Thái Nguyên: Nỗ lực vươn lên thực hiện lời căn dặn của Bác
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với tỉnh Thái Nguyên. Với tình cảm biết ơn sâu sắc dành cho Bác, trong những năm qua, Đảng bộ, nhân dân tỉnh Thái Nguyên luôn một lòng nỗ lực thực hiện lời căn dặn của Người.
Từ Thủ đô gió ngàn,....
Thái Nguyên là vùng đất có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tại miền đất này, Việt Bắc là căn cứ địa cách mạng ra đời sớm nhất và lớn nhất trong thời kỳ chuẩn bị Cách mạng tháng Tám 1945, trong kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1946-1954). Quá trình củng cố, phát triển của căn cứ địa Việt Bắc gắn liền với hoạt động lãnh đạo cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ.
Chủ tịch Hồ Chủ tịch đã có nhiều năm tháng gắn bó với Thủ đô kháng chiến Thái Nguyên. Những địa danh như: Khau Tý, Nà Lọm, Tỉn Keo, Khuôn Tát, Khẩu Quắc, Bảo Biên, Đèo De, Núi Hồng… mãi khắc ghi hình ảnh Bác cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội luận bàn việc nước, ra những quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh của dân tộc, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi.

Ngay sau khi Bác Hồ về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhận thấy vị trí quan trọng của Thái Nguyên, coi đây là một đầu cầu để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Người nhận định “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta… Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối được phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ (19/12/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ rời Thủ đô Hà Nội, chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc. Ngày 20/5/1947, Người đến ở và làm việc tại đồi Khau Tý, thôn Điềm Mặc (nay là xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên).
Tại ATK Định Hóa, Bác và Trung ương đã ra nhiều quyết định quan trọng, như mở Chiến dịch Biên giới năm 1950, bàn kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953-1954 và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Nhiều quyết định của Trung ương liên quan đến các vấn đề quốc kế dân sinh trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp cũng được ra đời tại ATK Định Hóa.

Kháng chiến thành công, ngày 12/10/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời căn nhà sàn đơn sơ trên đồi Thành Trúc, xóm Đầm Mua, xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ trở về Thủ đô Hà Nội. Thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại Thái Nguyên đã để lại nhiều kỷ niệm cho nhân dân các dân tộc nơi đây. Người viết thư gửi đồng bào: “Tuy hiện nay tôi ở Hà Nội, xa cách với đồng bào, nhưng không bao giờ tôi quên đồng bào... người tôi tuy xa cách nhưng lòng tôi luôn gần anh em”. Từ tháng 12/1954 đến ngày 01/01/1964, đã có 7 lần Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp về thăm hỏi, động viên Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên.
Đến mục tiêu trở thành tỉnh giàu có, phồn vinh
Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ, nhân dân các dân tộc Thái Nguyên phấn khởi bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Năm 2024, tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh năm 2024 đạt 6,5%. Một số chỉ tiêu chủ yếu tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng. Giá trị xuất khẩu của tỉnh đứng thứ 5 toàn quốc (đạt gần 27,6 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ). Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.030 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. GRDP bình quân đầu người đạt 119,2 triệu đồng (tương đương tăng 6,6 triệu đồng/người/năm) so với năm 2023.


Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Nhiều năm liên tục, giá trị xuất khẩu và giá trị sản xuất công nghiệp của Thái Nguyên đứng thứ 4 cả nước; thứ hạng các chỉ số PCI, PAPI, PAR-INDEX của tỉnh lọt vào Top đầu các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội, Thái Nguyên là 1 trong 5 địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, vững mạnh về mọi mặt…
Thực hiện các chỉ thị của Bộ Chính trị khoá X, XI, XII và Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khoá XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện; nhất là đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Thấm nhuần phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị luôn gương mẫu đi đầu, tiên phong trong các lĩnh vực khó để làm gương, lôi cuốn cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân cùng tham gia thực hiện.
Đến nay, Thái Nguyên xếp vị trí thứ 8/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về Chỉ số CĐS (DTI) và là 1 trong 10 địa phương dẫn đầu về hạ tầng số. Kết quả này là nền tảng để Thái Nguyên tiếp tục nỗ lực, chủ động triển khai định hướng phát triển CĐS theo quan điểm mới của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”.


