Vấn đề quan tâm

Đề xuất chính sách tín dụng đột phá cho học sinh, sinh viên ngành khoa học, công nghệ

Nguyễn Cúc 21/05/2025 - 14:18

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Quyết định về chính sách tín dụng ưu đãi dành riêng cho học sinh, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh theo học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM).

Dự thảo này được xây dựng nhằm hiện thực hóa các chỉ đạo từ Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, cùng các nghị quyết của Chính phủ về việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đối tượng vay vốn mở rộng, bao phủ

Theo dự thảo, đối tượng vay vốn sẽ bao gồm học sinh, sinh viên, học viên thạc sĩ và nghiên cứu sinh đang theo học trong 8 lĩnh vực đào tạo STEM, bao gồm: khoa học sự sống, khoa học tự nhiên, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, kiến trúc và xây dựng, sản xuất và chế biến, toán và thống kê.

Đặc biệt, mặc dù không thuộc nhóm ngành STEM theo phân loại truyền thống, ngành Công nghệ tài chính (Fintech) cũng được đề xuất đưa vào diện hưởng ưu đãi tín dụng do tính chất sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao và được Nhà nước khuyến khích phát triển.

Bộ Tài chính nhấn mạnh rằng sự bổ sung này xuất phát từ thực tiễn khảo sát tại các trường đại học, nơi ngành Fintech đang phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

stem.jpg
Ảnh minh họa

Hướng đến người học có năng lực thực chất

Dự thảo đưa ra các tiêu chí cụ thể để bảo đảm đối tượng vay là những người học có năng lực. Theo đó, học sinh, sinh viên năm thứ nhất phải đạt học lực loại khá trở lên trong cả ba năm học trung học phổ thông. Với sinh viên từ năm thứ hai trở đi, điều kiện là có điểm trung bình học tập năm trước đạt loại khá trở lên.

Với học viên cao học và nghiên cứu sinh, do đã trải qua quá trình tuyển chọn nghiêm ngặt theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dự thảo quy định chỉ cần xác nhận của cơ sở đào tạo về tình trạng học tập. Mỗi năm, người học đều phải nộp giấy xác nhận từ cơ sở giáo dục để duy trì khoản vay.

Bộ Tài chính cho biết quy định này vừa đảm bảo chất lượng người vay, vừa phù hợp với thực tiễn học tập khắt khe của các ngành STEM – vốn được đánh giá là có tiêu chuẩn đầu vào và đầu ra cao hơn mặt bằng chung.

Phương thức và mức vay vốn linh hoạt, đáp ứng nhu cầu đa dạng

Phương thức cho vay tiếp tục kế thừa mô hình hiệu quả từ Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg: thông qua hộ gia đình hoặc trực tiếp cho người học trong các trường hợp đặc biệt (ví dụ như không còn thành viên trong gia đình đủ năng lực pháp lý). Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) vẫn là đơn vị triển khai chính sách.

Đáng chú ý, mức vốn vay được đề xuất điều chỉnh theo hướng đáp ứng đầy đủ cả học phí và sinh hoạt phí. Cụ thể:

  • Tiền học phí: Toàn bộ mức học phí phải đóng theo xác nhận của cơ sở giáo dục, sau khi trừ học bổng và hỗ trợ tài chính khác (nếu có).
  • Sinh hoạt phí: Tối đa 5 triệu đồng/tháng.

Khảo sát của Bộ Tài chính tại các trường đại học lớn ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho thấy học phí ngành STEM dao động mạnh: từ 30–50 triệu đồng/năm với chương trình đại trà, lên tới 200–300 triệu đồng/năm với chương trình quốc tế hoặc liên kết. Sinh hoạt phí trung bình ước tính từ 3–5 triệu đồng/tháng. Mức vay đề xuất được cho là sát thực tế và đủ sức hỗ trợ người học theo đuổi chương trình đào tạo chất lượng cao.

Cân nhắc bảo đảm tiền vay để giảm rủi ro

Về bảo đảm khoản vay, dự thảo đề xuất kế thừa cơ chế hiện hành của NHCSXH: Không yêu cầu thế chấp đối với các khoản vay dưới 250 triệu đồng/khóa học, nhằm khuyến khích người học tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên, với các khoản vay lớn hơn – đặc biệt trong trường hợp người học theo học tại các trường tư thục, trường quốc tế có học phí cao – yêu cầu bảo đảm tiền vay có thể được áp dụng để hạn chế rủi ro tài chính.

Chính sách tín dụng ưu đãi dành cho học sinh, sinh viên ngành STEM được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, phát triển khoa học – công nghệ, và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nguyễn Cúc