Pháp đình

Vụ án đất hiếm: Nhiều bị cáo ân hận, mong nhận được khoan hồng

Mạnh Hùng 15/05/2025 - 20:27

Ngày 15/5, phiên tòa xét xử 27 bị cáo trong vụ án khai thác, buôn lậu đất hiếm tiếp tục với phần tranh luận. Sau khi kết thúc phần tranh luận, trước khi nghị án, HĐXX nghe các bị cáo nói lời sau cùng và sẽ tuyên án vào 14 giờ ngày 21/5/2025.

ae49358c-190e-4f78-9dcd-637a205b5df5.jpeg
Đại diện VKS đối đáp với các luật sư tại phiên tòa chiều nay

Trong phần tranh luận đối đáp với các luật sư và bị cáo, đại diện VKS cho rằng luật sư trình bày thêm một số tình tiết giảm nhẹ mới về nộp tiền khắc phục hậu quả và bệnh án. Tuy nhiên, các luật sư không trình ra tài liệu chứng minh.

Theo VKS, cơ bản các luật sư đề nghị giảm nhẹ hơn mức án VKS đề nghị, có luật sư đề nghị mức án bằng thời hạn tạm giam, có luật sư đề nghị cho bị cáo hưởng án treo.

Về những ý kiến này, đại diện VKS cho rằng nhóm bị cáo có hành vi khai thác trái phép tài nguyên trị giá hơn 800 tỷ đồng và đã tiêu thụ số lượng quặng đất hiếm, quặng sắt trị giá hơn 700 tỷ đồng. Đây là hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn.

VKS đã đánh giá vai trò, việc khắc phục một phần hậu quả vụ án của từng bị cáo và vận dụng tất cả tình tiết giảm nhẹ để đề nghị mức án phù hợp với từng bị cáo, đảm bảo tính khách quan, nhân văn.

57c55728-7a1f-4266-ae32-fa8bfd37935e.jpeg
Các bị cáo tại phiên tòa

Từ đó, VKS giữ nguyên quan điểm đề nghị công bố trước đó, với các ý kiến khác VKS đề nghị HĐXX xem xét.

Tranh luận lại với VKS, bị cáo Đoàn Văn Huấn và luật sư của bị cáo đều đề nghị xem xét lại cách tính toán thiệt hại. Theo bị cáo Huấn và luật sư, cáo trạng xác định thiệt hại trên cơ sở tính giá trị khoáng sản sau khi có chế biến và một số công đoạn khác là không phù hợp.

Luật sư Vũ Thị Nga, người bào chữa cho bị cáo Đoàn Văn Huấn đề nghị tính giá trị thiệt hại trên cơ sở giá trị khoáng sản nguyên khai.

Ngoài ra, bị cáo Huấn tiếp tục đề nghị VKS, HĐXX trả lại con dấu cho Công ty Thái Dương, và cho phép bị cáo ủy quyền cho vợ để giải quyết các công việc của Công ty, lấy tiền nộp khắc phục cho bị cáo.

Nói lời sau cùng trước khi phiên tòa bước vào phần nghị án, bị cáo Đoàn Văn Huấn cảm ơn VKS công tâm, áp dụng chính sách nhân văn cho bản thân bị cáo.

“Tôi cảm ơn thật lòng, đến chết không quên được hôm nay, tôi 70 tuổi rồi không sống được bao lâu”- bị cáo Huấn nói.

6fd706d7-0bc2-4578-b4d0-701baada8b5b.jpeg
Bị cáo Đoàn Văn Huấn xúc động trong lời nói sau cùng

Bị cáo Huấn cũng gửi lời xin lỗi 27 bị cáo vì “ít nhiều tôi cũng là nguyên nhân để các bị cáo đứng ở đây” và “tôi xin lỗi nhất là anh Nguyễn Linh Ngọc, cả cuộc đời này tôi ân hận với anh ấy”.

Ngoài ra, bị cáo Huấn trình bày thêm rằng bản thân ông không phải không triển khai dự án, chỉ là chậm trễ do giải phóng mặt bằng đến năm 2018-2019 mới xong. Lúc đó, bị cáo đang làm thì bị bắt.

Cuối cùng, ông Huấn xin HĐXX xem xét “cho bị cáo mức án nhẹ nhất”.

Cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc nói rằng trong 2 năm xảy ra vụ án, với vị trí là người được giao công tác quản lý khai thác khoáng sản, bị cáo rất ân hận và có trách nhiệm một phần đối với việc đã xảy ra.

“Đây là bài học rất đau xót với cá nhân tôi”- bị cáo Ngọc nói.

Bị cáo Ngọc cũng trình bày rằng thời gian qua đã nhận thức rất nhiều vấn đề trong công tác quản lý khoáng sản, nhận thức một số lỗ hổng cơ chế, chính sách thẩm định, cách làm việc.

Đây là bài học đắt giá không chỉ riêng cá nhân bị cáo mà còn dành cho nhiều người đang làm công tác này. Sau việc này, bị cáo mong thế hệ sau nhìn nhận nghiêm túc, sửa đổi bài bản trong các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý khoáng sản nghiêm túc hơn cho đất nước.

“Tôi chỉ xin giảm án hình phạt cho tôi sớm trở về cống hiến thêm trong công cuộc bảo vệ môi trường biến đổi khí hậu”- bị cáo Ngọc nói.

toan-canh-phien-toa-moi.jpeg
Toàn cảnh phiên tòa

Với các bị cáo còn lại đều thể hiện sự ăn năn, hối hận, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho mình để các bị cáo sớm có cơ hội được trở về với gia đình, xã hội và sớm có cơ hội được làm lại cuộc đời.

Mạnh Hùng