Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn thông minh
Sáng 15/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn thông minh”, tập trung vào các vấn đề chính như: Ứng dụng AI trong tác nghiệp truyền thông; Giải pháp tăng cường an ninh thông tin ngành báo chí trong công cuộc chuyển đổi số; Đạo đức báo chí trong kỷ nguyên công nghệ...

Sáng 15/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn thông minh”. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của Báo Kinh tế & Đô thị được tổ chức nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025) và hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).
Chuyển đổi số báo chí là xu thế tất yếu
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị chia sẻ: “Chuyển đổi số báo chí trở thành xu thế tất yếu ở tất cả các cơ quan báo chí”. Trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0 và thông tin cạnh tranh hiện nay, nội dung hay vẫn chưa đủ, mà cần phải tạo ra những trải nghiệm mới cho bạn đọc thông qua các ứng dụng công nghệ số.

Theo PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, thực chất của báo chí chuyển đổi số là việc ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại vào hoạt động báo chí, làm cho hệ sinh thái báo chí số được bồi đắp thêm các tính năng mới, ưu việt hơn, nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng, chuyển đổi số báo chí là hoạt động mới và cũng khá khó trong tổ chức thực hiện, bởi trong quá trình vận hành các cơ quan báo chí phải phụ thuộc khá nhiều về công nghệ cũng như nguồn nhân lực mới.
Cùng với đó, hiện nay, các cơ quan báo chí tại Việt Nam nói chung và Báo Kinh tế & Đô thị nói riêng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trong quá trình phát triển như: Nguy cơ bị tấn công mạng với quy mô lớn; ảnh hưởng đến thông tin từ mạng xã hội, thậm chí bị tác động bởi tin tức giả mạo, thiếu kiểm chứng; xu hướng cá nhân hóa trong tiếp nhận thông tin ngày càng cao...
Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của báo chí đa phương tiện, các loại hình truyền thông xã hội như trang thông tin điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo, Twitter, YouTube…) đã tạo ra sự cạnh tranh gay gắt cho hoạt động báo chí.
Xu hướng hình thành các cơ quan truyền thông đa phương tiện ngày càng trở nên phổ biến cũng đặt ra những thách thức cần sự chuyển đổi số tại các cơ quan chí, chuyển đổi từ tập trung cho báo in sang tập trung cho báo điện tử, đặc biệt là yêu cầu cập nhật thông tin nhanh nhạy, chính xác của bạn đọc. Vì vậy, đòi hỏi báo chí phải có sự đổi mới về công nghệ, tổ chức bộ máy để theo kịp xu thế đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về yêu cầu nhiệm vụ chính trị.
Cần quan tâm đến đạo đức nghề nghiệp trong thời đại số
Hội thảo “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn thông minh” không chỉ là diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp mà còn là bước đi cụ thể trong việc hiện thực hóa chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, góp phần xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đánh giá, hội thảo là diễn đàn quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong báo chí - truyền thông, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra những thay đổi sâu sắc trong mọi mặt của đời sống xã hội.
Theo ông Nguyễn Đức Lợi, tòa soạn không còn là một không gian vật lý cố định, mà trở thành nền tảng số linh hoạt, nơi mọi khâu trong quy trình làm báo - từ thu thập, xử lý, sản xuất đến phân phối nội dung - đều được số hóa, tự động hóa và tối ưu hóa nhờ các công nghệ hiện đại như AI, Big Data, Cloud Computing, Blockchain. IoT. AI không thay thế con người, mà hỗ trợ nhà báo làm việc nhanh hơn, chính xác hơn, sâu sắc hơn và gần gũi hơn với độc giả.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ, chúng ta cũng cần quan tâm đến đạo đức nghề nghiệp trong thời đại số. Công nghệ là công cụ, nhưng chính con người mới là chủ thể quyết định cách thức vận hành, kiểm soát và định hướng AI phục vụ lợi ích xã hội và cộng đồng.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu được cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích. Hiện nay TP. Hà Nội khuyến khích các cơ quan báo chí mạnh dạn thí điểm các công nghệ mới trong hoạt động nghiệp vụ, trong đó có AI. Đồng thời, cần tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực báo chí chất lượng cao, trang bị thêm các kỹ năng số, kỹ năng sử dụng công nghệ cho đội ngũ nhà báo, biên tập viên.

TP Hà Nội luôn hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các cơ quan báo chí thực hiện hiệu quả tiến trình chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, xây dựng hệ sinh thái báo chí số hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn; đồng thời sẵn sàng tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thúc đẩy chuyển đổi số báo chí gắn với bảo vệ bản quyền, an toàn thông tin và phát triển kinh tế báo chí trong môi trường số.
Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã trao đổi, thảo luận xoay quanh các chủ đề về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn thông minh, trong đó có mô hình tòa soạn hội tụ của Báo Kinh tế & Đô thị.
Ngày 25/10/2023, Báo Kinh tế & Đô thị ra mắt ứng dụng nền tảng sáng tạo video số tích hợp trí tuệ nhân tạo trên nền tảng YouTube, góp phần mở rộng kênh tương tác, mang đến cho bạn đọc nguồn thông tin tin cậy, nhanh nhạy bằng sản phẩm báo chí đa phương tiện. Đây được coi là bước tiến mới trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số báo chí, tạo nguồn thu quảng cáo số và tăng giá trị thương hiệu cho Báo Kinh tế và Đô thị trong thời gian tới.
Giới thiệu về hệ sinh thái Báo Kinh tế & Đô thị, Tổng Biên tập Nguyễn Thành Lợi cho biết, Báo đang vận hành 02 tờ báo in, 01 báo điện tử và 6 chuyên trang trực thuộc. Do vậy, việc thay đổi cách thức làm việc, sản xuất nội dung thông tin, hệ thống quản trị kỹ thuật có thể đáp ứng giúp Ban Biên tập, lãnh đạo các ban chuyên môn kịp thời nắm bắt chỉ đạo, điều hành thường xuyên, kịp thời là việc cấp thiết.
Sau khi Báo Kinh tế & Đô thị chính thức thay đổi giao diện cùng hệ thống vận hành tòa soạn hội tụ có thể sản xuất và xuất bản tin, bài cho báo in và điện tử trên một CMS. Đồng thời sản xuất các thể loại báo chí đa phương tiện như: Infographic, Emagazine, Longform, Podcast và ứng dụng AI trong tác nghiệp báo chí.