TAND tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh cải cách tư pháp, hướng tới nền tư pháp hiện đại, thân thiện
TAND hai cấp tỉnh Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng về cải cách tư pháp, ứng dụng công nghệ thông tin, và tăng cường hòa giải, đối thoại, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của ngành Tòa án.
Bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm là giải quyết và xét xử các loại vụ án, TAND hai cấp tỉnh Thanh Hóa đã tích cực triển khai các chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội và TANDTC về công tác cải cách tư pháp, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Thực hiện các Chỉ thị của Chánh án TANDTC về đẩy mạnh chuyển đổi số và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, TAND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số. Các hoạt động này bao gồm tăng cường chỉ đạo, điều hành chuyển đổi số; siết chặt kỷ luật công vụ; triển khai hiệu quả nền tảng quản trị số và phần mềm chuyên ngành; đẩy mạnh ứng dụng Trợ lý ảo và dịch vụ công trực tuyến; tăng cường quản lý văn bản trên nền tảng số; và tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình triển khai tại các đơn vị.

Song song đó, Tòa án hai cấp tỉnh Thanh Hóa tiếp tục triển khai các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tập trung vào 14 giải pháp nâng cao chất lượng xét xử. Nhiều đơn vị đã chú trọng rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính tư pháp, đặc biệt trong tiếp nhận, xử lý đơn khởi kiện, cung cấp thông tin, cấp trích lục bản án. Quy trình nội bộ theo cơ chế "một cửa" được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo minh bạch và đúng thời hạn.
Công tác chuẩn hóa quy trình làm việc, cải tiến tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức được chú trọng từ khâu tiếp dân đến tổ chức xét xử. Việc niêm yết công khai thủ tục hành chính tư pháp tại trụ sở Tòa án và trên cổng thông tin điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin.
Các đơn vị đã phân công công chức hướng dẫn người dân nộp tiền án phí, lệ phí Tòa án trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Các phiên tòa trực tuyến được tổ chức ở nhiều đơn vị đối với các vụ án đủ điều kiện, tiết kiệm chi phí, thời gian và đảm bảo tính công bằng, minh bạch. Đặc biệt, công tác tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn và công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ được quan tâm, cùng với việc tăng cường an toàn an ninh mạng trong hoạt động tư pháp số.

Thực hiện Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP của TANDTC, Tòa án hai cấp tỉnh Thanh Hóa đã công khai 2.833 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân. Phần mềm Trợ lý ảo cũng được ứng dụng hiệu quả với 7.845 lượt tra cứu và 1.857 lượt trao đổi chuyên môn nghiệp vụ.
Tính đến hết tháng 3/2025, TAND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức 12 phiên tòa trực tuyến (10 sơ thẩm, 2 phúc thẩm) chủ yếu là các vụ án hình sự đơn giản. Các phiên tòa diễn ra đúng trình tự, thủ tục, nhận được sự đồng thuận cao từ người tham gia tố tụng.
Trong công tác thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, TAND tỉnh Thanh Hóa đã tích cực triển khai, tạo chuyển biến tích cực trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Ngay từ đầu năm, các TAND cấp huyện đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật đến cán bộ, công chức và người dân. Tòa án tỉnh cũng phối hợp với các cơ quan truyền thông để nâng cao nhận thức về vai trò của hòa giải, đối thoại.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, đội ngũ 126 hòa giải viên tại TAND hai cấp đã hòa giải, đối thoại thành công 318 trên tổng số 735 đơn đủ điều kiện, đạt tỷ lệ 43,2%. Những kết quả tích cực trong công tác cải cách tư pháp của TAND hai cấp tỉnh Thanh Hóa đã góp phần xây dựng một nền tư pháp ngày càng hiện đại, hiệu quả và gần gũi với người dân.