Xã hội

Giữ gìn mái tranh di tích – Bảo tồn hồn cốt văn hóa dân tộc

Lập Nguyễn - Đức Hùng 17/05/2025 17:01

Di tích lịch sử, văn hóa là những minh chứng vật chất quý giá, phản ánh sinh động quá trình phát triển của dân tộc qua các thời kỳ. Trong đó, các công trình kiến trúc lợp tranh, đóng vai trò đặc biệt trong việc thể hiện bản sắc văn hóa Việt Nam.

398-202505161115251.png
Cụm di tích Hoàng Trù, cụm di tích Làng Sen, là những cụm di tích chính được lợp bằng nguyên liệu lá mía.

Tại Khu di tích Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), công tác trùng tu, tôn tạo luôn được chú trọng trong nhiều năm qua. Trong đó, việc lợp tranh định kỳ cho các cụm di tích chính như Cụm di tích Hoàng Trù và Cụm di tích Làng Sen là nhiệm vụ quan trọng hàng năm, được Ban Giám đốc và các phòng chuyên môn quan tâm sát sao.

Các công trình này sử dụng nguyên liệu đặc trưng là lá mía để lợp mái, đòi hỏi quy trình kỹ thuật chặt chẽ nhằm bảo đảm yếu tố nguyên trạng, giữ gìn giá trị gốc. Tuy nhiên, dưới tác động của thời gian, khí hậu và điều kiện tự nhiên, các công trình kiến trúc này ngày càng xuống cấp, đòi hỏi phải có kế hoạch trùng tu cụ thể, phù hợp nhằm bảo tồn lâu dài.

Thuận lợi trong công tác trùng tu, lợp tranh di tích

Trước hết, công tác trùng tu, tôn tạo nói chung và việc lợp tranh nói riêng hiện đang nhận được sự quan tâm ngày càng lớn từ Nhà nước, các cơ quan chức năng và ngành Văn hóa. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nghị quyết, chính sách liên quan đến bảo tồn di sản văn hóa ngày càng hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động này.

Đặc biệt, nhận thức của người dân Kim Liên nói riêng và cả nước nói chung về giá trị của di tích, vai trò gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng được nâng cao. Đây là động lực để cán bộ, viên chức và người lao động tại Khu di tích Kim Liên không ngừng nỗ lực gìn giữ, bảo tồn nguyên trạng các công trình như Di tích Hoàng Trù, Di tích Làng Sen, nơi lưu giữ hình ảnh một làng quê yên bình, tĩnh lặng, gắn liền với ký ức tuổi thơ và thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hiện nay, một số làng nghề và nghệ nhân ở Kim Liên, Nam Đàn vẫn còn lưu giữ kỹ thuật truyền thống trong việc lợp mái tranh, đặc biệt là tranh lá mía. Đây là điều kiện thuận lợi quan trọng, góp phần phục dựng chính xác kiến trúc ban đầu của các di tích. Với tâm niệm xem di tích như ngôi nhà của mình, các nghệ nhân luôn sẵn lòng đóng góp công sức.

Từ việc tuyển chọn kỹ lưỡng từng lá tranh, cắt gọt chỉn chu từng thanh rui mè, buộc chặt từng mối lạt…, tất cả đều được thực hiện với tinh thần trách nhiệm và lòng tự hào sâu sắc. Nhờ đó, mỗi mái tranh khi hoàn thiện không chỉ vững chắc, khang trang, mà còn gợi nhắc hình ảnh quê hương trong ký ức Người.

398-202505161115252.png
Quá trình các nghệ nhân lợp lại mái tranh là một công việc hết sức vất vả và khó khăn.

Những khó khăn trong quá trình thực hiện

Bên cạnh những thuận lợi, công tác trùng tu, lợp mái tranh cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Trước hết là vấn đề nguyên vật liệu. Khác với các loại tranh truyền thống như lá cọ, rơm rạ, mái tranh tại các cụm di tích ở Kim Liên yêu cầu sử dụng lá mía, loại vật liệu đặc trưng.

Tuy nhiên, hiện nay nguồn lá mía ngày càng khan hiếm do thay đổi mô hình canh tác nông nghiệp và tác động của biến đổi khí hậu. Việc tìm kiếm, tuyển chọn nguyên liệu không chỉ vất vả mà còn tốn kém thời gian và chi phí vận chuyển, xử lý.

Tiếp theo là vấn đề nhân lực. Lực lượng nghệ nhân có tay nghề cao trong kỹ thuật lợp tranh truyền thống đang ngày càng ít đi. Thế hệ trẻ không còn mặn mà với nghề, dẫn đến nguy cơ mai một kỹ năng quý báu và thiếu hụt lao động chuyên môn.

Vấn đề kinh phí cũng là một rào cản đáng kể. Công tác trùng tu, lợp mái tranh định kỳ hàng năm phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, nguồn lực xã hội hóa còn hạn chế, chi phí cho mỗi dự án bảo tồn theo đúng quy chuẩn lại rất lớn.

Ngoài ra, yếu tố thời tiết và điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của miền Trung, với độ ẩm cao, mưa nắng thất thường, gió bão, khiến mái tranh dễ bị ẩm mốc, mối mọt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ bền công trình, làm tăng chi phí bảo trì, bảo dưỡng định kỳ.

398-202505161115253.jpg
Nhà cụ Hoàng Xuân Đường đang trong quá trình lợp lại tranh lá mía

Những thách thức đặt ra

Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là làm sao bảo tồn nguyên trạng di tích, nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả sử dụng và an toàn cho công trình. Việc sử dụng vật liệu truyền thống như lá mía cần kết hợp với kỹ thuật xử lý hiện đại để tăng độ bền, đồng thời vẫn giữ được giá trị gốc.

Thách thức tiếp theo đến từ xu hướng thương mại hóa di sản tại một số địa phương. Vì mục tiêu phát triển du lịch, không ít nơi đã can thiệp quá mức vào cấu trúc, vật liệu di tích, làm biến dạng, mất đi bản sắc ban đầu.

Khu di tích Kim Liên hiện cũng đang đứng trước bài toán tương tự: Vừa phải bảo tồn nguyên trạng, vừa đảm bảo phục vụ khách tham quan trong điều kiện mở cửa xuyên suốt 365 ngày trong năm. Thêm vào đó, hiện nay vẫn chưa có quy chuẩn kỹ thuật khoa học cụ thể cho việc trùng tu bằng vật liệu truyền thống.

Cuối cùng, biến đổi khí hậu tiếp tục là thách thức toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến độ bền của vật liệu xây dựng tự nhiên như mái tranh. Điều này gây áp lực lớn cho công tác bảo tồn và đặt ra yêu cầu cấp bách về chiến lược dài hạn trong gìn giữ di sản.

398-202505161115254.jpg
Công việc lợp tranh lá mía di tích đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và chịu khó.

Hành động vì tương lai di sản

Thực tế cho thấy, việc lợp mái tranh di tích không chỉ đơn thuần là sửa chữa một công trình kiến trúc cổ. Đó là hành động gìn giữ một phần linh hồn văn hóa dân tộc cho các thế hệ mai sau. Vì vậy, công tác trùng tu, tôn tạo di tích cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, cộng đồng, các nhà chuyên môn.

Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, việc bảo tồn di sản văn hóa cần được đặt trong tầm nhìn chiến lược, hướng đến phát triển bền vững, bảo đảm giữ gìn bản sắc dân tộc, nhưng vẫn phù hợp với yêu cầu của thời đại.

Lập Nguyễn - Đức Hùng