Bà Nà Hills - Cú hích nghìn tỷ nối dài giấc mơ trung tâm du lịch quốc tế
Sau gần hai thập kỷ kiến tạo biểu tượng du lịch giữa lưng trời, quần thể Sun World Ba Na Hills tiếp tục được tiếp thêm động lực với quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư lên đến gần 52.000 tỷ đồng. Một cú hích mới cho không chỉ ngành du lịch, mà còn là tham vọng xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm quốc tế trong kỷ nguyên mới.

Dự án Quần thể Khu du lịch sinh thái và đô thị Bà Nà - Suối Mơ vừa được Chính phủ điều chỉnh nâng tổng mức đầu tư lên gần 52 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 2 tỷ USD. Quyết định số 946/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký thay mặt Thủ tướng ban hành ngày 16/5/2025 không chỉ mở ra một bước ngoặt mới cho riêng dự án, mà còn đặt thêm một viên gạch quan trọng trong hành trình Đà Nẵng hiện thực hóa giấc mơ trở thành trung tâm du lịch, tài chính quốc tế quy mô khu vực.
Theo quyết định được ban hành, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư không mở rộng phạm vi địa giới dự án mà tập trung sắp xếp lại các khu chức năng và bổ sung hạ tầng để nâng hiệu quả khai thác, phù hợp với hướng phát triển du lịch bền vững, đa dạng tại khu vực này. Với vốn đầu tư được nâng lên mức gần 52 nghìn tỷ đồng, dự án sẽ mở rộng các hạng mục công trình thương mại, du lịch, dịch vụ, xây dựng hơn 7.000 phòng lưu trú chất lượng cao, bổ sung thêm hai tuyến cáp treo nâng tổng số lên 10 tuyến, đồng bộ hệ thống nhà ga, hạ tầng kỹ thuật và các hạng mục phụ trợ khác.

Khu vực Bà Nà vốn dĩ đã là biểu tượng du lịch nổi bật của TP. Đà Nẵng suốt gần hai thập niên qua. Từ năm 2008 đến 2024, giai đoạn đầu tiên của dự án được triển khai bởi Tập đoàn Sun Group đã định hình rõ nét diện mạo mới cho vùng đất này.
Tổ hợp Sun World Ba Na Hills không chỉ là điểm đến quen thuộc trên bản đồ du lịch trong nước mà còn được ghi nhận bởi các tổ chức uy tín thế giới. Trong bốn năm liên tiếp, khu du lịch này được World Travel Awards vinh danh là “Công viên chủ đề hàng đầu châu Á”. Riêng cầu Vàng trở thành “Cây cầu du lịch biểu tượng hàng đầu thế giới” vào các năm 2020-2021. Những con số thống kê cho thấy, cứ 10 du khách quốc tế đến Đà Nẵng thì có tới 7 người chọn Bà Nà Hills là điểm dừng chân.
Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, Đà Nẵng không thể dừng lại ở vị thế một điểm đến. Thành phố đang chuyển động để trở thành cực phát triển toàn diện của miền Trung - Tây Nguyên và vươn ra khu vực châu Á. Theo Quy hoạch Đà Nẵng thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương hướng đến mục tiêu là đô thị lớn thông minh, sinh thái, bản sắc và bền vững; là trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm tài chính khu vực, đầu tàu về công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin. Để đạt được khát vọng đó, Đà Nẵng cần những cực tăng trưởng mạnh mẽ, đủ sức lan tỏa và thu hút đầu tư chiến lược dài hạn. Việc nâng mức đầu tư cho dự án Bà Nà - Suối Mơ chính là một cú hích trong dòng chảy ấy.
Dự án này không chỉ dừng ở vai trò một tổ hợp du lịch- vui chơi- nghỉ dưỡng. Mục tiêu đặt ra là xây dựng một quần thể đô thị sinh thái hoàn chỉnh, hiện đại, nơi có thể kết hợp hài hòa giữa lưu trú, giải trí, dịch vụ và không gian sống chất lượng cao. Trong tương lai, Bà Nà không chỉ là điểm đến ngắn ngày mà sẽ dần hình thành khu đô thị gắn với du lịch có quy mô, đẳng cấp. Đó cũng là cách để Đà Nẵng tạo thêm giá trị gia tăng cho trụ cột kinh tế du lịch – dịch vụ, một trong ba mũi nhọn quan trọng của thành phố.

Đà Nẵng đã xác định rõ các chỉ tiêu phát triển đến năm 2030, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình đạt 9,5–10%/năm và phấn đấu 12%/năm; cơ cấu ngành dịch vụ chiếm 61–62%; tổng lượt khách lưu trú tăng 17,5–18%/năm; doanh thu du lịch tăng 12,5–13%/năm. Để các con số này không dừng lại ở kế hoạch, Đà Nẵng cần các trung tâm động lực và Bà Nà là một trong những vị trí chiến lược được đặt kỳ vọng.
Trong bức tranh tổng thể về định hướng phát triển, thành phố nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt là “du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế và gắn với yếu tố văn hóa, tạo nên sự khác biệt, tạo thêm giá trị cho du lịch”. Sự điều chỉnh quy mô, chất lượng và kỳ vọng phát triển của dự án Bà Nà – Suối Mơ không nằm ngoài tư duy này.
Một đô thị biển đáng sống không chỉ được đo bằng những con đường ven sông, những công trình ánh sáng hay sự kiện tầm cỡ. Điều đáng giá hơn cả là những không gian mà người dân có thể tự hào sống, du khách có thể mong muốn quay trở lại và nhà đầu tư có thể an tâm đồng hành. Bà Nà đang được đặt vào đúng vị trí để trở thành một phần trong hệ sinh thái đô thị mới, nơi không chỉ giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên mà còn khai phóng tiềm năng kinh tế một cách bài bản, bền vững.

Giai đoạn 2 của dự án được xác định triển khai trong 10 năm kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong khoảng thời gian này, những bước đi đầu tiên sẽ định hình tương lai không chỉ của riêng Bà Nà mà còn là thước đo cho năng lực kiến tạo tầm vóc mới của thành phố Đà Nẵng. Việc Chính phủ, các bộ ngành cùng chính quyền địa phương thống nhất điều chỉnh dự án là minh chứng cho tinh thần đồng hành trong phát triển, lấy người dân và cộng đồng làm trung tâm, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của thành phố trong bản đồ kinh tế – du lịch quốc gia.
Không có thành phố nào vươn lên tầm vóc khu vực mà thiếu đi những không gian đột phá. Không có tương lai nào được định hình nếu thiếu tầm nhìn và hành động đủ mạnh. Và Bà Nà – Suối Mơ hôm nay, với dòng vốn đầu tư lên đến 52 nghìn tỷ đồng, đang mang theo cả hai điều đó: Một tầm nhìn chiến lược và một khát vọng bứt phá rõ ràng cho Đà Nẵng trong thời đại mới.