Các trường học sẽ bị xáo trộn ra sao khi sáp nhập xã, giải thể huyện?
Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương xem xét, sắp xếp lại hệ thống trường học, trường trung cấp nghề và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn.
Thanh Hóa là địa phương có diện tích rộng, dân số đông nên có rất nhiều đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn với 27 huyện, thị, thành phố. Hệ thống trường học (từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên…) rất lớn. Việc bố trí, sắp xếp lại khi sáp nhập xã, giải thể huyện là bắt buộc phải thực hiện.

Căn cứ định hướng của Trung ương về sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục: "Giữ nguyên các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non công lập và chuyển giao cho chính quyền địa phương cấp xã quản lý.
Đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên thuộc UBND cấp huyện hiện nay sẽ chuyển về Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý và tổ chức lại để thực hiện cung ứng dịch vụ theo khu vực liên xã, phường".

Về cơ bản, giữ nguyên các trường trung học cơ sở (593 trường), tiểu học (584 trường), mầm non (629 trường) công lập trực thuộc UBND cấp huyện hiện nay, chuyển giao cho UBND cấp xã mới quản lý theo nguyên tắc bàn giao nguyên trạng về tổ chức bộ máy, cán bộ, giáo viên, nhân viên hành chính, biên chế (47.512), lao động hợp đồng (3.534), trụ sở, tài chính, tài sản, hồ sơ… của các trường.
UBND cấp xã mới phân tuyến học tập theo khu vực như hiện nay; học sinh đang học ở đâu tiếp tục học ở đó. Cơ quan chức năng sẽ xem xét, sắp xếp lại các ban giám hiệu, hiệu trưởng, hiệu phó của các trường nhưng vào thời điểm phù hợp.

Đối với 11 trường trung học cơ sở dân tộc nội trú trực thuộc UBND 11 huyện miền núi hiện nay, là hệ thống các trường chuyên biệt dành cho con em đồng bào dân tộc và miền núi của tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn 11 huyện.
Để bảo đảm công tác quản lý tổ chức và hoạt động của các trường, giao Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận và quản lý trường trung học cơ sở dân tộc nội trú; kết thúc năm học 2024 – 2025, xây dựng, đề xuất phương án tổ chức lại các trường này bảo đảm theo quy định và phù hợp với tình hình thực tế.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn có 3 trường trung cấp nghề thuộc UBND các huyện: Nga Sơn, Thạch Thành và thị xã Bỉm Sơn quản lý. 23 tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc UBND cấp huyện có nhiều phương án. Trong đó, giữ nguyên 3 trường trung cấp nghề và 23 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - thường xuyên như hiện nay. Với phương án này, tổ chức bộ máy và hoạt động của các đơn vị được giữ ổn định.
Tuy nhiên, với mức độ tự chủ chi thường xuyên còn thấp, số biên chế được giao còn thiếu so với nhu cầu, biên chế từ nguồn thu sự nghiệp chưa thực hiện, chưa gắn với việc tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Phương án khác là sắp xếp, tổ chức lại 26 đơn vị này thành các trung tâm liên khu vực (đề xuất khoảng 10 đến 13 trung tâm) hoạt động, cung ứng dịch vụ trên địa bàn 166 xã, phường sau sắp xếp. Phương án này bảo đảm chủ trương tinh gọn bộ máy; tuy nhiên, gây sự xáo trộn về tổ chức hoạt động, bố trí nơi học tập, ảnh hưởng đến việc tiếp cận (về khoảng cách) của học sinh.
Thực tế, các trường thường hoạt động vào tháng 9 năm trước (khai giảng) và kết thúc vào giữa tháng 5 năm sau. Để tránh xáo trộn, ảnh hưởng tới hoạt động của nhà trường, học sinh, phụ huynh cần có đề án sắp xếp, tinh gọn một cách phù hợp, hiệu quả.
Thanh Hóa có diện tích tự nhiên 11.114,71 km², quy mô dân số 4.320.947 người, có 26 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 2 thành phố, 2 thị xã và 22 huyện, trong đó có 11 huyện thuộc khu vực vùng cao, miền núi; 547 cấp xã gồm 63 phường, 32 thị trấn, 452 xã, trong đó có 16 xã, thị trấn biên giới.
Có thể thấy, diện tích tự nhiên và dân số của các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh là rất nhỏ, thấp hơn so với mức trung bình của toàn quốc là 33,09 km²/xã và 10.108 người/xã.
Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa, sẽ thực hiện sắp xếp 529 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 435 xã, 63 phường, 31 thị trấn) thành 166 đơn vị hành chính cấp xã mới gồm: 18 phường và 148 xã (73 xã đồng bằng, 75 xã miền núi). Số xã, thị trấn giáp nước bạn Lào là 16 đơn vị. Toàn tỉnh giảm 381 đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay, tương ứng giảm 69,65%.
Vào năm 2019, Thanh Hóa thực hiện giải thể, sáp nhập nhiều trường học trên địa bàn: Trường THPT Trần Ân Chiêm (Yên Định), Trường THPT Dương Đình Nghệ (Thiệu Hóa), Trường THPT Triệu Thị Trinh (Nông Cống), Trường THPT Trần Phú (Nga Sơn), Trường THPT Nguyễn Hoàng (Hà Trung), Trường THPT Lê Viết Tạo, Trường THPT Lưu Đình Chất (Hoằng Hóa), Trường THPT Nguyễn Xuân Nguyên (Quảng Xương).
Lý do giải thể là các trường THPT nói trên có vị trí và quy mô không phù hợp với quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục phổ thông của tỉnh; việc giải thể các trường THPT đó là nhằm tập trung đầu mối, nguồn lực cho hoạt động giáo dục phổ thông. Việc giải thể, sáp nhập cũng để bảo đảm thực hiện hiệu quả chính sách tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đề án sắp xếp các trường THPT công lập hiện có của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025.
Sau giải thể, sáp nhập, đa số cơ sở vật chất các trường học trên đều bỏ hoang từ đó đến nay mà chưa được sử dụng, chuyển đổi, gây lãng phí lớn.