“Sắc vóc non cao” tỏa sáng tại Đắk Lắk
Tối 17/5, tại Bảo tàng Đắk Lắk, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cùng các đơn vị liên quan tổ chức Chương trình Thời trang Thổ cẩm Việt Nam - Đắk Lắk 2025 với chủ đề “Sắc vóc non cao”.
Sự kiện không chỉ tôn vinh vẻ đẹp độc đáo của thổ cẩm, mà còn hướng tới chào mừng Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025).

Với chủ đề đầy ý nghĩa, chương trình mong muốn tôn vinh vẻ đẹp phong phú của thổ cẩm từ các dân tộc anh em trên khắp Việt Nam, đặc biệt là vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ. Đây là dịp quan trọng để quảng bá hình ảnh văn hóa đặc sắc của Đắk Lắk đến bạn bè trong nước và quốc tế, đồng thời khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc trong đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Chương trình cũng nằm trong định hướng khuyến khích phát triển công nghiệp văn hóa gắn với du lịch, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bà Kim Thanh Thảo, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nghệ thuật Hoa Ánh Dương – đơn vị tổ chức thực hiện chương trình, chia sẻ: “Thổ cẩm vốn là một phần không thể thiếu trong bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Mỗi đường nét, họa tiết trên thổ cẩm là câu chuyện của lịch sử, là dấu ấn của trí tuệ dân gian, là tiếng nói của tâm hồn và sự sáng tạo. Tuy nhiên, trong thời đại hội nhập, làn sóng công nghiệp hóa đã khiến những giá trị truyền thống như thổ cẩm dần mai một. Đó là lý do mà việc bảo tồn và phát triển chất liệu thổ cẩm trở thành một trách nhiệm không chỉ của riêng nhà thiết kế, mà còn là của doanh nghiệp, tổ chức và toàn xã hội.”
Quan niệm về vẻ đẹp và tình yêu di sản vùng non cao được thể hiện rõ qua ý nghĩa: Chiếc váy thổ cẩm không chỉ để mặc, đó là linh hồn của núi, là tiếng gọi tổ tiên, là bản nhạc vang lên giữa đại ngàn. “Sắc vóc non cao” chính là tiếng gọi thiêng liêng về dáng hình dân tộc, nâng tầm thổ cẩm không chỉ là vải vóc, mà là văn hóa, là tinh hoa hun đúc qua bao thế hệ.
Thổ cẩm không chỉ là chất liệu nghệ thuật mà những đôi bàn tay dệt nên nó đã trở thành những người nghệ nhân, nghệ sĩ đích thực. Chính vì thế, thổ cẩm đã trở thành linh hồn của văn hóa nơi non cao, mang kết tinh những giá trị truyền thống, là tiếng nói vang vọng của lịch sử, cũng như niềm vui sống thường nhật của người dân.
Nhà thiết kế Việt Hùng đã "vẽ" nên bộ sưu tập "Sắc màu Tây Nguyên", không chỉ đơn thuần sử dụng thổ cẩm mà còn chắt chiu sắc và hồn, kết hợp tinh tế với nghệ thuật móc len thủ công, tạo nên những bộ trang phục độc đáo trên nền chất liệu truyền thống. Khơi nguồn cảm hứng từ đại ngàn Tây Nguyên trầm mặc, những gam màu đất, đen huyền, đỏ lửa hay vàng rực được hòa quyện cùng họa tiết truyền thống và hình ảnh đặc trưng của non nước Việt Nam.

Áo dài, biểu tượng của nét đẹp truyền thống dân tộc Việt Nam, cũng có mặt trong đêm diễn, thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa tà áo truyền thống và chất liệu thổ cẩm bản sắc. Nhà thiết kế Thạch Linh chia sẻ, với chị, thổ cẩm không chỉ là vải vóc, đó là ký ức, là bản sắc, là tình yêu đất mẹ và là giấc mơ lan tỏa, khao khát phát triển chất liệu di sản dân tộc mà chị muốn dệt qua từng bộ trang phục.
Chương trình Thời trang thổ cẩm Việt Nam - Đắk Lắk 2025 với chủ để “Sắc vóc non cao” được ví như một viện bảo tàng thời trang thổ cẩm, nơi mỗi vị khách như được du hành xuyên thời gian để chiêm ngưỡng những sắc vóc thời trang, văn hóa, nghệ thuật nơi cao nguyên Đắk Lắk nói riêng, Việt Nam nói chung.
Chương trình được tổ chức nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống của nghề dệt thổ cẩm – một di sản đặc sắc, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt và văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và của tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Thông qua trình diễn những bộ trang phục được dệt từ sợi bông, sợi lanh kết hợp với màu nhuộm thiên nhiên, các hoa văn độc đáo trên nền vải thổ cẩm đã kể lại những câu chuyện văn hóa, phản ánh đời sống tinh thần, tín ngưỡng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam đang sinh sống trên mọi miền của Tổ quốc.