Đề nghị Quốc hội tăng số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, sáng 19/5, đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Nêu ý kiến Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tán thành với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND). Nhấn mạnh, đây là việc làm kịp thời, thể chế cụ thể hoá chủ trương đường lối của Đảng về tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy TAND theo Nghị quyết 18, 27, 60, 121; Kết luận 126, 127, 135 của Đảng về tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy TAND. Đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức, hoạt động đáp ứng yêu cầu về cải cách tư pháp trong tình hình mới.

Theo Đại biểu, quá trình xây dựng luật đảm bảo tính hợp hiến, thống nhất của hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đảm bảo quyền con người, quyền công dân. TANDTC đã tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc rõ ràng ý kiến của Chính phủ và các cơ quan liên quan để hoàn thiện dự án luật. Các điều luật quy định cụ thể, rõ ràng đối với nhiệm vụ của Toà án các cấp; đảm bảo cơ sở thực hiện trong thực tiễn.
Dự thảo Luật quy định tổ chức Tòa án theo 3 cấp: TANDTC, Tòa án tỉnh, Tòa án khu vực; kết thúc hoạt động của TAND cấp cao và Tòa án cấp huyện; bổ sung nhiệm vụ cho TANDTC phúc thẩm các bản án, quyết định của TAND tỉnh chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị; Tiếp nhận nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị; giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND cấp cao chuyển về.
Tán thành việc lập và xét xử của Toà án khu vực để giải quyết các vụ dân sự, hành chính theo thủ tục sơ thẩm; xét xử các vụ án hình sự sơ thẩm có hình phạt đến 20 năm tù… Theo đại biểu, đây là chủ trương Bộ Chính trị đã triển khai từ Nghị quyết 49, “đến thời điểm này làm là rất cần thiết, phù hợp”.
Theo đề án của TANDTC dự kiến sắp xếp 355 Tòa án khu vực/693 Tòa án cấp huyện hiện nay.
“Việc này không chỉ tinh giản về cơ học, số lượng mà còn nâng cao chất lượng, đảm bảo tập trung nguồn Thẩm phán để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, mà không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý”.
TAND tỉnh chủ yếu xét xử phúc thẩm và xét xử sơ thẩm một số vụ án hình sự có hình phạt trên 20 năm tù, các vụ án nghiêm trọng, phức tạp khác. Theo đại biểu, quy định này Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến rất kỹ tại các Kỳ họp 6,7.
Quy định này đảm bảo nguyên tắc 2 cấp xét xử; tạo điều kiện cho người dân khi giải quyết các tranh chấp ở cơ sở, khắc phục tình trạng khó khăn khi sắp xếp bộ máy Tòa án cấp huyện… Việc này vừa đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả; Vừa giải quyết được các khó khăn trong tổ chức biên chế, bộ máy Tòa án các cấp. Việc này, theo đại biểu Thu đã được Bộ Chính trị phê duyệt.

Về thành lập các Tòa chuyên trách như Tòa kinh tế, Tòa Phá sản và Tòa sở hữu trí tuệ, theo đại biểu, những quy định này đã có trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 “quy định này đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế”.
Đại biểu Thu nhấn mạnh, thời gian tới, Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam thu hút nhiều nhà đầu tư. Việc thành lập các Tòa án này rất cần thiết để giải quyết các tranh chấp bằng đội ngũ Thẩm phán có chuyên môn sâu.
Để đảm bảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi triển khai hiệu quả trong thực tiễn, đại biểu Thu đề nghị TANDTC tiếp tục tổng kết thực tiễn liên quan đến giám đốc thẩm, tái thẩm tại các luật; quy định theo hướng chặt chẽ căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm “để tránh tình trạng giải quyết một vụ việc không có điểm dừng”.
Theo thống kê của TANDTC, từ năm 2022-2024 có hơn 11 nghìn đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, khi tiếp nhận nhiệm vụ này từ TAND cấp cao kết thúc hoạt động, hiện nay các Thẩm phán TANDTC gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết. Nhằm đáp ứng nhiệm vụ chuyên môn, đại biểu đề nghị Quốc hội tăng số lượng Thẩm phán TANDTC như đề án trình; Ngoài ra, đề nghị TANDTC tăng cường đào tạo nguồn cán bộ có trình độ chuyên môn sâu để bố trí, giải quyết các vụ việc tương tự.
Theo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, sẽ tăng số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao từ 13 đến 17 người lên thành từ 23 đến 27 người để bảo đảm đủ nguồn nhân lực giải quyết kịp thời, chất lượng đối với khối lượng công việc giám đốc thẩm, tái thẩm tăng thêm từ Tòa án nhân dân cấp cao chuyển về để đáp ứng chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội (sửa đổi Điều 48 Luật hiện hành).
Về mô hình tổ chức Tòa án nhân dân, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức hệ thống Tòa án theo hướng kết thúc hoạt động của Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân cấp huyện; thành lập Tòa án nhân dân khu vực; chuyển các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt thành các Tòa chuyên trách trong Tòa án nhân dân khu vực.