Quân ủy Trung ương thảo luận, góp ý kiến đề án “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng”

Chính trị - Ngày đăng : 15:50, 17/09/2016

Sáng 17/9, Quân ủy TW tổ chức hội nghị thảo luận góp ý kiến vào Đề án “Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa trong nội bộ".

Quân ủy Trung ương thảo luận, góp ý kiến đề án “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng”

Đại tướng Ngô Xuân Lịch phát biểu tại hội nghị Quân ủy Trung ương tham gia ý kiến vào Đề án Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đồng chủ trì hội nghị.

Cùng dự có Thượng tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và các đồng chí Ủy viên Quân ủy Trung ương, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về xây dựng đảng.

Đề án “Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa trong nội bộ" (sau đây gọi tắt là Đề án Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng) triển khai xây dựng theo chương trình làm việc toàn khóa triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Quá trình triển khai xây dựng, Ban Chỉ đạo, Ban soạn thảo đã tổ chức khảo sát ở nhiều tỉnh, thành phố, các bộ, ngành Trung ương; đồng thời tổ chức lấy ý kiến của các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và một số cơ quan nghiên cứu ở Trung ương. Đề án được kết cấu gồm 5 phần, bao gồm: Phần mở đầu; thực trạng công tác xây dựng Đảng; mục tiêu, quan điểm, giải pháp; tổ chức thực hiện; đề xuất, kiến nghị. 

Đề án nêu rõ: Để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, Đảng ta đã thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, coi trọng xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế, khuyết điểm, trong đó có những khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm... trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp không những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, mà có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp, nghiêm trọng hơn. Mặt khác, việc tổ chức thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra; tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả; công tác cán bộ còn nhiều khuyết điểm, bất cập...

Bám sát sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Ban chỉ đạo Đề án, các đại biểu đã thảo luận, phân tích làm rõ và tham gia ý kiến các vấn đề được đề cập trong đề án một cách toàn diện. Trong đó, tập trung 3 vấn đề: xây dựng đảng về đạo đức; đánh giá biểu hiện, tình hình suy thoái và biện pháp; đánh giá vấn đề tự diễn biến, tự chuyển hóa trong đảng và giải pháp. Nhất trí cao với 5 nhóm giải pháp được đề cập trong đề án, nhiều đại biểu cho rằng cần tăng cường sức chiến đấu của các tổ chức đảng; đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đồng chí tham gia hội nghị. Các đại biểu đã nghiên cứu kỹ nội dung đề án, có sự chuẩn bị chu đáo với nhiều dẫn chứng và kinh nghiệm thực tiễn. Trong phát biểu các đại biểu đã thể hiện rõ tính chiến đấu, thể hiện tâm huyết và trách nhiệm đối với công tác xây dựng Đảng. Các ý kiến không chỉ cung cấp cho Ban soạn thảo những nội dung, mà còn gợi mở nhiều vấn đề, truyền đạt nhiều kinh nghiệm hay trong công tác xây dựng Đảng ở các cấp ủy, tổ chức Đảng thuộc Đảng bộ Quân đội. Ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến tham gia đóng góp của các đại biểu để bổ sung, hoàn chỉnh nội dung đề án trình Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định.

Kết luận hội nghị, Đại tướng Ngô Xuân Lịch biểu dương và đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các đồng chí tham gia hội nghị. Chất lượng các ý kiến tại hội nghị thể hiện rõ ý thức, thái độ và sự tâm huyết của từng đại biểu đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đại tướng Ngô Xuân Lịch yêu cầu: Từng đồng chí trên các cương vị công tác của mình bằng kiến thức và kinh nghiệm thực tế tiếp tục nghiên cứu, có thêm nhiều ý kiến tham gia cùng Ban soạn thảo bổ sung, hoàn chỉnh nội dung đề án bảo đảm chất lượng tốt nhất; cung cấp nhiều cứ liệu khách quan, khoa học để Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thảo luận, quyết định những chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, tiến hành công tác xây dựng Đảng đạt chất lượng, hiệu quả cao. Trên cơ sở nội dung đề án, từng đồng chí nghiên cứu, vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo trong tiến hành công tác xây dựng Đảng ở đơn vị; trong đó tập trung vào 4 nội dung đã tiến hành thảo luận sâu sắc, toàn diện tại hội nghị hôm nay. “Nhận diện đúng, phân tích chặt chẽ, khoa học, xác định cụ thể nguyên nhân để chủ động triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng là nhiệm vụ chính trị then chốt; là đòi hỏi bức thiết trong giai đoạn cách mạng hiện nay”, Đại tướng Ngô Xuân Lịch chỉ rõ.

PV