Môi trường

Hải Phòng: Giám sát việc phân loại rác tại nguồn trên địa bàn quận An Dương

Vũ Ba 17/05/2025 - 12:07

Đoàn giám sát của HDNĐ TP Hải Phòng vừa giám sát chuyên đề về việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn quận An Dương.

Theo báo cáo của UBND quận An Dương, công tác tuyên truyền phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như tổ chức khoảng hội nghị, phát tờ rơi, tuyên truyền qua đài truyền thanh, hướng dẫn, ký cam kết đến từng hộ…

Quận thực hiện mô hình thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đối với gần 700 hộ tại phường An Hải và phường Đồng Thái, sau đó triển khai toàn quận.

Tính đến hết quý I/2025, tỷ lệ số hộ thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn quận đạt khoảng 91% (43.244 hộ/47.739 hộ). Rác thải được 2 doanh nghiệp thu gom vận chuyển về bãi rác tập trung của thành phố để xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, địa phương gặp một số khó khăn khi triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn như: mới phân loại chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng và một phần chất thải thực phẩm được phân loại để tận dụng làm thức ăn gia súc, gia cầm; cơ sở hạ tầng phục vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn chưa đồng bộ; kinh phí đầu tư, phân bổ cho các công trình bảo vệ môi trường còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra…

Địa phương đề nghị UBND thành phố sớm ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý đối với chất thải rắn sinh hoạt theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; ưu tiên bố trí nguồn vốn cho thực hiện công trình bảo vệ môi trường và công tác quản lý chất thải rắn như đầu tư xây dựng các điểm tập kết chất thải rắn và các trang thiết bị đảm bảo cho việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn theo quy định.

img_5107.jpeg
Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại một số địa điểm trên địa bàn quận An Dương.

Qua đi khảo sát thực tế, nghe báo cáo Đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao quận An Dương có cách làm bài bản, rõ lộ trình, nhất là về tuyên truyền, xây dựng các điểm tập kết rác; tỷ lệ hộ dân phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cao hơn so với bình quân chung thành phố (hơn 90%). Tuy nhiên, quận An Dương cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là nhận thức của một bộ phận nhân dân nên kết quả còn hạn chế; việc phân loại tuy có nhưng chưa triệt để, hạ tầng, thiết bị thu gom chưa đồng bộ, khả năng đầu tư thấp...

Đoàn giám sát đề nghị quận An Dương bám sát sự chỉ đạo của Thành uỷ tại Chỉ thị số 34 và kế hoạch của UBND thành phố; tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, rõ người rõ việc, phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình; thường xuyên kiểm tra, giám sát; có biện pháp xử lý hành chính những vi phạm. Đồng thời, tiếp tục đầu tư về nguồn lực, có phương án cụ thể khi chuyển sang mô hình chính quyền 2 cấp, không để bị gián đoạn, ảnh hưởng đến hiệu quả việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Vũ Ba