Vấn đề quan tâm

Thêm đối tượng phải xuất hóa đơn điện tử từ máy tính tiền từ 1/6/2025

Nguyễn Cúc 10/05/2025 - 07:55

Nghị định số 70/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/6/2025 đã mở rộng đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Ngày 20/3/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2025/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 về hóa đơn, chứng từ. Điểm nhấn đáng chú ý trong nghị định mới là việc mở rộng đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, đồng thời quy định rõ ràng hơn về nội dung thông tin bắt buộc trên loại hóa đơn này. Nghị định sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2025.

ddd.jpg
Ảnh minh họa

Theo quy định mới tại Điều 11 được sửa đổi, đối tượng sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền sẽ không chỉ giới hạn ở một số lĩnh vực nhất định như trước đây. Nghị định 70/2025/NĐ-CP đã mở rộng phạm vi áp dụng. Cụ thể, ngoài các doanh nghiệp có hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đến người tiêu dùng, nhóm đối tượng này còn bao gồm cả hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 1 tỷ đồng trở lên. Điều này căn cứ theo các quy định tại khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 90 và khoản 3 Điều 91 của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.

Các loại hình kinh doanh phải sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền bao gồm những lĩnh vực bán lẻ phổ biến, dễ phát sinh giao dịch nhỏ lẻ như: Trung tâm thương mại, siêu thị, bán lẻ hàng hóa (trừ ô tô, mô tô, xe máy và các loại xe có động cơ khác), dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn, vận tải hành khách, dịch vụ hỗ trợ cho vận tải đường bộ, các hoạt động nghệ thuật, vui chơi giải trí, chiếu phim và các dịch vụ phục vụ cá nhân khác theo phân loại ngành kinh tế Việt Nam.

Đáng chú ý, trước khi Nghị định 70 được ban hành, theo hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư số 78/2021/TT-BTC, việc sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền vẫn mang tính tự nguyện, chưa bắt buộc với hầu hết các đối tượng kinh doanh nhỏ lẻ. Việc mở rộng và quy định bắt buộc áp dụng theo Nghị định mới sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản trong thói quen giao dịch, đồng thời yêu cầu các đơn vị kinh doanh phải chủ động thích ứng với hệ thống hóa đơn điện tử chuẩn hóa và kết nối trực tiếp với cơ quan thuế.

Bên cạnh việc mở rộng đối tượng áp dụng, Nghị định 70/2025/NĐ-CP cũng quy định rõ các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Cụ thể, hóa đơn cần có thông tin như: Tên, địa chỉ và mã số thuế của người bán; thông tin người mua gồm tên, địa chỉ, mã số thuế hoặc số định danh cá nhân hoặc số điện thoại (nếu người mua yêu cầu); tên hàng hóa hoặc dịch vụ; đơn giá, số lượng, giá thanh toán. Đối với các doanh nghiệp nộp thuế theo phương pháp khấu trừ, hóa đơn còn phải ghi rõ giá bán chưa có thuế giá trị gia tăng (GTGT), mức thuế suất, số tiền thuế và tổng số tiền thanh toán đã bao gồm thuế.

Ngoài ra, hóa đơn cũng phải thể hiện thời điểm lập và mã của cơ quan thuế hoặc thông tin điện tử để người mua có thể truy xuất và kê khai dữ liệu hóa đơn. Về phương thức gửi hóa đơn, người bán có thể sử dụng các hình thức điện tử như tin nhắn, thư điện tử hoặc cung cấp đường dẫn, mã QR để người mua có thể dễ dàng tra cứu và tải về hóa đơn điện tử.

Trước đó, nội dung bắt buộc trên hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC chủ yếu bao gồm các thông tin cơ bản như tên, địa chỉ, mã số thuế người bán; thông tin người mua; tên hàng hóa, đơn giá, số lượng, tổng giá trị thanh toán; thời điểm lập hóa đơn và mã cơ quan thuế.

Nguyễn Cúc