Chế độ, chính sách đối với công chứng viên khi chuyển đổi Phòng công chứng
Ngày 1/7/2025, Nghị định số 104/2025/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, thay thế Nghị định số 29/2015/NĐ-CP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng.
Một nội dung quan trọng được đề cập trong nghị định này là việc chuyển đổi các Phòng công chứng (PCC) công lập thành Văn phòng công chứng (VPCC) theo lộ trình cụ thể và đồng bộ trên phạm vi cả nước.

Quy định điều kiện về trụ sở của Phòng công chứng
Nghị định 104/2025/NĐ-CP quy định điều kiện về trụ sở của PCC, yêu cầu phải có địa chỉ cụ thể theo địa giới hành chính. Cơ sở vật chất phải bảo đảm diện tích làm việc cho công chứng viên, viên chức và người lao động, cũng như đáp ứng tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy và lưu trữ hồ sơ. Trong trường hợp thuê trụ sở, thời hạn thuê tối thiểu là hai năm.
Lập Đề án chuyển đổi và quy trình phê duyệt
Việc chuyển đổi PCC thành VPCC phải được thực hiện theo một Đề án cụ thể. Sở Tư pháp sẽ chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và Hội công chứng viên tại địa phương để xây dựng Đề án, đồng thời lấy ý kiến của công chứng viên, viên chức, người lao động đang làm việc tại PCC cũng như tổ chức chính trị, xã hội (nếu có). Sau khi hoàn thiện, Đề án được trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định trong vòng 30 ngày. Nếu không chấp thuận, UBND cấp tỉnh phải thông báo rõ lý do bằng văn bản.
Phương thức chuyển đổi và định giá quyền nhận chuyển đổi
Theo quy định, quyền nhận chuyển đổi PCC được ưu tiên chuyển giao cho các công chứng viên đang là viên chức tại PCC đó. Giá trị quyền nhận chuyển đổi được xác định dựa trên số tiền trung bình nộp ngân sách và thuế trong ba năm gần nhất. Nếu công chứng viên không tiếp nhận hoặc không đủ điều kiện theo quy định, quyền chuyển đổi sẽ được tổ chức đấu giá công khai với giá khởi điểm cũng được xác định theo mức nộp ngân sách và thuế trung bình ba năm qua. Lưu ý, quyền chuyển đổi không bao gồm tài sản công như trụ sở hay trang thiết bị mà Nhà nước giao quản lý.
Hoàn tất thủ tục và tiếp nhận toàn bộ hoạt động, hồ sơ
Sau khi có quyết định chuyển đổi, VPCC được thành lập từ PCC sẽ thực hiện các thủ tục đăng ký hoạt động như một VPCC mới. Đồng thời, đơn vị này sẽ kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ trong hoạt động công chứng, bao gồm tiếp nhận và bảo quản toàn bộ hồ sơ do PCC chuyển giao.
Giải quyết chế độ cho công chức, viên chức và người lao động
Nghị định cũng quy định rõ việc giải quyết chế độ, chính sách cho đội ngũ công chứng viên, viên chức, người lao động của PCC sau khi chuyển đổi. Việc này được thực hiện theo quy định pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động và các văn bản liên quan. Sở Tư pháp sẽ phối hợp cùng các sở, ngành địa phương để trình UBND tỉnh xem xét và quyết định.
Xử lý tài sản công và phương án giải thể nếu không chuyển đổi được
Tài sản thuộc sở hữu nhà nước do PCC quản lý sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Trong trường hợp PCC không thực hiện được chuyển đổi theo quy định, sẽ phải giải thể sau khi đáp ứng đầy đủ điều kiện về giải thể, bao gồm cả việc giải quyết chính sách cho cán bộ, công chức, người lao động.
Lộ trình chuyển đổi cụ thể theo mức độ tự chủ tài chính
Nghị định cũng quy định lộ trình thực hiện chuyển đổi hoặc giải thể các PCC công lập tùy theo mức độ tự chủ tài chính của từng đơn vị. Cụ thể:
- Đối với các PCC tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên và chi đầu tư, hạn cuối chuyển đổi là ngày 31/12/2026;
- Các PCC tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên phải hoàn tất chậm nhất vào ngày 31/12/2027;
- Với các đơn vị còn lại, thời hạn cuối là ngày 31/12/2028.
UBND cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế địa phương, pháp luật hiện hành và nghị định này để quyết định phương án phù hợp, đảm bảo tiến độ đề ra.