Tin địa phương

Thanh Hóa khắc ghi những lời dặn của Bác Hồ

Thành Phan 18/05/2025 - 14:25

Những dấu ấn sâu đậm trong những lần Bác Hồ về thăm Thanh Hóa mãi mãi là nguồn cổ vũ, động viên to lớn để tỉnh nhà tiếp tục vững bước trên con đường phát triển, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của Người.

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã một lòng kiên trung bảo vệ chính quyền non trẻ. Trong bối cảnh ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dõi theo từng bước đi của Thanh Hóa, thể hiện qua 4 lần Người trực tiếp về thăm và làm việc tại tỉnh.

Ngày 20/2/1947, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Thanh Hóa. Tại Rừng Thông, Người đã có buổi làm việc quan trọng với các cán bộ chủ chốt của tỉnh. Trong cuộc gặp gỡ với thân hào trí thức và nhân dân thành phố, cũng như trong thư gửi đồng bào thượng du, Bác đã giao nhiệm vụ thiêng liêng cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thanh Hóa: "... Phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu... phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự phải là kiểu mẫu." Lời căn dặn sâu sắc ấy đã sớm trở thành kim chỉ nam, thôi thúc Thanh Hóa nỗ lực vượt qua mọi thử thách.

bacho8.jpg
Tượng đài Kỷ niệm Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần thứ nhất tại Rừng Thông, TP. Thanh Hóa (Ảnh tư liệu)

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Thanh Hóa nhanh chóng bắt tay vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời chi viện cho miền Nam. Ngày 13/6/1957, Bác Hồ trở lại thăm Thanh Hóa lần thứ hai. Người đã đến thăm Trường thiếu nhi miền Nam, nơi nuôi dưỡng những mầm non cách mạng. Đặc biệt, tại Khu giao tế của tỉnh, Bác đã có buổi nói chuyện thân mật với hơn một vạn đại biểu các tầng lớp nhân dân. Những lời động viên, chỉ bảo ân cần của Bác đã củng cố niềm tin, khơi dậy khí thế thi đua lao động sản xuất trong toàn tỉnh.

bacho5.jpg
Bác Hồ nói chuyện với đại biểu các tầng lớp nhân dân Thanh Hóa năm 1957 (Ảnh tư liệu)

Năm 1960, Bác Hồ tiếp tục dành sự quan tâm cho giai cấp công nhân Thanh Hóa khi đến nói chuyện tại Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ VI (19/7/1960). Sau đó, hình ảnh giản dị, gần gũi của Bác đã in sâu vào tâm trí người dân Sầm Sơn khi Người cùng bà con kéo lưới trên biển. Khoảnh khắc ấy không chỉ thể hiện sự quan tâm của vị lãnh tụ kính yêu đối với đời sống của nhân dân, mà còn là nguồn động viên tinh thần to lớn, khích lệ tinh thần đoàn kết, lao động hăng say.

bacho9.jpg
Bác Hồ nói chuyện với cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 57 Sầm Sơn làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển tổ quốc năm 1960 (Ảnh tư liệu)

Lần thứ tư, cũng là lần cuối cùng Bác Hồ về thăm Thanh Hóa là vào tháng 12 năm 1961 (từ ngày 11 đến 12). Trong những ngày ở thăm, Người đã đến thăm Hợp tác xã cơ khí Thành Công, Nhà máy cơ khí Thanh Hóa và Hợp tác xã nông nghiệp Yên Trường (huyện Yên Định). Tại đây, Bác đã ghi nhận và biểu dương những thành tích mà Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã đạt được trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người căn dặn các cấp lãnh đạo phải tăng cường đoàn kết, nhất trí, hết lòng phục vụ nhân dân để xây dựng Thanh Hóa ngày càng giàu mạnh. Đặc biệt, vào ngày 12/12/1961, tại Sân vận động tỉnh, Bác đã tự tay bắt nhịp cho đồng bào và nhân dân Thanh Hóa cùng cất vang bài ca "Kết đoàn", một biểu tượng của sức mạnh và ý chí thống nhất.

bacho3.jpg
Bác Hồ cùng các cháu thiếu nhi tại xã Yên Trường, huyện Yên Định năm 1961 (Ảnh tư liệu)

Những hình ảnh và lời dạy của Người vẫn mãi là di sản vô giá đối với Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa. Từng thế hệ người dân xứ Thanh luôn tự hào về truyền thống cách mạng, khắc ghi những lời căn dặn của Bác và nguyện ra sức phấn đấu, hiện thực hóa mong muốn của Người, xây dựng Thanh Hóa trở thành một tỉnh kiểu mẫu, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thành Phan