Cùng với việc tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 01-NQ/TU, để thực hiện tốt Chương trình CĐS ở mức độ cao và toàn diện hơn, tỉnh đã ban hành Đề án CĐS tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2024-2025.
Đây là giải pháp đột phá giúp Thái Nguyên thực hiện tốt chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chỉ thị số 34/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng đề án CĐS của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời thể hiện sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo và quyết tâm của cả hệ thống chính trị hướng tới xây dựng “Thái Nguyên 2025+: Số - Xanh - Hạnh phúc”. Tỉnh xác định phát triển bằng CĐS, lấy CĐS thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển.
Hơn 60 năm đã trôi qua, kể từ lần cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Thái Nguyên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Thái Nguyên đã và đang nỗ lực, quyết tâm hiện thực hoá mục tiêu xây dựng tỉnh Thái Nguyên “trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta” như lời căn dặn của Người. Trong suốt hành trình đó, tỉnh Thái Nguyên vô cùng tự hào truyền thống cách mạng vẻ vang của cha ông- nối tiếp hôm nay vững bước kỷ nguyên mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 7 lần về thăm Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên:
1.Tháng 12-1954, Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với hơn 2.000 cán bộ tại Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt 2 của đoàn Thái Nguyên, Bắc Giang (được tổ chức tại xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ).
2. Ngày 25/1/1955, nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, Bác Hồ đến thăm Công trường đập Thác Huống - đập này bị máy bay Pháp ném bom phá hỏng ngày 12/6/1952, thời điểm đó đang được sửa chữa lại.
3. Ngày 2/3/1958, Bác Hồ về thăm tỉnh Thái Nguyên lần thứ ba. Cùng đi với Hồ Chủ tịch có Bộ trưởng Bộ Thủy lợi và Kiến trúc Trần Đăng Khoa, Phó Trưởng Ban Liên lạc nông dân toàn quốc Nguyễn Mạnh Hồng.
4. Ngày 4/6/1959, Hội đồng Chính phủ ra quyết định thành lập Công trường Khu Gang thép Thái Nguyên. Quan tâm đến Khu Gang thép Thái Nguyên, chỉ 4 ngày sau (ngày 8/6/1959), Bác Hồ đã đến thăm công trường lần thứ nhất.
5. Ngày 13/3/1960, hơn 4 vạn đại biểu nhân dân các dân tộc trong tỉnh họp mít tinh đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chính phủ tặng cho tỉnh Thái Nguyên và Huân chương Lao động hạng Hai tặng cho huyện Định Hóa.
6. Ngày 31/12/1962, Bác Hồ về thăm Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa huyện Phú Lương và đồng bào xã Phủ Lý.
7. Ngày 31/12/1963, lần cuối cùng Bác Hồ về thăm đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên.
Ngày 1/1/1964, Bác đến thăm cán bộ, công nhân Khu Gang thép, Nhà máy điện Cao Ngạn... 45.000 đại biểu cán bộ, công nhân và nhân dân trong tỉnh vô cùng phấn khởi được Bác Hồ chúc mừng năm mới và nói chuyện tại sân vận động thành phố Thái Nguyên trong ngày đầu năm.
Người nói: "Tỉnh ta sẵn có truyền thống cách mạng vẻ vang, có tài nguyên phong phú, có nông nghiệp hợp tác hoá, có thủ công nghiệp, công nghiệp nhẹ và công nghiệp nặng. Đồng bào các dân tộc sẵn có đức tính cần cù. Nói tóm lại, tỉnh ta có nhiều điều kiện rất thuận lợi, toàn thể đồng bào và cán bộ phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta"...