Tòa án địa phương

TAND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị tập huấn Hội thẩm nhân dân lần thứ nhất năm 2025

Trần Sỹ 15/05/2025 - 12:57

Trong 2 ngày 15-16/5, TAND tỉnh Gia Lai đã tổ chức Hội nghị tập huấn cho Hội thẩm nhân dân 2 cấp trong tỉnh. Thạc sĩ Lê Trí Cường – Chánh án TAND quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội, giảng viên Học viện Tòa án trực tiếp truyền đạt xuyên suốt Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có ông Phạm Duy Lam-Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chánh án TAND tỉnh Gia Lai; lãnh đạo TAND tỉnh, lãnh đạo các Tòa, phòng thuộc TAND tỉnh; Lãnh đạo các Tòa án cấp huyện và toàn thể Hội thẩm nhân dân hai cấp của TAND trong tỉnh.

W_lam.jpg
Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chánh án TAND tỉnh Gia Lai Phạm Duy Lam phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chánh án Phạm Duy Lam, cho biết: Hội nghị lần này được tổ chức trong bối cảnh chung của tỉnh và của hệ thống TAND đang quyết liệt triển khai thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế, cơ sở vật chất.

Mặc dù phải triển khai nhiều công việc gấp rút, nhưng Lãnh đạo TAND tỉnh luôn quán triệt chỉ đạo ổn định tư tưởng, đề cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, chủ động triển khai các nhiệm vụ, đảm bảo các cơ quan Tòa án hoạt động bình thường, hiệu quả cho đến khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.

W_toan-canh.jpg
Toàn cảnh Hội nghị.

Tích cực tham gia các hoạt động góp ý xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, trọng tâm là dự thảo sửa đổi các Bộ luật, Luật có liên quan trực tiếp đến tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân.

“Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, nhất là việc từng bước triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, TAND tỉnh đề ra nhiều giải pháp công tác để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, trong đó nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các chức danh tư pháp và tổ chức các hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng xét xử cho Hội thẩm nhân dân luôn được Đảng ủy, Lãnh đạo TAND tỉnh quan tâm”, Chánh án TAND tỉnh Gia Lai Phạm Duy Lam phát biểu.

Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, TAND hai cấp tỉnh Gia Lai triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện có nhiều khó khăn, các loại vụ việc phải thụ lý, giải quyết với số lượng lớn, nhiều vụ việc có nội dung, tính chất phức tạp, mức độ tranh chấp gay gắt.

Tuy nhiên, bám sát tình hình thực tiễn, TAND tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch công tác, phát huy tối đa các điều kiện thuận lợi, tranh thủ mọi nguồn lực, kịp thời khắc phục khó khăn, nỗ lực triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, về cơ bản đảm bảo tiến độ, đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu đặt ra.

W_ht.jpg
Lãnh đạo các Tòa, Phòng của TAND tỉnh Gia Lai và các Hội thẩm nhân dân tham dự Hội nghị.

Trong 6 tháng đầu năm, Tòa án hai cấp đã thụ lý 5.123 vụ việc; giải quyết 3.003 vụ việc, trong đó xét xử gần 800 vụ án các loại theo thủ tục sơ thẩm có Hội thẩm nhân dân tham gia.

Theo Chánh án TAND tỉnh Gia Lai, công tác xét xử đảm bảo kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật; điều đó thể hiện chất lượng đội ngũ Thẩm phán và Hội thẩm không ngừng được nâng cao; khẳng định những đóng góp quan trọng của Hội thẩm nhân dân trong hoạt động Tòa án.

“Tuy nhiên, qua thực tiễn cũng cho thấy, còn có những tồn tại, hạn chế cần rút kinh nghiệm, nhất là sai sót trong nhận thức khi nghiên cứu hồ sơ, tài liệu và đánh giá chứng cứ dẫn đến bản án, quyết định bị Tòa án cấp trên hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Hội đồng xét xử. Vì vậy, việc thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn nghiệp vụ là một giải pháp quan trọng để góp phần khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng xét xử”, Chánh án Phạm Duy Lam nhấn mạnh.

W_lqh_0387.jpg
Thạc sĩ Lê Trí Cường – Chánh án TAND quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội, giảng viên Học viện Tòa án truyền đạt xuyên suốt Hội nghị.

Tại Hội nghị tập huấn lần này, Thạc sĩ Lê Trí Cường – Chánh án TAND quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội, giảng viên Học viện Tòa án trực tiếp truyền đạt chuyên đề “Giải quyết một số tranh chấp phổ biến liên quan đến đất đai trong các vụ án hành chính và dân sự”, đồng thời giải đáp các ý kiến có liên quan.

Đây là những vấn đề liên quan đến quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính luôn được nhận định là khó, phức tạp; việc thu thập, xác minh, bổ sung tài liệu gặp nhiều khó khăn, việc đánh giá chứng cứ có nhiều quan điểm khác nhau giữa các cấp Tòa án, là nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ giải quyết một số vụ án bị kéo dài và một số vụ án bị hủy để xét xử lại nhiều lần.

Trần Sỹ