Kiến nghị thành lập Tòa án chuyên biệt thuộc Trung tâm tài chính quốc tế
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy đề nghị thành lập Tòa án chuyên biệt thuộc Trung tâm tài chính quốc tế; thực hiện cam kết vững chắc “mọi hoạt động đầu tư sẽ được bảo vệ, mọi tranh chấp sẽ được phán xử một cách công bằng”.
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, sáng 19/5, đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Dám nghĩ lớn, dám làm lớn để hội nhập với thế giới
Nêu ý kiến, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đánh giá cao việc TANDTC xây dựng dự án luật. Về vấn đề cụ thể, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị Luật chú trọng vào việc thành lập Tòa án chuyên biệt thuộc Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT).

Theo đại biểu, ngày 6/5 vừa qua, Bộ Chính trị có kết luận về một số nội dung của TTTCQT, “trong đó giao cho TANDTC nghiên cứu thành lập Tòa chuyên biệt của TTTCQT và chỉ đạo Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn áp dụng một số nguyên tắc của hệ thống thông luật để giải quyết các tranh chấp tại trung tâm này”.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, việc thành lập TTTCQT là "bệ phóng" cho mục tiêu tăng trưởng dài hạn “đã có từ lâu và đến nay đang trở thành hiện thực khi Bộ Chính trị đã thông qua chủ trương, định hướng cho việc thành lập tại TP HCM và TP Đà Nẵng.
“Tại kết luận ngày 6/5 vừa qua, Bộ Chính trị cho phép việc áp dụng quy tắc thông luật để giải quyết các tranh chấp tại TTTCQT, điều này cho thấy quyết tâm của chúng ta “dám nghĩ lớn, dám làm lớn để hội nhập với thế giới”- Đại biểu Thủy nhấn mạnh.
Theo đại biểu, tại Hội nghị của Chính phủ mới đây, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, sự thành công của TTTCQT then chốt nằm ở niềm tin của nhà đầu tư (NĐT). Từ kinh nghiệm trên thế giới, niềm tin ấy được hình thành bền bỉ thông qua thể chế và pháp luật.
“Do đó, một hệ thống hoàn thiện chính là lời cam kết vững chắc của quốc gia rằng “mọi hoạt động đầu tư sẽ được bảo vệ, mọi tranh chấp sẽ được phán xử một cách công bằng”.
Nếu thiếu đi hệ thống pháp luật, một cơ chế giải quyết tranh chấp đáng tin cậy thì chắc chắn rằng không có nhà đầu tư nào dám để lại 1 USD, cho dù có cam kết miễn thuế 100% hay cơ sở hạ tầng hiện đại đến đâu chăng nữa”- Đại biểu Thủy nêu quan điểm.
Nêu các mô hình trên thế giới, Đại biểu Thủy cho biết, các TTTCQT thành công đều hoạt động dựa trên nền tảng mô hình pháp luật common law rất uyển chuyển, rất linh hoạt nhưng ổn định và có tính minh bạch cao.
Đơn cử, tại TTTCQT Dubai UAE, trung tâm này cho phép áp dụng với hệ thống thông luật để giải quyết các tranh chấp. Tại đây, có các quy tắc giải quyết tranh chấp riêng, có Tòa án riêng và tách biệt hoàn toàn với hệ thống luật Hồi giáo. Đây là yếu tố then chốt để Dubai trở thành TTTCQT số 1 ở Trung Đông và hiện đang thu hút hàng nghìn doanh nghiệp tài chính, ngân hàng đa quốc gia.
Hay tại Kazakhstan, TTTCQT được xếp hạng uy tín trên thế giới. Tại đây cho phép mọi tranh chấp được phép áp dụng hệ thống thông luật để giải quyết, có tòa án riêng, tất cả các văn bản được ban hành tại tòa án này đều được ban hành bằng tiếng anh, thậm chí còn mời thẩm phán người Anh sang làm việc tại đây
Xây dựng đề án cụ thể để giải quyết toàn diện
Cuối cùng, theo đại biểu, nhân lực giải quyết tranh chấp tại TTTCQT đòi hỏi trình độ cao, được đào tạo và thực hành theo đúng chuẩn mực quốc tế để đảm bảo có đủ năng lực giải quyết và ra phán quyết nhanh chóng đối với các tranh chấp của nhà đầu tư quốc tế với nhau; hay giữa nhà đầu tư với cơ quan chức năng.
Từ phân tích trên, Đại biểu Thủy kiến nghị Quốc hội bổ sung vào dự thảo luật, bổ sung quy định về tổ chức hệ thống Tòa án nhân dân có Tòa án chuyên biệt thuộc TTTCQT bên cạnh TANDTC, TAND cấp tỉnh, TAND khu vực.
Về Hội đồng Thẩm phán TANDTC bổ sung nhiệm vụ hướng dẫn áp dụng các nguyên tắc hệ thống thông luật, làm cơ sở để giải quyết các tranh chấp tại TTTCQT như kết luận của Bộ Chính trị ngày 6/5.
Đặc biệt, Đại biểu Thủy kiến nghị, bổ sung tiêu chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán có tiêu chuẩn mở, đặc thù để làm cơ sở tuyển Thẩm phán xét xử tại các TTTCQT trong thời gian tới.
Về thẩm quyền Tòa án chuyên biệt tại TTQCQT, đại biểu kiến nghị trong Luật không quy định cụ thể thẩm quyền của Tòa án này, “kiến nghị TANDTC trong thời gian tới có đề án cụ thể để giải quyết toàn diện vấn đề này. Trong đó, giải quyết cụ thể vấn đề bên trong của tổ chức bộ máy Tòa án chuyên biệt, mối quan hệ Tòa án chuyên biệt với các Tòa án khác trong hệ thống Tòa án, nguyên tắc tuyển chọn nhân lực của Tòa án chuyên biệt. Đặc biệt, đề án cần giải quyết các vấn đề mang tính nguyên tắc tố tụng, trình tự tố tụng cho hoạt động của Tòa án chuyên biệt này”.