Để được xét tuyển vào lớp 10 trường công lập ở Hà Nội, cần lưu ý những nguyên tắc nào?
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2025-2026 trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ diễn ra ngày 7 và 8/6 với ba môn thi gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ.
Để bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất, tránh nhầm lẫn, chủ quan làm ảnh hưởng đến quyền lợi học tập, bên cạnh việc tập trung ôn luyện, thí sinh cần lưu ý nguyên tắc xét tuyển vào lớp 10.
Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, đối với các trường trung học phổ thông công lập, thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ không được xét tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3.

Thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 được xét tuyển nguyện vọng 2, nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 của trường ít nhất 1,0 điểm.
Thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 được xét tuyển nguyện vọng 3, nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 của trường ít nhất 2,0 điểm.
Khi hạ điểm chuẩn, các trường trung học phổ thông công lập được phép nhận thí sinh có nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 đủ điều kiện trúng tuyển.
Từ nay đến trước khi kỳ thi diễn ra, thí sinh cần ghi nhớ các mốc thời gian như sau:
9 giờ sáng 6/6, học sinh đến điểm thi học tập Quy chế thi. Thời gian thi lớp 10 công lập không chuyên diễn ra ngày 7 – 8/6; ngày 9/6 các thí sinh thi chuyên.
Dự kiến 4 – 7/7, Sở GD&ĐT công bố điểm thi của thí sinh và điểm chuẩn của từng trường. Từ 4 - 10/7, nhận đơn phúc khảo của học sinh. Từ 7-9/7, trả Phiếu báo kết quả cho học sinh.
Nhằm phục vụ cho việc đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào lớp 10 trường trung học phổ thông công lập năm học 2025-2026, Hà Nội có 12 khu vực tuyển sinh vào các trường trung học phổ thông công lập và phân chia địa bàn các quận, huyện, thị xã thành 12 khu vực tuyển sinh.
12 khu vực tuyển sinh tại Hà Nội cụ thể như sau:
Khu vực tuyển sinh 1 gồm các quận Ba Đình, Tây Hồ; Khu vực tuyển sinh 2 gồm các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng; Khu vực tuyển sinh 3 gồm các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy;Khu vực tuyển sinh 4 gồm quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì; Khu vực tuyển sinh 5 gồm quận Long Biên và huyện Gia Lâm; Khu vực tuyển sinh 6 gồm các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh;Khu vực tuyển sinh 7 gồm các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và các huyện Hoài Đức, Đan Phượng; Khu vực tuyển sinh 8 gồm các huyện Phúc Thọ, Ba Vì và thị xã Sơn Tây; Khu vực tuyển sinh 9 gồm các huyện Thạch Thất, Quốc Oai; Khu vực tuyển sinh 10 gồm quận Hà Đông và các huyện Chương Mỹ, Thanh Oai; Khu vực tuyển sinh 11 gồm các huyện Thường Tín, Phú Xuyên; Khu vực tuyển sinh 12 gồm các huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức.
Việc phân chia khu vực tuyển sinh nhằm bảo đảm các điều kiện thuận lợi nhất về địa giới hành chính, giúp học sinh không phải di chuyển quá xa để đi học.
Căn cứ vào điều kiện cụ thể về vị trí địa lý và năng lực học tập, học sinh lựa chọn trường để đăng ký nguyện vọng dự tuyển phù hợp.
Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào tối đa 3 trường trung học phổ thông công lập, xếp theo thứ tự nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3.
Trong đó, nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 phải thuộc cùng một khu vực tuyển sinh theo quy định; nguyện vọng 3 có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ.