Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội lớn để kinh tế tư nhân bứt phá
Tại Tọa đàm “Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội để kinh tế tư nhân bứt phá trong kỷ nguyên mới” tổ chức ngày 14/5 tại Hà Nội, các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp cùng nhận định: Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam không chỉ là cú hích cho hạ tầng giao thông, mà còn là cơ hội chiến lược để kinh tế tư nhân bứt phá.
Tọa đàm là diễn đàn quy tụ các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp và nhà thầu nhằm trao đổi, kiến nghị các giải pháp thúc đẩy triển khai dự án quan trọng này. Qua đó, không chỉ tạo đột phá cho hạ tầng giao thông chiến lược mà còn mở ra không gian phát triển mới, thúc đẩy vai trò của kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên mới.
Cơ hội lớn cho doanh nghiệp tư nhân
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 67 tỷ USD, với quy mô trải dài trên 1.500 km, kết nối các trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Theo đánh giá tại tọa đàm, khu vực tư nhân có thể tham gia sâu vào nhiều công đoạn - Từ xây dựng hạ tầng, sản xuất cấu kiện bê tông, thiết bị đường sắt, đến vận hành, dịch vụ logistics và bất động sản đô thị gắn với các nhà ga.
Đặc biệt, dự án mở ra cơ hội tiếp cận và làm chủ công nghệ cao – từ chế tạo ray thép, đầu tàu đến hệ thống tín hiệu – điều khiển hiện đại. Đây là tiền đề quan trọng để hình thành các chuỗi giá trị mới trong công nghiệp đường sắt và thúc đẩy công nghiệp phụ trợ trong nước.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Thiện Cảnh – Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam – cho biết Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ 24 chính sách thúc đẩy triển khai, trong đó có hai trụ cột chính: khai thác hiệu quả quỹ đất dọc tuyến và phát triển công nghiệp phụ trợ nội địa. Bên cạnh đó, 6 chính sách khác điều chỉnh liên quan vốn đầu tư, tiến độ và cơ chế thi công cũng được đưa ra, với mục tiêu tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai...
Chính sách pháp lý – Đòn bẩy cho doanh nghiệp nội
Một bước ngoặt về cơ chế được nhấn mạnh tại tọa đàm là việc trao quyền quyết định kỹ thuật tại công trường cho kỹ sư tư vấn, đặc biệt là chuyên gia nước ngoài, thay vì phải chờ phê duyệt từ chủ đầu tư. Điều này giúp xử lý nhanh tình huống phát sinh, nhất là khi liên quan đến kết cấu thép hay vật liệu đặc biệt – vốn thường phức tạp và mang tính kỹ thuật cao.
Bộ Xây dựng cũng kiến nghị áp dụng hợp đồng linh hoạt “theo công việc thực tế và đơn giá điều chỉnh” để hạn chế rủi ro tranh chấp – một kinh nghiệm đắt giá rút ra từ các dự án lớn như sân bay Long Thành và tuyến metro số 3 Hà Nội. Đặc biệt, đề xuất miễn trừ trách nhiệm cho người dám nghĩ, dám làm nếu tuân thủ quy trình và quy định, cũng là tín hiệu quan trọng nhằm thúc đẩy quyết đoán trong triển khai.
Ngoài ra, các ưu đãi về thuế, tín dụng, mặt bằng và chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ đang được hoàn thiện, nhằm giúp doanh nghiệp tư nhân xây dựng nhà máy sản xuất cấu kiện, xưởng chế tạo thiết bị, và phát triển công nghiệp phụ trợ nội địa.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của Nhà nước và chính sách đồng bộ, các chuyên gia nhận định dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ không chỉ là đột phá hạ tầng mà còn là bàn đạp giúp khu vực kinh tế tư nhân bứt phá và nâng tầm trong kỷ nguyên công nghệ cao và hội nhập sâu.