 07:26

Lần đầu tiên, mặt nước ở Đà Nẵng được “vẽ bản đồ” theo chức năng nơi tắm biển, chỗ lướt ván, khu vực phục vụ ca nô kéo dù… Một sự thay đổi sẽ tạo làn sóng lớn trong cách du khách tận hưởng thành phố bên sông, bên biển.

UBND TP. Đà Nẵng vừa ban hành phương án tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước tại các khu vực biển ven bờ và sông Hàn, với mục tiêu phát triển du lịch bền vững, đảm bảo an toàn và bảo tồn tài nguyên biển.

Không còn là những hoạt động tự phát, nhỏ lẻ, thiếu kiểm soát như trước, việc phân vùng rõ ràng các khu vực biển và sông dành cho vui chơi, giải trí dưới nước mà UBND TP. Đà Nẵng vừa ban hành là một bước chuyển mình đáng chú ý trong quản lý tài nguyên biển và phát triển du lịch.

Theo đó, toàn bộ không gian mặt nước dọc các tuyến đường biển trọng điểm và khu vực sông Hàn được quy hoạch chi tiết thành 14 vùng biển và 1 vùng sông, vừa đảm bảo yếu tố an toàn, bảo vệ hệ sinh thái, vừa thúc đẩy các loại hình thể thao biển phát triển chuyên nghiệp, hấp dẫn.

21-5-bien-dn4.jpg
UBND TP. Đà Nẵng vừa ban hành phương án tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước tại các khu vực biển ven bờ và sông Hàn, với mục tiêu phát triển du lịch bền vững, đảm bảo an toàn và bảo tồn tài nguyên biển.

Tuyến biển đường Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa, kéo dài hơn 15km từ giáp ranh Quảng Nam đến nút giao đường Nguyễn Phan Vinh – Hoàng Sa (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), được chia thành bốn khu vực chính (V1 – V4).

Mỗi khu vực có quy định riêng biệt về loại hình phương tiện được phép hoạt động, từ các thiết bị có động cơ như mô tô nước, ca nô kéo dù, flyboard… đến các phương tiện không có động cơ như ván chèo đứng (SUP), kayak, lướt ván buồm… Cách tiếp cận này vừa giữ được tính đa dạng cho các hoạt động thể thao nước, vừa đảm bảo yếu tố an toàn cho người dân và du khách.

Không gian ven biển đường Nguyễn Tất Thành (5,7km) cũng được chia thành hai khu (V5 – V6), đồng thời phân định rõ ràng giữa khu vực dành cho tắm biển và khu vực phục vụ vui chơi dưới nước. Đặc biệt, các phương tiện có động cơ như canô kéo dù, flyboard sẽ không được phép hoạt động tại khu vực ghềnh Nam Ô nhằm bảo vệ an toàn cho người dân và hệ sinh thái đặc thù nơi đây.

Với vị trí địa lý trải dài theo sườn bán đảo Sơn Trà, khu vực biển ven đèo Hải Vân cũng được đưa vào quy hoạch gồm ba vùng nhỏ (V7 – V9), có tính đến yếu tố bảo tồn môi trường và khai thác bền vững. Cùng với đó, tại khu vực biển ven bán đảo Sơn Trà, sáu khu vực khác (V10 – V15) tiếp tục được thiết lập với sự linh hoạt trong phân chia khu tắm và khu hoạt động thể thao.

21-5-bien-1.jpg
Đà Nẵng đang vạch ranh giới mới cho không gian mặt nước, biến từng con sóng, dải nước thành một phần trong chiến lược phát triển đô thị du lịch thông minh.

Đáng chú ý, tại Bãi Đa và Bãi Bụt, nơi có hệ sinh thái san hô phong phú, UBND thành phố chủ trương giới hạn hoạt động của phương tiện có động cơ, chỉ cho phép các loại hình không gây tác động đến đáy biển như chèo thuyền tay, SUP, lặn ngắm san hô.

Bên cạnh đó, một điểm nhấn quan trọng là việc đưa khu vực sông Hàn (đoạn từ cầu Sông Hàn đến cầu Trần Thị Lý, dài 2km) vào không gian tổ chức thể thao nước. Theo quy định mới, khu vực này sẽ ưu tiên cho các hoạt động không động cơ như chèo SUP, kayak, đồng thời sẽ trở thành điểm trình diễn mô tô nước, flyboard... trong những dịp lễ, tết và các sự kiện thể thao lớn nếu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Tất cả các khu vực đều được phân định ranh giới rõ ràng, kèm theo bảng khuyến nghị loại hình hoạt động tương ứng. Sự phân vùng này giúp tránh tình trạng xung đột giữa các nhóm người sử dụng không gian biển – điều từng là một bất cập lớn trong những mùa cao điểm du lịch. Đồng thời, đây cũng là bước đi quan trọng để Đà Nẵng kiểm soát tốt hơn về an toàn, quản lý dịch vụ, ngăn ngừa tai nạn và xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp trên biển.

21-5-bien-dn1.jpg
Đà Nẵng mở rộng không gian giải trí dưới nước: Vẽ lại bản đồ biển với tầm nhìn dài hạn.

Một trong những điểm tiến bộ trong phương án mới là việc tích hợp đồng bộ giữa khai thác thể thao nước với bảo tồn thiên nhiên. Tại những khu vực nhạy cảm như rạn san hô ở Bãi Đa hay Bãi Bụt, hoạt động mô tô nước được giới hạn nghiêm ngặt, thay vào đó là những trải nghiệm thân thiện với môi trường như chèo thuyền tay, lặn ngắm san hô. Điều này cho thấy tầm nhìn phát triển bền vững, hướng đến một ngành du lịch có trách nhiệm và dài hạn.

Không gian biển không chỉ đơn thuần là tài nguyên thiên nhiên mà đang dần trở thành "sân khấu mở" cho các loại hình thể thao mạo hiểm, hoạt động lễ hội, sự kiện quốc tế. Quy hoạch này cũng là tiền đề để thành phố xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, thu hút khách lưu trú dài ngày, tạo ra cú hích kinh tế mới từ biển.

Được biết, sau khi phân vùng cụ thể, các đơn vị khai thác dịch vụ thể thao dưới nước sẽ phải tuân thủ chặt chẽ quy định về an toàn, tiêu chuẩn phương tiện, đào tạo nhân lực cứu hộ và bảo hiểm cho du khách. Đồng thời, thành phố sẽ bố trí thêm lực lượng giám sát ven bờ, đảm bảo vận hành đồng bộ và xử lý kịp thời các vi phạm nếu xảy ra.

Trang Trần