Hoàn thiện cơ chế phân quyền nội vụ trong mô hình chính quyền tinh gọn
Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định về phân định thẩm quyền trong lĩnh vực nội vụ khi tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp, đảm bảo sự vận hành thông suốt của bộ máy hành chính nhà nước.
Theo Bộ Nội vụ, hiện nay, chính quyền địa phương tại Việt Nam được tổ chức theo ba cấp: Cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Tuy nhiên, trong hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là pháp luật về lĩnh vực nội vụ, có nhiều quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước ở cấp huyện. Việc duy trì cấp chính quyền huyện sẽ có sự thay đổi lớn khi thực hiện theo Kết luận số 127-KL/TW về định hướng sửa đổi Hiến pháp năm 2013 và sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong đó xác định rõ chủ trương không tổ chức chính quyền cấp huyện.

Theo định hướng này, các cơ quan nhà nước cấp huyện như UBND và HĐND cấp huyện sẽ bị giải thể hoặc sáp nhập vào các mô hình khu vực hóa tương ứng như ngành kiểm sát, tòa án, thuế, thi hành án, v.v. Do đó, toàn bộ hệ thống nhiệm vụ và thẩm quyền của cấp huyện theo quy định pháp luật hiện nay cần được rà soát và điều chỉnh lại nhằm đáp ứng yêu cầu mới của quản lý nhà nước.
Để bảo đảm hoạt động của bộ máy nhà nước được vận hành thông suốt, không gián đoạn và không tạo ra khoảng trống pháp lý, Kế hoạch số 40/KH-BCĐ ngày 19/4/2025 của Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp đã giao Bộ Nội vụ xây dựng Nghị định về phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực tổ chức hành chính, sự nghiệp, chính quyền địa phương, công chức, viên chức, lao động, bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội… trong bối cảnh tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp.
Thực hiện chỉ đạo này, trên cơ sở rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nội vụ, Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng hai Nghị định: một Nghị định về phân cấp và một Nghị định về phân định thẩm quyền.
Trong đó, Dự thảo Nghị định phân định thẩm quyền lĩnh vực nội vụ gồm 5 điều và 1 phụ lục. Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định là danh mục sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ đối với 31 văn bản quy phạm pháp luật, với nội dung cụ thể về việc phân định nhiệm vụ quản lý nhà nước giữa cấp xã và cấp tỉnh khi không còn chính quyền cấp huyện.
Cụ thể, trong phương án điều chỉnh thẩm quyền:
Nhiệm vụ chuyển từ cấp huyện xuống cấp xã gồm 120 nội dung thuộc 8 lĩnh vực, bao gồm: văn thư và lưu trữ nhà nước, thi đua khen thưởng, tiền lương – bảo hiểm xã hội, việc làm – an toàn lao động, tổ chức cán bộ, thanh niên và bình đẳng giới, tổ chức phi chính phủ, và lĩnh vực người có công.
Nhiệm vụ chuyển từ cấp huyện lên cấp tỉnh gồm 21 nội dung thuộc 4 lĩnh vực, bao gồm: văn thư và lưu trữ nhà nước, thi đua khen thưởng, tiền lương – bảo hiểm xã hội, và việc làm – an toàn lao động.
Về nguyên tắc phân định thẩm quyền, Bộ Nội vụ xác định rõ tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo là phân định theo hướng: cấp xã sẽ chủ yếu thực hiện các chính sách do Trung ương và cấp tỉnh ban hành, tập trung vào các nhiệm vụ trực tiếp phục vụ người dân, giải quyết các vấn đề của cộng đồng dân cư và cung cấp các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu tại địa phương. Theo mô hình mới, chính quyền cấp xã không chỉ đảm nhiệm các nhiệm vụ của cấp mình hiện tại mà còn tiếp nhận thêm một phần nhiệm vụ, quyền hạn từ cấp huyện.
Trong khi đó, chính quyền cấp tỉnh sẽ đóng vai trò quản lý, kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động của chính quyền cấp xã, đồng thời tiếp nhận một số nhiệm vụ phức tạp hơn vốn trước đây thuộc về cấp huyện.
Đối với nội dung cụ thể về phân cấp, phân quyền, dự thảo Nghị định nêu rõ: Nhiệm vụ và quyền hạn trong lĩnh vực nội vụ sẽ được quy định rõ ràng trong Nghị định về phân cấp thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực nội vụ – một văn bản độc lập nhưng liên quan mật thiết tới Nghị định phân định thẩm quyền này.
Một điểm đáng lưu ý trong dự thảo là khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, toàn bộ các quy định liên quan đến đơn vị hành chính cấp huyện sẽ được chuyển đổi thành cấp xã hoặc bãi bỏ nếu không còn phù hợp. Nội dung chi tiết về việc chuyển giao hoặc bãi bỏ này được quy định cụ thể tại phụ lục của dự thảo Nghị định.
Về hiệu lực thi hành, Bộ Nội vụ xác định rằng việc phân định thẩm quyền theo Nghị định này là vấn đề phát sinh trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Các quy định của Nghị định sẽ được áp dụng để xử lý những nội dung chưa được quy định hoặc khác với nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính và các hình thức văn bản khác đang còn hiệu lực (trừ Hiến pháp). Đồng thời, để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với Nghị quyết số 190/2025/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội về xử lý một số vấn đề trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, dự thảo Nghị định đề xuất hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2025 và kết thúc hiệu lực vào ngày 28/02/2027.
Hiện nay, Bộ Nội vụ đang đăng tải toàn văn dự thảo Nghị định trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến góp ý rộng rãi từ các cơ quan, tổ chức và cá nhân.