Chính trị

Chủ tịch xã sẽ có thẩm quyền xử phạt như Chủ tịch huyện

Duy Tuấn - Hữu Tuấn 15/05/2025 - 11:13

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, sáng 15/5, các đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Xác định các chức danh có thẩm quyền xử phạt

Trình bày tờ trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định bị tác động trực tiếp bởi việc sắp xếp, tổ chức bộ máy.

Dự thảo luật sửa đổi quy định về xác định các chức danh có thẩm quyền xử phạt trong trường hợp các chức danh đang có thẩm quyền xử phạt có sự thay đổi nhiệm vụ, quyền hạn theo hướng cho phép thẩm quyền xử phạt được tiếp tục thực hiện bởi cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó tương ứng với từng lĩnh vực quản lý nhà nước.

ninh1.jpeg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh.

Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo hướng quy định chung cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là cấp trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị, thay vì quy định các chức danh cụ thể như hiện nay.

Đáng chú ý, dự thảo luật quy định Trưởng Công an xã (mới) có thẩm quyền xử phạt theo thẩm quyền của Trưởng công an cấp huyện; Chủ tịch UBND cấp xã (mới) có thẩm quyền xử phạt theo thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện, kể từ khi luật được thông qua, trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung các chức danh có liên quan tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, việc trao thẩm quyền cao hơn cho lực lượng ở cấp xã (mới) là giải pháp cần thiết, phù hợp với giai đoạn chuyển tiếp, khi các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước chưa kịp sửa đổi, bổ sung theo quy định của dự thảo Luật.

"Các quy định trên cũng thể hiện rõ chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước, đặc biệt là trong xử lý vi phạm hành chính, từ đó trao quyền và gắn với trách nhiệm cho chính quyền, lực lượng chức năng ở cấp cơ sở thường xuyên phát hiện, tiếp xúc, xử lý các hành vi vi phạm phát sinh trên địa bàn".

ninh3.jpeg
Toàn cảnh kỳ họp.

Thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng tán thành sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý Vi phạm hành chính. Đề nghị tiếp tục rà soát từng chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để bảo đảm thống nhất với pháp luật có liên quan.

Bán ngay tang vật, phương tiện vi phạm bị tạm giữ

Đáng chú ý, Dự thảo luật cũng bổ sung mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực như khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; công nghiệp công nghệ số; dữ liệu; bảo vệ dữ liệu cá nhân; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

ninh2.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng.

Đặc biệt, dự thảo luật bổ sung quy định cụ thể những trường hợp cho phép bán ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ. Quy định cho phép bán ngay phải thỏa mãn các điều kiện như: thời hạn sử dụng dưới 6 tháng tính từ thời điểm hết thời hạn tạm giữ; dễ bị hư hỏng, suy giảm chất lượng nếu không được bảo quản theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật; có nguy cơ gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng…

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành với quy định trên, khắc phục bất cập trong xử lý tang vật, phương tiện trong thời gian qua như thiếu kho bãi bảo quản, tang vật, phương tiện bị hư hỏng gây lãng phí tài sản... Cơ quan thẩm tra đề nghị rà soát kỹ các quy định trong dự thảo luật để bảo đảm tính thống nhất trong cách thức xử lý; thống nhất giữa các quy định có liên quan.

Về tạm giữ người theo thủ tục hành chính, theo cơ quan thẩm tra, việc này sẽ ảnh hưởng đến quyền con người được Hiến pháp bảo vệ. Vì vậy, việc quy định cụ thể các chức danh có thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính tại dự thảo luật là phù hợp.

Duy Tuấn - Hữu Tuấn